Giáo dục

Giải thưởng Võ Trường Toản 2023: Những nhà giáo bền bỉ, hết lòng vì học sinh thân yêu

HOÀNG NGUYỄN 24/11/2023 - 16:01

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM vừa tổ chức Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023 cho 50 nhà giáo tiêu biểu. Trong số những nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, có những nhà giáo đã trên 20 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, là “thuyền trưởng” dẫn dắt đội ngũ sư phạm nhà trường thực hiện “Dạy tốt – Học tốt” và hết lòng với học sinh, đặc biệt là những học sinh chuyên biệt, bị khuyết tật.

Cô Bạch Thị Hằng: “Cố gắng đem đến điều tốt nhất cho những trẻ kém may mắn”

Hơn 32 năm gắn bó, dạy học sinh chuyên biệt, cô Bạch Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5, cho biết vào nghề giáo từ tháng 4/1991, trong đó hơn 13 năm cô làm giáo viên dạy trẻ khiếm thính, trẻ chậm phát triển trí tuệ tại trường. Đến năm 2015, cô đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng và từ tháng 10/2018, cô là Hiệu trưởng của Trường.

co-bach-thi-hang-1-.jpg
Cô Bạch Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5.

Nhớ lại quãng thời gian đầu bước vào nghề, cô Hằng chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ năm tháng mới vào ngành giáo dục đặc biệt khi tuổi đời còn rất trẻ, việc giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật với muôn vàn khó khăn từ định kiến của họ hàng là tại sao chọn nghề này. Tôi phải làm việc không lương 10 tiếng/ngày trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm, chưa biết nhiều về ngôn ngữ ký hiệu để giảng cho học sinh khiếm thính. Rồi thì học sinh hay đánh nhau, chạy nhảy té ngã,… Đôi lúc, tôi cảm thấy chán nản với công việc này nhưng khi nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ, những lời cảm ơn và xúc động của phụ huynh khi trẻ gọi được tiếng mẹ, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đem đến niềm vui cho người khác”. Việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật tuy vất vả nhưng các học sinh có những lời nói thơ ngây, những cử chỉ rất tình cảm đã tiếp thêm cho cô Hằng sức mạnh để gắn bó với nghề.

Khi được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý, cô Hằng vẫn luôn ý thức phải tạo động lực cho giáo viên làm việc, chia sẻ kinh nghiệm nghề, gần gũi giáo viên, truyền cảm hứng tích cực, tiếp sức tình yêu thương học sinh qua các phương pháp dạy. Khi tư vấn cho phụ huynh, cô Hằng luôn đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu nỗi buồn, sự thất vọng của họ để giúp phụ huynh giải tỏa những lo âu và đưa ra những biện pháp giáo dục và chăm sóc trẻ tại nhà tốt nhất.

Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5 hiện có 130 học sinh chuyên biệt từ 6 đến 18 tuổi, có nhiều dạng tật và nhiều mức độ khác nhau như: chậm phát triển trí tuệ, hội chứng tự kỷ, hội chứng Down, bại não… với đội ngũ giáo viên gồm 15 giáo viên. Hiện nhà trường cần tuyển thêm 5 người nhưng vẫn chưa tuyển được. Cùng với đó là cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu thốn và không có sân chơi... Đó là những khó khăn, thách thức đối với các giáo viên, cán bộ quản lý của trường.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tập thể sư phạm mà đứng đầu là cô Bạch Thị Hằng, nhà trường luôn trong tư thế tiếp tục đảm bảo chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật tốt nhất theo Chương trình Khung do Viện nghiên cứu khoa học đề ra, phối hợp với các cơ quan y tế trong việc phát hiện và tư vấn các biện pháp can thiệp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, biểu hiện tự kỷ.

co-bach-thi-hang-6-.jpg
Cô Bạch Thị Hằng cùng các học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5.

“Qua hơn 32 năm gắn bó với ngành giáo dục đặc biệt, tôi đã trải qua không ít khó khăn, những cay đắng lẫn ngọt ngào trong công việc nhưng với lòng yêu nghề, hơn nữa trong gia đình có người thân bị khuyết tật nên tôi rất hiểu tâm lý của trẻ khuyết tật, hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các bậc phụ huynh. Tôi luôn cố gắng làm việc hết mình hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để đem đến điều tốt nhất cho những trẻ kém may mắn, giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng về tinh thần”, cô Hằng chia sẻ.

Với thành tích xuất sắc nhiều năm và sáng kiến trong giáo dục trẻ chuyên biệt, cô Bạch Thị Hằng đã được nhận Giấy khen của Quận 5, Giấy khen thực hiện tốt phong trào thi đua, thực hiện tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của Sở GD&ĐT và danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp Thành phố, Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5 cũng đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc từ năm 2014 đến nay, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2019-2020, Cờ thi đua của Thành phố và Giấy khen của Sở GD&ĐT trong nhiều năm.

Cô Võ Thị Viễn Nguyên: “Tất cả vì học sinh thân yêu”

Cô Võ Thị Viễn Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc (Quận 11, TP.HCM) đã có 25 năm cống hiến trong ngành giáo dục. Nghề giáo là ước mơ từ khi còn bé của cô Nguyên khi cô rất thích làm cô giáo, thích được chỉ bảo, hướng dẫn cho các học sinh. Có khi, những người lớn trong nhà hoặc cô chú công nhân cũng phải đóng vai học sinh của cô bé Nguyên khi ấy. Thực hiện ước mơ làm cô giáo, sau khi tốt nghiệp, năm 1998, cô Viễn Nguyên trở thành giáo viên Trường Tiểu học Trưng Trắc (Quận 11, TP.HCM).

co-vo-thi-vien-nguyen-12-.jpg
Cô Võ Thị Viễn Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc (Quận 11) cùng Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu tại Lễ trao giải Võ Trường Toản.

Trong suốt 25 năm công tác và trải qua nhiều cương vị khác nhau: từ giáo viên Trường Tiểu học Trưng Trắc, chuyên viên Phòng GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Quận 11, Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Việt và từ tháng 10/2023 đến nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, cô Võ Thị Viễn Nguyên luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tín nhiệm.

“Với tôi, nghề giáo như một sự chuẩn mực và với vai trò là Hiệu trưởng, tôi có thể chia sẻ, lan tỏa đến các thầy, cô giáo, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ tại đơn vị định hướng đúng để làm sao thầy cô phải hết mình, luôn phấn đấu trong sự nghiệp trồng người. Với phương châm ‘Tất cả vì học sinh thân yêu’, tôi luôn động viên đội ngũ giáo viên hãy hết lòng cho công việc giáo dục, yêu thương, quan tâm hết mực với học sinh và luôn tìm tòi, nghiên cứu, đưa các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm phù hợp, thiết thực đến với học sinh, giáo dục học sinh ý thức xây dựng cảnh quan, môi trường, bảo vệ và chăm sóc cây xanh, từ đó tạo được sự hào hứng trong học tập của học sinh và niềm tin trong phụ huynh”, cô Nguyên chia sẻ.

Cô Viễn Nguyên luôn tâm niệm và truyền cảm hứng cho các thầy, cô giáo xem ngôi trường là ngôi nhà thứ hai của mình, để cố gắng làm tốt nhiệm vụ mỗi ngày.

Trong quá trình công tác, cô Nguyên đã có nhiều sáng kiến hiệu quả cho giáo dục tiểu học như triển khai một số biện pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục ở trường tiểu học; trang bị kỹ năng sống trong kỷ nguyên 4.0 cho học sinh; nâng cao hiệu quả sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; làm thế nào để dạy học trực tuyến trên môi trường internet của giáo viên được hiệu quả,…

co-vo-thi-vien-nguyen-4-.jpg
Cô Võ Thị Viễn Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc trong ngày nhận Giải thưởng Võ Trường Toản.

Với những nỗ lực đóng góp cho ngành Giáo dục TP.HCM, cô Võ Thị Viễn Nguyên được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở và cấp thành phố nhiều năm liền, huy hiệu Thành phố và nhiều bằng khen của UBND TP.HCM cùng với kỷ niệm chương Trái tim người Thầy. Trong năm 2023, cùng với giải thưởng Võ Trường Toản, cô Võ Thị Viễn Nguyên còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND TP.HCM.

Cô Bùi Thị Chường: Từ công nhân trở thành Hiệu trưởng

Cô Bùi Thị Chường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (Quận 12, TP.HCM) - là 1 trong 2 cán bộ quản lý mầm non được trao giải Võ Trường Toản năm nay. Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, cô Chường cho biết, năm 1996, cô về quê Nam Định để làm lễ ăn hỏi và biết được gia đình chồng đều là giáo viên. Lúc đó, cô là công nhân vắt sổ tại nhà máy Dệt Việt Thắng (Quận Thủ Đức, nay là TP Thủ Đức). Cô Chường thầm nghĩ “nhà chồng ai cũng là giáo viên, vậy mình cũng phải là giáo viên”.

co-bui-thi-chuong-4-.jpg
Cô Bùi Thị Chường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (Quận 12).

Với ý nghĩ đó, đợi sau khi con đầu lòng đi nhà trẻ, cô Chường quyết tâm đi học sư phạm tại Trường Trung học Sư phạm và ra trường năm 2001, trở thành giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca 1 (Quận 12, TP.HCM). Tại đây, cô Chường gặp và ấn tượng cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Liêng bởi sự giản dị, thân thiện và gần gũi. Đó cũng là tấm gương mẫu mực mà cô Chường noi theo để hạnh phúc và thành công như ngày hôm nay. “Trong công việc và trong cuộc sống, cô Liêng luôn tạo động lực, động viên, khích lệ, quan tâm đến những việc nhỏ nhất với tôi. Đến nay, hơn 22 năm trôi qua, tình cảm của cô và tôi vẫn luôn ấm áp và thân thiện”, cô Chường chia sẻ.

Nỗ lực học tập, cống hiến cho nghề, cô Chường trải qua nhiều vị trí từ giáo viên đến cán bộ quản lý ở Quận 12, là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 8 (2012), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 9 (2014), Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi 2 (2018) và từ tháng 8/2023 cô Chường chuyển công tác về Trường Mầm non Bông Sen. Ở cương vị nào, cô Chường cũng luôn tích cực triển khai thực hiện tốt việc giáo dục trẻ mầm non, tổ chức hiệu quả các chuyên đề rèn kỹ năng sống cho trẻ. Với phương châm “tất cả vì trẻ em và vì sự phát triển của nhà trường”, cô Chường coi đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh là người thân trong gia đình để cùng nhau làm việc, chia sẻ trong cuộc sống. Chính vì điều đó, cô luôn nhận được tình yêu thương của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh.

co-bui-thi-chuong.-trao-giai-vo-truong-toan-2023-mam-non.jpg
Cô Bùi Thị Chường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (thứ 2 từ phải sang trái) là 1 trong 10 nhà giáo mầm non nhận giải Võ Trường Toản năm 2023.

Với thâm niên 22 năm cống hiến trong ngành giáo dục, cô Bùi Thị Chường đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm, Bằng khen của UBND TP.HCM khen thưởng đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Võ Trường Toản 2023: Những nhà giáo bền bỉ, hết lòng vì học sinh thân yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO