Cơ hội phục hồi nghề dầu tràm Huế

VŨ HÀO| 04/01/2016 16:20

Nghề sản xuất dầu tràm, đặc sản nổi tiếng của vùng ven biển xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế có cơ hội phục hồi và phát triển nhờ đổi mới cách thức sản xuất và tiếp cận thị trường.

Khách đi theo hướng nam - bắc, vừa xuống khỏi đèo Hải Vân, sẽ thấy bên phải quốc lộ 1A (thuộc xã Lộc Thủy, Phú Lộc) một vùng bạt ngàn loài cây tràm gió, có tác dụng chống cát bay và xâm thực bờ biển. Từ lá tràm tự nhiên ấy, những vị tiền bối trong làng đã biết đem chưng cất để chiết xuất ra thứ dầu tràm hảo hạng, lâu đời tạo thành thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy. Mọi người vẫn thường nhầm tưởng dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm (một số nơi gọi là cây keo), nhưng không phải vậy, dầu tràm được lấy từ lá cây tràm gió, có màu xanh nhạt hơn màu của lá tràm keo.

Có lẽ ban đầu, phương pháp nấu dầu tràm bắt nguồn từ phương pháp nấu rượu cổ truyền. Cách hay được áp dụng là nấu tràm trong nồi to khoảng 5 tiếng đồng hồ và đun chụm thật đều lửa. Cách chế biến thuần chất là sử dụng khoảng 1,5 tạ lá tràm chiếm tỷ lệ 2/3 nồi, còn lại 1/3 là nước. Chai hứng dầu từ vòi sẽ được đặt trên một thau đầy nước lạnh để làm cô dầu khi từ thùng nóng ra ngoài. Toàn bộ 1,5 tạ lá cây sẽ chiết xuất khoảng 1 chai 500 ml; còn nếu lấy nhiều hơn thì nồng độ tinh dầu sẽ giảm.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy thương hiệu dầu tràm Huế có thị phần khá rộng ở các tỉnh, thành lớn (TP. HCM và Hà Nội), một bộ phận tư thương bắt đầu sản xuất thứ dầu kém chất lượng, bán giá rẻ. Hậu quả là người tiêu dùng hoang mang, người làm nghề chân chính chán nản bỏ việc... Trước thực tế đó, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm khôi phục hoạt động sản xuất truyền thống này bằng các chính sách như hỗ trợ tài chính cho các hộ sản xuất, khuyến khích trồng cây gây rừng tràm, bảo hộ sản phẩm... Năm 2011, sản phẩm dầu tràm Lộc Thủy được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận. Vùng nguyên liệu cây tràm Lộc Thủy dần dần hồi sinh, nhưng tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc do không có một thương hiệu cụ thể nào để thị trường nhận diện, mẫu mã sản phẩm và quảng cáo nghèo nàn...

Là một người con đất Lộc Thủy, ông Ngô Văn Cường vào TP.HCM làm ăn từ năm 1988 và trở thành một doanh nhân thành đạt. Trong nhiều lần về thăm quê, ông nhận ra giá trị của đặc sản quê nhà và hình thành ý tưởng thương mại hóa dầu tràm trên cơ sở áp dụng các công cụ marketing hiện đại. Đầu tiên, ông đi đặt làm mẫu chai, thuê thiết kế bao bì và đóng chai thủ công để tặng bạn bè, gửi kèm phiếu thăm dò. Được ủng hộ, ông thêm tự tin và quyết định: sản xuất dầu tràm thế hệ mới mang tên Cung Đình. Ông cũng áp dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, bằng các thiết bị đóng chai, vô trùng, chiết xuất hiện đại cộng với kỹ năng thiện nghệ lâu đời của các nghệ nhân làng nghề. Để khắc phục cảm quan mùi hơi hăng đặc thù của lá tràm, ông Cường cũng gặp nhiều kỹ sư hóa học và dược sĩ bào chế để tham vấn về việc điều chỉnh nền nhiệt trong lò nấu lá. Kết quả sau nhiều lần thử nghiệm, mùi Cung Đình trở nên thơm ngát dễ chịu hơn.

Hiện nay, dầu tràm Cung Đình đã được phân phối tại hơn 1.000 nhà thuốc trên toàn quốc và tại chuỗi 70 cửa hàng, sản phẩm được đón nhận bởi mẫu mã đẹp, tác dụng đa dạng, giá thành hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội phục hồi nghề dầu tràm Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO