Y học

Cục An toàn Thực phẩm đề nghị kiểm tra hoạt động của công ty sản xuất kẹo rau củ Kera

Nguyên Khởi 07/03/2025 - 10:29

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, đề nghị xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo vi phạm quy định của sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (Kẹo rau củ Kera).

Quảng cáo kẹo rau củ có dấu hiệu vi phạm

Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin trên một số website, facebook, Tiktok... đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES với tên gọi là Kẹo rau củ Kera (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt, địa chỉ: 144 -146 -148 Đường số 11, khu phố 5, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM công bố, sản xuất tại Công ty Cổ phần ASIA LIFE, địa chỉ số 18/99 Nguyễn Văn Linh, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, gây bức xúc dư luận.

mot-phien-livestream-ban-keo-rau-cu.jpg
Quang Linh Vlogs, Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du mục được cho là tham gia một phiên livestream quảng cáo kẹo rau củ KERA. Nguồn: internet

Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM khẩn trương kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt (nằm trên địa bàn TP.HCM) về điều kiện sản xuất, công bố, quảng cáo của sản phẩm kẹo rau củ Kera và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật đồng thời công bố kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin.

Đồng thời Cục cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk khẩn trương chỉ đạo kiểm tra Công ty Cổ phần ASIA LIFE (nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) về việc tuân thủ các điều kiện trong quá trình sản xuất đối với sản phẩm kẹo rau củ Kera; việc sản xuất sản phẩm kẹo rau củ Kera trên các dây chuyền đã được cấp có đúng quy định hay không và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật đồng thời công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

keo-rau-cu-kera-quan-01.jpeg
Quảng cáo vi phạm quy định của sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (Kẹo rau củ Kera). Ảnh: Chụp màn hình trên facebook của Kera Vietnam

Liên quan đến một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera vi phạm quy định trên một số website, facebook, Tiktok... Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phối hợp kiểm tra thông tin và xử lý các vi phạm để pháp luật được thực thi nghiêm minh, ngăn ngừa kịp thời các vi phạm quảng cáo thực phẩm.

Được biết, sản phẩm thực phẩm kẹo rau củ được quảng cáo bởi những người bán hàng có tầm ảnh hưởng (Influencers) hoặc nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục, hoa hậu Nguyễn Thúc Thủy Tiên.

Cẩn trọng với quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm

Thực phẩm chức năng đang trở thành một sản phẩm phổ biến trong đời sống hằng ngày. Thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng để bổ sung dinh dưỡng, có tác dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể, tăng cường sức khỏe hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh. Sản phẩm này không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh, nhưng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất sản phẩm và không nên tin vào những quảng cáo thổi phồng công dụng. Cần nhớ rằng, sức khỏe của chúng ta quan trọng hơn bất kỳ lời hứa hẹn nào từ một video TikTok hay một bài đăng trên Facebook.

quang-cao-keo-rau-cu.jpg
Sản phẩm thực phẩm kẹo rau củ được quảng cáo "thổi phồng" bởi những người bán hàng có tầm ảnh hưởng (Influencers) hoặc nổi tiếng.

Nguy cơ từ việc tin vào quảng cáo sai sự thật

Khi tin vào những quảng cáo không đúng sự thật, người tiêu dùng có thể gặp nhiều hậu quả nghiêm trọng:

- Mất tiền oan: Những sản phẩm này thường được bán với giá cao nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi.

- Bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách: Nhiều người bệnh tin vào thực phẩm chức năng, bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, dẫn đến bệnh tình nặng hơn.

- Gây hại cho sức khỏe: Một số sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa chất cấm, gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Nguồn: Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tràn lan đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee… Tại đây, các TikToker, KOLs (Key Opinion Leaders), KOCs (Key Opinion Consumers), và Influencers với những lời hứa hẹn “thần kỳ” như giúp giảm cân nhanh chóng, làm đẹp da tức thì, hay tăng cường sức khỏe vượt trội.

Cơ quan chức năng cảnh báo rằng, chúng ta dễ dàng bắt gặp những quảng cáo như thế ở mọi nơi, thường xuyên xuất hiện trong vai trò người giới thiệu sản phẩm, khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy bị thu hút và tin tưởng.

Các quảng cáo về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những lời giới thiệu hoa mỹ như “chữa bách bệnh”, “thay thế thuốc chữa bệnh”, “hiệu quả tức thì”. Không ít người tiêu dùng đã tin theo những quảng cáo này mà mua về sử dụng, nhưng kết quả lại không như mong đợi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các dấu hiệu nội dung quảng cáo thổi phồng: Thực phẩm không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.

thuc-pham-chuc-nang.jpg
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm.

Những lời quảng cáo như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày”, “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên”… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng. Đáng lo ngại là không phải tất cả những lời quảng cáo ấy đều dựa trên cơ sở khoa học hay được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng.

Nhiều trường hợp, những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm. Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ.

Hệ quả của những quảng cáo thổi phồng này không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Người tiêu dùng có thể tự ý dùng thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến chuyên gia, dẫn đến những tác dụng phụ hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác.

Chưa kể, không ít sản phẩm được quảng cáo quá mức này có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc, khiến người dùng càng thêm rủi ro.

Làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông minh?

Để tránh bị lừa bởi những quảng cáo sai sự thật, người dân cần:

✅ Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm: Xem xét sản phẩm có được chứng nhận lưu hành của các cơ quan chức năng hay không?

✅ Không tin vào những quảng cáo quá đà: Không có sản phẩm nào có thể “chữa bách bệnh” hay mang lại kết quả thần kỳ trong vài ngày.

✅ Tham khảo ý kiến chuyên gia: Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, hãy tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo phù hợp với sức khỏe của bạn.

✅ Chọn mua sản phẩm từ nguồn uy tín: Tránh mua hàng trôi nổi trên mạng, đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đầy đủ.

Để tránh rơi vào “bẫy” của những quảng cáo thiếu căn cứ, chúng ta cần trở thành những người tiêu dùng thông thái. Hãy tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quyết định mua, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế, và chỉ chọn mua các loại thực phẩm chức năng từ những nguồn tin cậy. Đồng thời, đừng để những lời quảng cáo hoa mỹ hay hình ảnh của người nổi tiếng trên mạng đánh lừa.

Đừng để bị lừa! Cẩn trọng và tỉnh táo là điều cần thiết khi đối mặt với những quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Sự chủ động và thông minh của người tiêu dùng chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe và ví tiền của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục An toàn Thực phẩm đề nghị kiểm tra hoạt động của công ty sản xuất kẹo rau củ Kera
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO