ESG - Tiêu chuẩn xanh cho ngành lương thực, thực phẩm
Ngày 20/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM tổ chức hội thảo “ESG-Tiêu chuẩn xanh cho ngành lương thực, thực phẩm”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, ESG đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp với ba khía cạnh “môi trường - xã hội - quản trị” của ESG là trọng tâm của đầu tư bền vững trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn ESG này còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năng lượng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng trong việc tăng chỉ số ESG để giúp doanh nghiệp phát triển tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.
Trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Không nằm ngoài xu hướng áp dụng ESG của các doanh nghiệp trên toàn cầu, những mục tiêu nhằm tăng cường sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp ở Việt Nam đang dần được cụ thể hóa.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.
Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì và sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khoẻ). Tuy nhiên việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), nhấn mạnh thành phố luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động xuất khẩu, phục hồi kinh tế và thúc đẩy phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực trọng điểm trong giai đoạn 2022 - 2026. Bao gồm: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược - cao su, cùng đồng hành cùng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn, cùng phát triển.
Đồng thời giải đáp được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc triển khai ESG vào hoạt động sản xuất xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.