Củ Chi: Phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề

P.C| 27/11/2020 16:09

KHPTO - Phát triển các làng nghề gặp không ít khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho các sản phẩm. Do vậy, du lịch là một trong những giải pháp cơ bản để mở lối cho các làng nghề một cách hiệu quả.

Hiện nay, Củ Chi có 4 làng nghề: bánh tráng Phú Hòa Đông, đan lát Thái Mỹ, mành trúc Tân Thông Hội và sinh vật cảnh Trung An. Trong 4 làng nghề này, 2 làng nghề bánh tráng và đan lát đã được công nhận là nghề truyền thống. Với nhiều dòng sản phẩm phong phú, việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm là yếu tố quan trọng để duy trì, phát triển các làng nghề. Tuy nhiên, nhiều làng nghề hiện đang rơi vào tình trạng lao đao do thị trường ngày càng thu hẹp.

Trong khi đó, Củ Chi là huyện có nhiều tài nguyên du lịch như Địa đạo Củ Chi, Bến Dược, Bến Đình, khu du lịch người dân tộc thiểu số cùng các sản phẩm du lịch sinh thái vườn... thu hút khách du lịch trong nước lẫn ngoài nước.

Thêm nữa, tuyến tham quan du lịch chính của Củ Chi là Địa đạo Bến Đình, Bến Dược, xuất phát từ trung tâm TP.HCM theo lộ trình Quốc lộ 22 - Tỉnh lộ 15 - đường Nguyễn Thị Rành - điểm tham quan và ngược lại. Xã Phú Hòa Đông có lợi thế nằm ở trục đường Tỉnh lộ 15 rất thuận tiện trong việc xây dựng trạm dừng chân cho du khách mua sắm, nghỉ ngơi trước khi đến với điểm tham quan chính.

Vì vậy, trước mắt, nếu đẩy mạnh việc phát triển du lịch 2 làng nghề truyền thống đan lát và làm bánh tráng nói trên sẽ góp phần đa dạng nguồn tài nguyên du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó góp phần quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, thỉnh thoảng vẫn có các đoàn khách trong và ngoài nước liên hệ địa phương kết nối với các làng nghề này để tham quan, ghi hình làm tư liệu, điều đó cho thấy Củ Chi được đánh giá là địa điểm thú vị được du khách quan tâm tìm hiểu nghiên cứu, hứa hẹn những khởi sắc hơn cho làng nghề. Thông qua du lịch, địa phương sẽ huy động được nguồn nhân lực tại chỗ, khơi gợi ý thức của người dân, phát huy tính chủ động, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, các sản phẩm của làng nghề sẽ có hướng tiêu thụ, chẳng những làng nghề được bảo tồn mà còn có cơ hội vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củ Chi: Phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO