Dạy Ngữ văn Trung học phổ thông từ góc nhìn Chương trình mới

12/12/2022 13:53

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên môn Ngữ văn lớp 10 được dạy theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình GDPT mới). Căn cứ mục tiêu dạy học của chương trình GDPT 2018, việc đổi mới của dạy học môn Ngữ văn bám sát định hướng mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh (HS).

Những lưu ý về sách giáo khoa Ngữ văn THPT

Sách giáo khoa, chương trình được thiết kế, biên soạn theo hướng chuyển từ diễn giải, thuyết giảng sang tổ chức hoạt động học cho HS. Môn Ngữ văn tổ chức  rèn cho HS  các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Vì thế, đđạt mục tiêu và theo định hướng đổi mới các môn học nói chung, Ngữ văn nói riêng cần tăng cường tích hợp và phân hóa; đa dạng hóa các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện dạy học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS.

Để tổ chức hoạt động học cho HS, người thầy cần nắm vững yêu cầu và kỹ thuật thực hiện các bước: khởi động bài học, giao nhiệm vụ cho HS, hướng dẫn HS học hợp tác, hướng dẫn HS tự ghi bài... Giáo viên (GV) giảm thời gian nói, HS tăng cường hoạt động học (cá nhân, nhóm, lớp). GV chỉ hỗ trợ, không làm thay, không trả lời thay. Người thầy dạy văn theo phương pháp mới nhất thiết phải tạo được niềm vui, niềm hứng khởi trong học tập cho HS.

Khác với sách giáo khoa Ngữ văn trước đây chủ yếu soạn theo tiến trình lịch sử của văn học thì nay soạn theo thể loại. Ngoài các bài học trong sách giáo khoa còn có Chuyên đề học tập Ngữ văn 10. Có thể nói, chương trình Ngữ văn của lớp 10 hiện nay đã phần nào xóa bỏ khoảng cách giữa văn và đời. Các bài học như Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận hay Thế giới đa dạng của thông tin (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), bài Văn bản thông tin (Bộ Cánh diều), bài Những di sản văn hóa (Bộ Chân trời sáng tạo)… khiến cho bộ môn Ngữ văn không còn là câu chuyện trên trang sách, trong nhà trường mà nó gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật; được người học vận dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu của thời đại. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả môn Ngữ văn trong nhà trường thì đòi hỏi mỗi một thầy cô dạy văn cần nắm vững tinh thần, mục tiêu, định hướng đổi mới để có phương pháp dạy học thích hợp.

TS. Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống) đang tập huấn cho giáo viên.

Khi dạy bài đầu tiên trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) có tên Sức hấp dẫn của truyện kể, có không ít giáo viên lúng túng về phương pháp. TS. Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên Bộ sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống) lưu ý: “Một số thầy cô giáo vẫn chưa chú ý đến "mã thể loại" của thần thoại, vẫn chỉ chú ý đến nội dung nên không coi dạy thần thoại là yêu cầu phù hợp. Có thầy vẫn dành riêng 1 tiết để dạy phần Tri thức ngữ văn, sa đà vào lý thuyết nên kêu nặng. Cần chú ý đến mã thể loại của văn bản, có như thế thì HS mới có khả năng đọc một văn bản mới hoàn toàn thuộc thể loại đã học. Tri thức ngữ văn thì HS tìm hiểu trước ở nhà, đầu bài học chúng ta chỉ cho HS tiếp cận sơ bộ rồi củng cố dần qua quá trình đọc hiểu các văn bản cụ thể. Không dành hẳn một tiết để dạy các khái niệm lý luận văn học. Nếu dạy hẳn 1 tiết riêng thì sẽ rất hàn lâm và rất nặng! Một điều đáng lưu ý nữa là nhiều tri thức ngữ văn ở các bài được phát triển từ lớp dưới, không phải tất cả đều là mới hoàn toàn đối với HS. Khi HS đã học sách giáo khoa mới từ THCS thì mấy khái niệm đầu lớp 10 đã là khá quen thuộc với các em”.

Giúp HS vận dụng thành thạo kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống

Nói một cách khái quát, nếu trước đây GV chú ý truyền đạt kiến thức nội dung và nghệ thuật từng tác phẩm cho HS thì hiện nay GV chú trọng cung cấp cho HS công cụ, kỹ năng cơ bản, cần thiết để khi tiếp cận tác phẩm mới các em biết cách đọc, cách phân tích. Muốn vậy GV phải chú ý mã thể loại, HS nắm chắc đặc trưng thể loại để tiếp nhận tác phẩm khác ngoài sách giáo khoa. Điều đó sẽ hạn chế được tình trạng chép văn mẫu của người học. Với cách đổi mới dạy học Ngữ văn hiện nay thì HS có nhiều cơ hội hơn để bày tỏ quan điểm, chính kiến, trao đổi, thảo luận, tranh luận, đặc biệt là trong những giờ dạy nói...

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) chia sẻ: “Với chương trình mới, việc dạy và học bộ môn Ngữ văn trở nên thiết thực và có ý nghĩa. Giáo viên trở thành người đồng hành, định hướng cho HS trên hành trình chiếm lĩnh tri thức. Vai trò chủ động được trao gửi cho người học. Từ đó, phát huy tính sáng tạo, khơi gợi hứng thú – say mê cho HS trong mỗi giờ lên lớp.

Bên cạnh đó, hoạt động dạy học Ngữ văn THPT ngày càng trở nên khoa học, hướng tới tính tích hợp cao. Kiến thức vì thế không trở nên rời rạc mà có sự thống nhất, liên kết, bổ trợ cho nhau. Qua việc kết nối giữa các văn bản đọc hiểu, thực hành đọc hiểu, thực hành tiếng Việt, viết, nói và nghe ở các bài học, HS có cơ hội được lĩnh hội và vận dụng các tri thức Ngữ văn một cách thành thạo. Đáp ứng tốt yêu cầu phân hóa theo năng lực, sở trường qua nội dung và các chuyên đề học tập”.

Việc dạy Ngữ văn hiện nay đã tích cực hóa hoạt động người học, chú trọng dạy phương pháp học, cách học, gồm có cách đọc – hiểu, cách viết, cách nói – nghe hướng tới việc hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học một cách sâu sắc, toàn diện. Tiết học vì thế cũng trở nên thú vị, nối gần trang đời với trang sách. Với định hướng dạy học như hiện nay sẽ không còn chuyện nhồi nhét kiến thức để chăm chăm vào việc thi mà chủ yếu là hướng dẫn phương pháp để HS có thể tự mình tiếp cận, giải quyết bất cứ vấn đề nào.

Nói về tính ưu việt của chương trình Ngữ văn mới và những yêu cầu đối với người dạy Văn hiện nay, TS. Chu Đình Kiên, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Huế nhận định: “Sách giáo khoa Ngữ văn 10 (chương trình mới) đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới theo định hướng của chương trình GDPT mới. Mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất được chú trọng phát triển tối đa, từ đó giúp người học vận dụng thành thạo kiến thức, kỹ năng Ngữ văn vào thực tiễn cuộc sống. Việc thiết kế tri thức Ngữ văn theo hình thức “đồng tâm” theo từng bài học để hướng tới rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe giúp người học phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của bản thân. Sách giáo khoa mới có “tính mở”, tính linh hoạt cao, vì thế bên cạnh việc người thầy phải vận dụng tối đa các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại thì vai trò định hướng, dẫn dắt mở rộng tri thức Ngữ văn trở nên rất quan trọng. Như vậy, người thầy không chỉ có vai trò thiết kế, xây dựng mà trở thành kỹ sư tâm hồn, người truyền cảm hứng thực thụ, đúng nghĩa...”.

Để có thể đạt được mục tiêu dạy bộ môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, trước hết, chúng ta cần nhìn vào một thực tế sau: Học sinh tốt nghiệp THPT, sau khi hoàn thành chương trình trung học, các em bước vào cuộc sống với rất nhiều con đường khác nhau. Bằng quan sát và kinh nghiệm thường có, chúng ta đều biết rằng tỷ lệ HS tiếp tục gắn bó với môn Ngữ văn là rất ít ỏi. Có thể kể ra đây những ngành học mà HS vẫn còn gắn với môn Ngữ văn như: Sư phạm Ngữ văn, Ngữ văn, Báo chí, một số ngành thuộc Khoa học Xã hội và Nhân văn… Số học sinh theo học các ngành học trên chiếm tỷ lệ rất ít so với các ngành học còn lại và so với các công việc thực tế, những con đường, những nghề nghiệp mà các em chọn để sinh sống.

Trước thực tế đó, vấn đđặt ra ở đây là: môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông - giai đoạn định hướng nghề nghiệp - cần trang bị cho các em điều gì khi mà đa số các em sẽ không còn gắn bó với môn Ngữ văn sau khi tốt nghiệp trung học?

Rõ ràng, những kiến thức chuyên sâu của môn Ngữ văn như kiến thức về các giai đoạn văn học, lý luận văn học… không thật sự được HS sử dụng trong đời sống. Vậy đại đa số học sinh cần điều gì từ môn học Ngữ văn cho hành trang sống của mình? Chương trình Ngữ văn đổi mới hiện nay đã trả lời được câu hỏi đó. Đặc điểm trọng tâm nhất của môn học: Ngữ văn là một môn học mang tính công cụ và tính thẩm mỹ - nhân văn; giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; đồng thời cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc; phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha… Từ đặc điểm trọng tâm này của môn học, giáo viên cần thay đổi cách dạy phù hợp.

Đổi mới việc kiểm tra đánh giá, khắc phục tình trạng sao chép văn mẫu

Việc kiểm tra, đánh giá trong môn Ngữ văn, đương nhiên, cũng là vấn đđược quan tâm rất lớn từ xã hội. Hiện nay, theo chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiểm tra, đánh giá trong môn Ngữ văn phải hướng đến “đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”. Các ngữ liệu, văn bản đưa vào đề kiểm tra sẽ là những ngữ liệu, văn bản hoàn toàn mới đối với học sinh (chưa được giảng dạy trong nhà trường). Đây là một bước chuyển mình rất lớn đối với bộ môn Ngữ văn nói riêng và đối với giáo dục nói chung về kiểm tra đánh giá.

Theo cô giáo Tôn Nữ Quỳnh My – chuyên viên bộ môn Văn, Sở Giáo dục  và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, “Để theo kịp được bước chuyển mình này, giáo viên Ngữ văn cần nhận thức rõ định hướng dạy học phát triển năng lực cho học sinh. Đích đến của từng tiết dạy không chỉ là nội dung mà phải là năng lực. Học sinh cần phải được trang bị các kiến thức có tính chất khái quát (như mã thể loại, đặc trưng các kiểu loại văn bản…); phải được rèn luyện cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Từ đó hình thành được năng lực tự đọc, tự cảm nhận, biết nhận diện, phân tích, đánh giá… văn bản mới theo đặc trưng thể loại; biết mạnh dạn nói lên tiếng nói của chính mình. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để bộ môn Ngữ văn trong nhà trường có được sự tươi mới và trở nên gần gũi, thiết thực, gần hơn với đời sống. Người giáo viên cũng cần tự đổi mới chính tư duy đánh giá của mình, phải biết thực sự lắng nghe và thấu hiểu đối với mỗi “tiếng nói” của học sinh, phải nhận ra được hạt nhân hợp lý trong những “tiếng nói” ấy đđánh giá phù hợp, thỏa đáng. Cần tránh sự áp đặt theo chủ quan của cá nhân người thầy. Tất cả phải hướng đến cách đánh giá khách quan, tôn trọng ý kiến cá nhân và đảm bảo sự phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật”.

Với trung học phổ thông, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên chắc chắn toàn ngành giáo dục sẽ đối diện với nhiều thách thức. Môn Ngữ văn cũng không ngoại lệ. Với những định hướng rõ ràng, phù hợp; với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các ban ngành giáo dục, sự đồng lòng quyết tâm của đội ngũ giáo viên; đặc biệt là qua các đợt tập huấn bài bản, khoa học… chúng ta tin tưởng việc đổi mới môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông thật sự khởi sắc, đạt được những kết quả như mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy Ngữ văn Trung học phổ thông từ góc nhìn Chương trình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO