Sống xanh

Du lịch xanh, du lịch bền vững

PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI) 18/09/2023 - 15:06

“Du lịch xanh” là tiếp cận tích cực, tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững - một nhánh của phát triển bền vững.

Ngay từ những năm 1990, phát triển bền vững nói chung và du lịch bền vững nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi phát triển bền vững sẽ đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường cho một lãnh thổ ở những quy mô khác nhau từ địa phương đến vùng, quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Tiếp cận phát triển bền vững luôn là ưu tiên cho mọi phương án phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.

Du lịch xanh là gì?

Đứng từ góc độ môi trường (hiểu rộng bao gồm các thành tạo tự nhiên và chất lượng môi trường) - một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, để có được sự phát triển bền vững, mọi hoạt động phát triển, trong đó bao gồm cả hoạt động phát triển du lịch cần đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tác động đến môi trường.

du-lich-ben-vung-anh-minh-hoa.jpg
Phát triển du lịch cần đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tác động đến môi trường. Ảnh minh họa

Với cách tiếp cận trên, “Du lịch xanh là hình thức phát triển du lịch thân thiện với môi trường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc: Thứ nhất, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch; Thứ hai, hạn chế tác động từ hoạt động phát triển du lịch đến môi trường tự nhiên; và Thứ ba, ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường trong đó trọng tâm là du lịch sinh thái”

Phát triển “Du lịch xanh” là hướng tiếp cận tích cực đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững - một nhánh của phát triển bền vững nói chung lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị của Uỷ ban Thế giới về Phát triển và Môi trường (hay Uỷ ban Brundtlant) năm 1987 và đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cụ thể hoá tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992.

Đây là hướng tiếp cận quan trọng để thực hiện Chương trình hành động phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch với tên gọi “Chương trình nghị sự 21 về Du lịch: Hướng tới phát triển Bền vững về Môi trường” (Agenda 21 for the Travel & Tourism Industry: Towards Environmentally Sustainable Development, gọi tắt là “Agenda 21 for Tourism”).

du-lich-xanh-du-lich-ben-vung-nguon-georgeclerkistock(1).jpg
Khuyến khích các loại hình du lịch thân thiện với môi trường mà trước hết là du lịch sinh thái. Ảnh minh họa

Chương trình do Hội đồng Lữ hành Du lịch Thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Trái đất (Earth Council) phối hợp xây dựng với việc ứng dụng các nguyên tắc của của Phát triển bền vững (Agenda 21) vào du lịch.

Như vậy có thể thấy “Du lịch xanh” với trọng tâm là hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và khuyến khích các loại hình du lịch thân thiện với môi trường mà trước hết là du lịch sinh thái, đã được phát triển ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thời điểm mà cả thế giới bắt đầu quan tâm đến phát triển bền vững.

Với trọng tâm được đề cập, yếu tố luôn được coi trọng hàng đầu trong phát triển “Du lịch xanh” là tôn trọng thiên nhiên, hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường.

Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động phát triển “Du lịch xanh”

Sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển

Với tư cách là một ngành kinh tế, một trong những đầu vào quan trọng cho sự phát triển du lịch sẽ là năng lượng, nước, vật liệu xây dựng công trình dịch vụ được khai thác từ tự nhiên…

Nhu cầu đối với sử dụng năng lượng và nước được xem là rất lớn dựa trên nhu cầu trung bình của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế cao hơn nhiều so với nhu cầu trung bình của người dân. Chính vì vậy cùng với sự phát triển sẽ là những tác động không nhỏ từ du lịch đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Vai trò của “Du lịch xanh” ở đây như một “van điều tiết” để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nhất đối với các nguồn lực tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là tài nguyên năng lượng, tài nguyên nước cho phát triển du lịch.

Hạn chế tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên

Như đã đề cập, cùng với phát triển du lịch sẽ là một lượng chất thải rất lớn từ các hoạt động dịch vụ ra môi trường. Nếu lượng chất thải này không được xử lý hiệu quả sẽ có những tác động không nhỏ từ du lịch đến quá trình suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Thực tế cho thấy môi trường nước quanh những khu du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ do nước thải trực tiếp từ hoạt động dịch vụ ở những khu du lịch này ra môi trường.

du-lich-xanh-nguon-internet.jpg
“Du lịch xanh” sẽ ưu tiên cho việc phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái. Ảnh minh họa

Vai trò của “Du lịch xanh” ở đây chính là những hoạt động nhằm hạn chế tác động của chất thải bao gồm: quản lý và xử lý chất thải theo quy định; áp dụng mô hình “3R” (Reduce - Reuse - Recycle)

Ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường trong chiến lược phát triển du lịch điểm đến

Với tư cách là ngành kinh tế, phát triển du lịch luôn hướng đến việc tạo ra nhiều loại hình/sản phẩm du lịch để đáp ứng cao nhất nhu cầu đa dạng của thị trường, qua đó đạt được những mục tiêu về kinh tế.

Trong nhiều trường hợp việc quản lý thiếu nguyên tắc đối với phát triển bền vững sẽ cho phép phát triển những loại hình du lịch có những tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này sẽ không là ưu tiên trong phát triển “Du lịch xanh”, theo đó “Du lịch xanh” sẽ ưu tiên cho việc phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, đóng góp cho bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

“Du lịch xanh” có vai trò quan trọng đối với bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững nói riêng và phát triển bền vững nói chung cho một lãnh thổ.

Với những ưu tiên trong phát triển của mình, “Du lịch xanh” luôn đem lại những trải nghiệm đặc biệt đối với du khách trong mối quan hệ với thiên nhiên và môi trường và là ưu tiên của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong chiến lược quốc gia về phát triển du lịch hướng đến tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

rung-ngap-man-can-gio-2(1).jpg
“Du lịch xanh” luôn đem lại những trải nghiệm đặc biệt đối với du khách trong mối quan hệ với thiên nhiên và môi trường. Ảnh minh họa Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ

Theo số liệu điều tra của UNWTO, nếu như vào giữa những thập niên 90 của Thế kỷ XX số lượng khách du lịch Tây Âu và Bắc Mỹ quan tâm đến du lịch tự nhiên, đặc biệt là du lịch sinh thái chiếm khoảng 30%, đến giữa thập niên đầu tiên của Thế kỷ XXI, con số đó đã tăng lên gấp đôi và có xu hướng ngày một tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch xanh, du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO