Giấm gỗ (còn gọi là pyroligneous acid) có tên tiếng Anh là wood vinegar, chất lỏng màu nâu, được sản xuất từ quá trình chưng cất gỗ và các vật liệu thực vật khác. Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất và ứng dụng trong ngành nông nghiệp bền vững. Hiện giấm gỗ đã được một số đơn vị tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công, hứa hẹn cung cấp sản phẩm sinh học phục vụ trong nông nghiệp.
Thành phần chủ yếu của giấm gỗ là acid acetic, aceton và methanol. Ngoài ra, giấm gỗ chứa 80 - 90% nước cùng với khoảng 200 hợp chất hữu cơ khác. Việt Nam đã nghiên cứu và chế biến giấm gỗ thành công. Các thành phần của giấm gỗ là một lựa chọn tốt để làm thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng và bổ sung cho thức ăn gia súc. Giấm gỗ không độc hại và dễ phân hủy. Do đó, nó đã mang lại những lợi ích đáng kể cho ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia. Nhóm nghiên cứu ứng dụng giấm gỗ của khoa môi trường (Đại học quốc tế Hồng Bàng) cho biết, tại Việt Nam, giấm gỗ mới chỉ được biết đến bởi các tác dụng về khử mùi và chống nấm mốc đối với nhà cửa, còn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì chưa rộng rãi, trong khi Việt Nam sản xuất nông nghiệp lớn, điều kiện sản xuất giấm gỗ thuận lợi. Hơn nữa, quá trình sản xuất ra giấm gỗ còn tạo ra một sản phẩm chính và rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đó là than sinh học (Biochar). Với tiến trình này, chúng ta sẽ có một nguồn cung cấp hữu cơ bền vững cho đất, cây trồng và vật nuôi.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, giấm gỗ có nguồn gốc từ gỗ cây thực vật thu được từ quá trình nhiệt phân, làm lạnh khói thải, hóa lỏng rồi chưng cất thành giấm gỗ. Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng những ảnh hưởng có lợi của giấm gỗ trong các ứng dụng nông nghiệp bao gồm: giúp tăng sức sống và cải thiện chất lượng cây trồng, giúp kiểm soát côn trùng độc hại và một số loại bệnh cây trồng. Giấm gỗ được dùng bổ sung với hóa chất nông nghiệp làm tăng hiệu quả của việc sử dụng. Giấm gỗ được tưới vào đất hoặc trộn với đất ở nồng độ cao làm ức chế giun đất (có thể là tuyến trùng) và một số bệnh ở đất (vi sinh vật gây bệnh rễ). Ở nồng độ thấp hoặc quá trình phân hủy trong đất, sẽ giúp tăng số lượng vi khuẩn hữu ích trong đất. Giấm gỗ giúp hệ rễ cây phát triển mạnh hơn. Trộn giấm gỗ với phân chuồng làm giảm mùi và giúp ủ phân mau hoai.
Giấm gỗ pha loãng 1/5 - 1/25 với nước là thuốc diệt nấm cho 6 loại nấm gây bệnh trong đất. Số lượng vi khuẩn hại cây thông non giảm đáng kể khi được xử lý giấm gỗ. Trên thế giới, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng giấm gỗ trong sản xuất nông nghiệp như cải tạo đất; bảo vệ thực vật; tiêu diệt, xua đuổi một số sâu bọ và côn trùng: ruồi, muỗi, kiến, gián; làm lành vết thương thực vật; kích thích sinh trưởng; bảo quản lương thực thực phẩm; khử mùi hôi; xử lý môi trường rác thải. Khi phun giấm gỗ pha loãng 300 - 500 lần vào đất, số lượng vi khuẩn trong đất cao hơn, nấm giảm số lượng khoảng 38% so với không phun. Giấm gỗ có tác dụng kiểm soát tốt đối với Rhizoctonia solani, Botrytis cinerea, phấn trắng và thối và ức chế của các xạ khuẩn. Trong chăn nuôi, ứng dụng khử mùi hôi chuồng trại...
Nhật Bản đã thành lập hiệp hội giấm gỗ do tiến sĩ khoa học Yatagai Mitsuyoshi, đại học tổng hợp Tokyo làm chủ tịch. Các nước Brasil, Trung Quốc, Thái Lan... đã ứng dụng rộng rãi giấm gỗ trong nông nghiệp sạch, xem như một giải pháp tuyệt vời thay thế chất bảo vệ thực vật hóa học trong tương lai gần. Tại Việt Nam, có nhiều ứng dụng giấm gỗ cho kết quả tốt. Nhóm nghiên cứu ứng dụng giấm gỗ của khoa môi trường (Đại học quốc tế Hồng Bàng) sử dụng giấm gỗ trên rau tại Hóc Môn TP.HCM đã có kết quả khá rõ rệt trên một số loại sâu bệnh. Thử nghiệm sử dụng giấm gỗ để phòng và hạn chế một số bệnh trên thanh long tại Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu đã thể hiện hiệu lực khá rõ. Kết quả nghiên cứu xử lý giấm gỗ (pha loãng 100 - 300 lần) cho rau muống và rau dền hữu cơ bước đầu cho thấy: tăng trưởng và năng suất rau thực sự tăng so với đối chứng (rau muống tăng 138 - 134%, rau dền tăng 162 -163% so với đối chứng). Đồng thời, ảnh hưởng của giấm gỗ làm giảm đáng kể tình trạng bệnh bạc lá và phấn trắng ở rau muống và dền thí nghiệm, làm cho chất lượng rau tốt hơn (thân cây khỏe, lá xanh sáng và đều, không bị vàng lá gốc, không bệnh tật). Công trình nghiên cứu sản xuất than và giấm gỗ sinh học đã được một số đơn vị tại Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công bước đầu.