Khoa học

Có thể phát hiện lỗ đen thông qua việc nghe, cảm nhận và 'nhìn'

Công Chương 07/12/2023 - 14:48

Theo Giáo sư Paul T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á, các nhà khoa học trên thế giới hiện có thể phát hiện lỗ đen thông qua việc nghe, cảm nhận và “nhìn”.

Ngày 6/12, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQT) – Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực” với phần trình bày của Giáo sư Paul T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á (một trong 8 Đài quan sát tham gia chụp được bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ).

buoi-noi-chuyen-1-copy.jpg
Giáo sư Paul T.P. Ho – Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á, phát biểu tại sự kiện.

Theo Giáo sư Paul T.P. Ho, các nhà khoa học trên thế giới hiện có thể phát hiện lỗ đen thông qua việc nghe, cảm nhận và “nhìn”. Khó khăn trong việc chụp ảnh lỗ đen là do lỗ đen thực chất không thể nhìn thấy qua mắt thường hay thấu kính quang học Giáo sư Paul T.P. Hodo lực hút mạnh đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra. Đồng thời do vị trí cách rất xa Trái Đất, nên việc chụp ảnh lỗ đen được ví như việc chụp ảnh một chiếc bánh donut được đặt trên mặt trăng...

“Công nghệ dùng trong chụp ảnh 2 lỗ đen SgA* và M87: laser và giao thoa kế với nhiều kính thiên văn được đặt tại nhiều vị trí trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ chỉ nhận về các sóng vô tuyến và cần phải tiến hành phân tích các dữ liệu này để có được các bức ảnh chụp lỗ đen mà ta nhìn thấy hiện nay. Tất nhiên, các bức ảnh này chỉ ghi lại “bóng” của lỗ đen khi ánh sáng bị hút vào trong nó...” - GS. Paul T.P. Ho thông tin.

buoi-noi-chuyen-5a.jpg
PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Quốc tế tặng hoa cám ơn GS. Paul Ho.

GS. Paul Ho cho biết ông và đội ngũ các nhà khoa học đang tiến hành xây dựng kính thiên văn mới tại Greenland với mong muốn chụp được các bức ảnh lỗ đen với độ phân giải cao hơn, ở các vũ trụ xa xôi hơn nữa. Tuy nhiên, quá trình trên vẫn còn nhiều khó khăn và tốn kém, đòi hỏi sự chung tay của nhiều tổ chức, chính phủ trên thế giới.

Bên cạnh đó, GS. Paul Ho cũng ghi nhận tiềm năng của khu vực châu Á trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu lỗ đen trong tương lai.

Theo đại diện Trường ĐHQT, với mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, luôn cập nhật và áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề hướng đến đại chúng nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho nhiều đối tượng tham gia.

buoi-noi-chuyen-2a.jpg
Giáo sư Paul T.P. Ho (Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á, trái) và PGS.TS Phan Bảo Ngọc (Trưởng Bộ môn Vật lý Trường ĐHQT) tại hội thảo.

PGS.TS Phan Bảo Ngọc - Trưởng Bộ môn Vật lý Trường ĐHQT – cho biết, hội thảo “Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực” với diễn giả khách mời là GS. Paul T. P. Ho của Viện Thiên văn và Thiên văn Vật lý Academia Sinica (ASIAA), Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những chuỗi hội thảo chuyên đề nhà trường tổ chức để cung cấp thêm thông tin khoa học liên quan đến chụp ảnh lỗ đen và nghiên cứu vũ trụ cho học sinh, sinh viên.

buoi-noi-chuyen-6.jpg
PGS.TS Phan Bảo Ngọc - Trưởng Bộ môn Vật lý Trường ĐHQT phát biểu tại sự kiện.

Lỗ đen, được hình thành khi một ngôi sao có khối lượng đủ lớn chết đi, là nơi trường hấp dẫn mạnh đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra ngoài nên không thể nhìn thấy chúng trực tiếp. Vào ngày 10/4/2019 một nhóm gồm khoảng 200 nhà khoa học trên khắp thế giới đã công bố bức ảnh chụp đầu tiên bóng của một lỗ đen. Trong đó, các nhà thiên văn học châu Á đóng một vai trò quan trọng trong dự án, đặc biệt là vai trò của Giáo sư Paul T.P. Ho – Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á.

buoi-noi-chuyen-3.jpg
Sinh viên đặt câu hỏi với Giáo sư Paul T.P. Ho.

“Trường ĐHQT mời GS. Paul T.P. Ho đến chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên với hy vọng sẽ thắp lên niềm đam mê về thiên văn học, vũ trụ học và vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong sự phát triển vượt bậc của các công nghệ tiến bộ nhất của loài người trên hành trình khám phá và chinh phục Vũ trụ...” - PGS.TS Phan Bảo Ngọc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có thể phát hiện lỗ đen thông qua việc nghe, cảm nhận và 'nhìn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO