Giải pháp năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu tại TP.HCM

09/03/2023 09:17

Theo “Báo cáo đánh giá khí hậu TP.HCM”, đặc điểm khí hậu TP.HCM có mức độ biến thiên lớn, xu thế thay đổi rõ nét trong các thập kỷ qua và được tiếp tục dự báo sẽ trở nên bất định và khắc nghiệt hơn trong các giai đoạn tương lai gần, trung và dài hạn đến cuối thế kỷ 21…

Đặc biệt, Báo cáo khẳng định BĐKH tác động lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP.HCM. Trong đó, vấn đề quy hoạch đô thị liên quan đến mảng xanh đô thị và sử dụng năng lượng có tác động rất lớn đối với BĐKH do tỷ trọng phát thải khí nhà kính (KNK) cao nhất so với các hoạt động khác.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của BĐKH có tính lâu dài, thời gian qua UBND TP.HCM đã ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch liên quan đến ứng phó BĐKH. Theo Quyết định 1159/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhiệm vụ thích ứng trong từng ngành như: Quy hoạch đô thị, Năng lượng, Giao thông, Công nghiệp, Quản lý nước, Quản lý chất thải, Xây dựng, Y tế, Nông nghiệp, Du lịch và những chương trình, dự án khác.

Bài báo này đề cập đến các giải pháp giảm phát thải KNK góp phần kiềm hãm BĐKH trong lĩnh vực năng lượng và quy hoạch đô thị.

Các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực sử dụng năng lượng

1. Nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến đại bộ phận người dân, các doanh nghiệp, cơ quan, công sở; xây dựng ý thức thực hiện thường xuyên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

+ Lồng ghép kiến thức năng lượng vào các chương trình giáo dục và đào tạo.

+ Nâng cao năng lực quản lý năng lượng trong công nghiệp và xây dựng.

2. Tiết kiệm điện

Khuyến khích các hộ gia đình sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện; các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua tiết kiệm điện; nêu cao tinh thần giám sát, kịp thời phát hiện những vi phạm trong sử dụng điện… nhằm góp phần tiết kiệm hiệu quả việc sử dụng điện năng.

+ Phát động phong trào tiết kiệm điện trong các trường học.

+ Phát động phong trào tiết kiệm điện trong các bệnh viện.

+ Phát động phong trào tiết kiệm điện trong các công sở.

+ Phát động phong trào tiết kiệm điện trong các trung tâm thương mại, siêu thị.

+ Phát động phong trào tiết kiệm điện trong các khu dân cư và từng hộ gia đình.

3. Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng

+ Sử dụng nồi hơi, động cơ, lò nung sử dụng năng lượng hiệu quả.

+ Thực hiện kiểm toán năng lượng trong hoạt động công nghiệp, cải tiến hoạt động quản lý năng lượng.

+ Thu hồi nhiệt dư, chuyển đổi nhiên liệu, tái chế và thay thế nguyên liệu trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng (sắt, thép, xi măng, giấy, hóa chất…).

+ Áp dụng các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng (xi măng, thép, sợi dệt…).

+ Thay thế than, xăng dầu bằng các loại nhiên liệu có hàm lượng carbon ít hơn như khí gas, nhiên liệu sinh khối, khí sinh học cho các lò hơi, lò đốt công nghiệp.

4. Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng

+ Sử dụng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng điện như sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn cao áp trong hệ thống chiếu sáng.

+ Quy hoạch chiếu sáng công cộng hợp lý hơn.

+ Xây dựng định hướng, lộ trình chiến lược nhằm phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng trên cơ sở xã hội hóa sâu rộng.

+ Xây dựng các mô hình thí điểm về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.

Quy hoạch đô thị TP.HCM theo hướng xanh hóa

Quy hoạch đô thị xanh phải đạt các tiêu chí về không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh… Để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị xanh và phát triển bền vững, trước hết cần:

+ Rà soát bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng đô thị, xác định các khu vực phát triển kèm theo kế hoạch thực hiện. Qua đó lồng ghép các mục tiêu, chỉ số về tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH trong các giải pháp quy hoạch quản trị đô thị và đầu tư phát triển đô thị.

+ Cùng với việc rà soát cần đánh giá tổng thể hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển đô thị nhằm đảm bảo sự kết nối từ TP tới các quận huyện.

+ Ưu tiên phân bổ đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn diện tích cây xanh đô thị tính theo đầu người đã quy định.

+ Tăng cường đầu tư và cải thiện thể chế để bảo vệ và phát triển các khoảng không gian xanh công cộng; khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình thực hiện các giải pháp xanh hóa cảnh quan đô thị.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân

+ Duy trì, thường xuyên cập nhật và nâng cao chất lượng thông tin gắn với tiết kiệm năng lượng, hiệu suất năng lượng trên trang thông tin điện tử.

+ Tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các chương trình phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương về hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Huy động sự tham gia tích cực của các sở: Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương để phổ biến thông tin rộng rãi đến từng người dân.

+ Huy động sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, cho người lao động thuộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nói riêng về quy định của luật pháp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; về các giải pháp công nghệ, kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí.

+ Định kỳ hàng năm tổ chức các hoạt động triển lãm, các điểm trưng bày sản phẩm, các cuộc thi về tiết kiệm năng lượng, giải pháp tiết kiệm năng lượng.

+ Xuất bản, phổ biến các ấn phẩm thông tin, tài liệu, tờ gấp, tờ dán, quảng cáo, sổ tay về kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong các hoạt động hiệu suất năng lượng, bảo tồn năng lượng, phân loại công nghệ, áp dụng công nghệ; thông tin về kết quả thực hiện các dự án trong Chương trình, các nghiên cứu trường hợp điển hình.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng và sử dụng các tòa nhà

+ Tăng cường kiểm soát, thúc đẩy thiết kế các công trình xây dựng đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, quy chuẩn của tòa nhà và các văn bản hướng dẫn Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

+ Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ quản lý năng lượng, tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát... trong lĩnh vực xây dựng để thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế công trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thi công và quản lý quy hoạch xây dựng, thiết kế các tòa nhà phù hợp với quy chuẩn xây dựng.

+ Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà và trong hoạt động xây dựng; xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho các loại hình tòa nhà.

+ Đưa vào hoạt động có nề nếp công tác quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà.

+ Triển khai cuộc vận động thực hiện "Công trình xanh" tiết kiệm năng lượng tại các cơ quan và doanh nghiệp trong toàn thành phố.

+ Xây dựng các mô hình thí điểm về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM tại một buổi hội thảo

Các dự án có tiềm năng giảm phát thải KNK

Đối với các đô thị lớn như TP.HCM, lĩnh vực năng lượng phát thải KNK chiếm tỷ trọng cao nhất. Do đó, để giảm thiểu tác động của BĐKH, bài báo này đề cập đến các giải pháp giảm thiểu phát thải trong tương lai thông qua các dự án có tiềm năng giảm phát thải KNK, bao gồm dân dụng và công nghiệp; tập trung chủ yếu vào sử dụng các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

1. Sử dụng đèn hiệu suất cao (vốn tự chủ):

+ Thắp sáng công cộng: thay thế đèn công cộng bằng đèn năng lượng mặt trời.

+ Tòa nhà thương mại: thay thế đèn LED và CFL trong tòa nhà thương mại.

+ Tòa nhà dân sự: sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng.

2. Sử dụng máy điều hòa nhiệt độ hiệu suất cao (như điều hòa Inverter) (vốn tự chủ):

+ Tòa nhà thương mại và dân sự: sử dụng điều hòa hiệu suất cao.

3. Lắp đặt hệ thống phát điện mặt trời (vốn tự chủ):

+ Trên các tòa nhà thương mại và dân dụng.

4. Lắp đặt máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời (vốn tự chủ):

+ Trên các tòa nhà thương mại và dân dụng.

5. Lắp đặt kính tiết kiệm năng lượng (vốn hỗ trợ từ quốc tế):

+ Trên các tòa nhà thương mại và dân dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO