KS. Hà Ngọc Trường, chủ nhiệm đề tài cho biết, tổng hợp các nguyên nhân nghiên cứu khảo sát, có thể quy về 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng lún sụp mặt đường.
- Do công trình và do thi công: một số công trình ngầm không còn khai thác sử dụng nhưng đơn vị quản lý khi hủy bỏ không xử lý (bơm cát, vữa bít kín lòng ống). Việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị thi công chưa tuân thủ nghiêm túc các quy trình thi công và nghiệm thu hiện hành. Sau quá trình thi công, nền đường có thể xảy ra lún sụp do khi thực hiện các công trình mới gây ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu nhưng nhà thầu cũng như tư vấn giám sát hay các đơn vị chủ quản không quan tâm kiểm tra theo dõi, quan trắc trong suốt quá trình thi công và sau khi thi công.
- Công tác quản lý còn hạn chế: việc quản lý dữ liệu công trình ngầm trên tuyến chưa có cơ quan đầu mối để quản lý dữ liệu thống nhất các hệ thống công trình ngầm của TP, quản lý nhà nước còn cát cứ thông tin giữa các ngành, chưa ứng dụng hiệu quả quản lý thông tin theo công nghệ GIS, hạ tầng qua từng thời kỳ đã thay đổi (tọa độ, cao độ) nhưng không cập nhật được kịp thời. Với quản lý quy hoạch, quy trình cũng chưa có một sơ đồ hoặc bản đồ công trình ngầm của toàn thành phố phục vụ cho việc quy hoạch, quản lý và phát triển không gian ngầm hiện nay và trong tương lai. Hiện nay các quy định về quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy trình cụ thể cho các loại công trình ngầm vẫn chưa hoàn chỉnh, việc quản lý các công trình ngầm về mặt quản lý nhà nước, sử dụng, khai thác vẫn còn nhiều bất cập, không đồng bộ. Khâu quản lý thi công cũng có không ít bất cập như biện pháp thi công thường mang tính điển hình và dùng chung cho tất cả khu vực dẫn đến biện pháp thi công không phù hợp với từng công trình. Biện pháp không an toàn, thường không có công trình bảo vệ nên gây sụt lở khu vực lân cận.
- Ảnh hưởng của địa chất và thủy văn: dòng nước ngầm trong nền đường được tạo ra từ các đường ống cấp nước, thoát nước bị hư hỏng đột xuất, do nước thấm rỉ từ các đường cống thoát nước thông qua các hố ga thu nước không được hàn kín. Ngoài nguyên nhân trực tiếp gây ra các hố sụt, các dòng ngầm còn thúc đẩy quá trình gây ra xói rỗng và xói ngầm tạo nên hố sụt. Đó là nguyên nhân có tính chất nhân sinh, do con người gây ra. Cụ thể đó là việc thi công đào lấp các công trình hạ tầng không đạt chất lượng, gây ra hư hỏng các tuyến cống cấp nước và các đường cống thoát nước, làm hở các mối nối các hố ga thu nước, tạo nên dòng nước ngầm tạm thời trong nền đường gây ra hiện tượng xói rỗng và xói ngầm tạo nên hố sụt.
Trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân kỹ thuật của các đơn vị thi công công trình cũng còn hạn chế, vì vậy các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật của công tác đào, tái lập mặt đường và lắp đặt các công trình ngầm không được tuân thủ chặt chẽ đó là nguyên nhân chính gây ra các hố sụt.
Từ những nguyên nhân trên, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cấp bách: trang bị cho các đơn vị quản lý công trình ngầm các thiết bị dò tìm hiện đại (như loại CCTV - Closed Circuit Television - không phá hoại mặt đường) để khảo sát điều tra dò tìm những hư hỏng của hệ thống cống cấp thoát nước và đưa ra phương án sửa chữa trước khi xảy ra sự cố. Trang bị máy georadar để dò tìm, dự báo và phát hiện các sự cố lún sụp báo cho các cơ quan quản lý xử lý trước khi sự cố xảy ra. Xây dựng cơ chế, quy định phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị quản lý công trình ngầm về xử lý các vấn đề có liên quan và có biện pháp chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với các đơn vị vi phạm. Đề xuất cơ chế tài chính cho công tác khảo sát, bảo vệ và phòng ngừa việc xuất hiện lún sụt. Đề xuất cơ chế xử phạt các vi phạm đến công trình ngầm với mức thật nặng.