CMC trình diễn các giải pháp công nghệ mới tại ngày An toàn toàn thông tin Việt Nam
Tại Hội thảo Triển lãm quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023”, CMC đã tham gia trưng bày và tạo ấn tượng với các giải pháp an ninh an toàn thông tin.
Trong khuôn khổ Hội thảo Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 30/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghệ CMC đã tham gia trưng bày, giới thiệu và tạo ấn tượng với các giải pháp an ninh an toàn thông tin.
Hội thảo năm nay được tổ chức với chủ đề “An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI)". CMC là nhà tài trợ vàng của chương trình. Sự kiện được bảo trợ bởi Bộ TT&TT, do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), phối hợp với Cục ATTT (Bộ TT&TT) tổ chức.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định Việt Nam đang cùng thế giới đứng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt quan trọng với sự kết hợp giữa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và Điện toán đám mây. Các cơ hội lớn được mở ra, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn về quản trị và an toàn dữ liệu.
“Dữ liệu là tài sản của mỗi tổ chức, cá nhân. Bảo vệ dữ liệu cũng chính là bảo vệ tài sản của tổ chức mình. Vì vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin phải xuất phát từ chính mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
AI giờ đây đã trở thành công nghệ chiến lược, mũi nhọn để các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu tìm kiếm sự thống trị, dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu.
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng đã đưa ra nhận định năm 2023 đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ Điện toán đám mây (Cloud) và AI, trong đó điển hình là sự ra đời của ChatGPT, phần mềm có sự tăng trưởng người dùng được coi là nhanh nhất trong lịch sử Internet.
“Sự bùng nổ của Cloud và AI dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự đảm bảo ATTT của cá nhân, tổ chức, trong đó đặc biệt là an toàn dữ liệu vì dữ liệu là nền tảng gốc, bảo vệ dữ liệu là bảo vệ trái tim của quá trình chuyển đổi số”, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
“Đến với Hội thảo - Triển lãm quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023, chúng tôi muốn giới thiệu tới thị trường Hệ sinh thái an ninh an toàn thông tin Made by CMC - Make in Việt Nam. Hệ sinh thái bao gồm các giải pháp, dịch vụ hướng tới mục tiêu giảm thời gian triển khai cho khách hàng và tối ưu được chi phí, nguồn lực mà khách hàng cần đầu tư. CMC là một trong những số ít doanh nghiệp Việt Nam tạo ra được một hệ sinh thái an toàn, an ninh thông tin với các giải pháp do CMC tự nghiên cứu phát triển. CMC luôn nỗ lực cải thiện sản phẩm dịch vụ và cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức lớn nhỏ, góp phần đảm bảo an ninh an toàn cho không gian mạng Việt Nam và thế giới" - ông Hà Thế Phương, Tổng giám đốc CMC Cyber Security cho biết.
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm, giải pháp của CMC tại hội thảo đã thu hút đông đảo các khách mời, đại biểu tham dự với các giải pháp, công nghệ mới ấn tượng như: Giải pháp phòng chống mã độc CMDD đạt chứng chỉ VB100; Dịch vụ và giải pháp phòng chống mã hóa dữ liệu CMC CryptoShield; CMC Security Monitoring - Dịch vụ giám sát an ninh mạng; CMC Threat Hunting - Dịch vụ săn tìm mối đe dọa; Dịch vụ tư vấn và đánh giá cấp chứng chỉ PCI – DSS; Giải pháp tường lửa bảo vệ website (WAF); Dịch vụ Giám sát an ninh an toàn thông tin (do Trung tâm giám sát An ninh An toàn thông tin CMC - CMC SOC cung cấp)….
Trong khuôn khổ chương trình, ông Hà Thế Phương cũng tham gia tọa đàm chia sẻ về chủ đề “Bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân: Chính sách và công nghệ”. Năm 2023, được ưu tiên triển khai trọng điểm với chủ đề “Năm dữ liệu số quốc gia” với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số an toàn và hiệu quả. Tháng 11 này cũng là tháng trọng tâm triển khai nhiệm vụ “Bảo vệ thông tin cá nhân” của Bộ TT&TT cũng như góp phần triển khai thành công Nghị định số 13 về bảo vệ thông tin cá nhân được Chính phủ ban hành vào tháng 04/2023.