Theo ThS.BS. Trần Thanh Hùng, BS. Lê Thụỵ Minh Anh, Trường đại học y dược TP.HCM, giảm áp lực nội sọ (ALNS) là một hội chứng lâm sàng, có cùng một cơ chế sinh lý bệnh nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra thoát dịch não tủy (DNT). Sự thoát DNT có thể do tự phát (không có nguyên nhân) hoặc thứ phát do tổn thương màng cứng do chọc dò tủy sống, chụp tủy có cản quang (myelography), gây tê tủy sống, phẫu thuật mở sọ, phẫu thuật cột sống, shunt não thất - phúc mạc. Các nguyên nhân nội khoa gây giảm ALNS gồm mất nước, hôn mê do đái tháo đường, tăng thông khí, hội chứng urê huyết cao, bệnh toàn thân nặng.
Đau đầu như sét đánh!
Biểu hiện lâm sàng thay đổi khác nhau theo từng bệnh nhân nhưng một đặc điểm lâm sàng chung, đặc trưng cho hội chứng giảm ALNS là đau đầu xảy ra ở tư thế thẳng đứng (ngồi hay đứng). Đau tăng khi cười, ho, ép tĩnh mạch cảnh và thủ thuật Valsava. Nhìn chung, đau đầu xảy ra hoặc nặng thêm trong vòng 15 phút khi thay đổi sang tư thế thẳng đứng, như tiêu chuẩn chẩn đoán của phân loại quốc tế về các rối loạn đau đầu. Đau đầu giảm và cũng trong vòng 15 - 30phút sau khi nằm xuống.
Đau đầu có thể lan tỏa hay ở vùng trán, thái dương, nhưng thường nhất là ở vùng chẩm hay dưới chẩm. Có thể theo mạch đập hay không. Bệnh nhân có thể mô tả “cảm giác trì kéo từ đầu lan xuống cổ”. Khởi phát đau đầu thường là từ từ hay bán cấp. Một số trường hợp khởi phát đột ngột với tính chất “đau đầu như sét đánh” có thể gây nhầm với xuất huyết dưới nhện và có bệnh nhân đã được chụp DSA mạch máu não. Mức độ đau đầu thay đổi từ nhẹ và không được chẩn đoán đến rất nặng làm cho bệnh nhân không thể ngồi dậy.
Đau đầu là do sự di lệch xuống dưới của não do mất sự nâng đỡ của DNT, gây kéo căng các cấu trúc nhạy đau, đặc biệt là màng não. Một cơ chế khác là sự giãn bù trừ của các tĩnh mạch nhạy đau nội sọ. Ở bệnh nhân hậu sản, cần phân biệt với đau đầu do huyết khối tĩnh mạch nội sọ. Huyết khối tĩnh mạch nội sọ gây tăng áp lực nội sọ và do đó bệnh nhân đau đầu nhiều ở tư thế nằm và giảm khi nằm đầu cao hay ngồi dậy. Một số trường hợp đau đầu do giảm áp lực nội sọ tự phát có thể kèm buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng nên gây nhầm lẫn chẩn đoán với migrain (đau nửa đầu).
Hiện nay, với sự phát triển của chụp cộng hưởng từ (MRI), nhiều trường hợp giảm áp lực nội sọ được phát hiện mà không cần chọc dò DNTđể chẩn đoán. CT scan não cung cấp ít thông tin. Một số trường hợp có thể thấy tụ máu dưới màng cứng và xóa mờ các bể DNT thân não và gây chẩn đoán nhầm với xuất huyết dưới nhện. Chụp bể DNT bằng đồng vị phóng xạ và chụp tủy có cản quang bằng CT scan giúp xác định vị trí thoát DNT. MRI tủy sống giúp chẩn đoán hội chứng giảm ALNS và tìm vị trí và nguyên nhân gây thoát DNT.
Điều trị không khó
Phần lớn trường hợp đau đầu do giảm ALNS thoái lui với điều trị nội khoa bảo tồn gồm tư thế nằm ngửa nghỉ ngơi tại giường. Có thể dùng các thuốc gây co mạch như cafein và theophyllin uống hay truyền tĩnh mạch. Hồi phục thể tích DNT bằng cách bù nước, cung cấp thêm muối, dùng steroid. Nếu các phương pháp trên không hiệu quả thì có thể tiến hành các điều trị khác như bơm máu tự thân vào khoang ngoài màng cứng, truyền nước muối sinh lý, bơm keo fibrin vào khoang ngoài màng cứng. Phẫu thuật sửa chữa chỗ rách màng cứng hay loại bỏ khối máu tụ ngoài màng cứng.
Với sự phát triển của MRI, nhiều trường hợp giảm ALNS đã được chẩn đoán. Cần nghĩ tới nguyên nhân này khi có đau đầu liên quan tư thế thẳng đứng (ngồi hay đứng) và cần cho chụp MRI não có Gadolinium. Bệnh thường đáp ứng với điều trị nội khoa bảo tồn. Mặc dù trong phần lớn trường hợp, bệnh được xem là lành tính, một số trường hợp, có biến chứng nặng như tụ máu dưới màng cứng, phù não, thậm chí hôn mê và tử vong đã được ghi nhận.