Làng nghề xe nhang xã Lê Minh Xuân đã được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Hiện nay, làng nhang Lê Minh Xuân có 2 doanh nghiệp, 4 tổ hợp tác, 124 thành viên tham gia sản xuất nhang, mang lại thu nhập ổn định cho người làm nhang. Nhờ có máy móc sản xuất hiện đại nên sản phẩm tăng cả về số lượng và chất lượng, giảm nhân công mà vẫn đem lại hiệu quả.
Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đối với sản xuất xe nhang trên địa bàn thành phố (ban hành theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của Hội đồng nhân dân và Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố) giúp các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, trả công lao động phục vụ sản xuất xe nhang sẽ được hỗ trợ các mức 60%, 80% lãi suất.
Trước kia, khi người dân làng nghề sản xuất nhang bằng phương pháp thủ công, chủ yếu được làm bằng tay và tốn rất nhiều công sức. Theo nhiều hộ dân sản xuất nhang lâu năm, thời gian trước làm rất cực, mỗi ngày cũng chỉ cho ra được 10 thiên. Hiện nay, sử dụng nhiều máy móc hiện đại, mỗi ngày có thể cho ra 50 - 100 thiên, mang lại thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Hầu hết những hộ dân làm xe nhang trong làng nghề đều phải có bộ ba thiết bị bao gồm máy phóng, máy lừa tăm và máy trộn bột với tổng chi phí gần 20 triệu đồng. Ở mức đầu tư những thiết bị cơ bản cũng phải mất 3 - 4 tháng sau mới có thể hoàn vốn. Nhiều cơ sở sản xuất nhang quy mô lớn đã đầu tư máy quạt công nghiệp, máy sấy và máy hút ẩm để nhang khô tại chỗ với chi phí lớn. Thông thường, máy sấy nhang có mức giá khoảng 50 triệu đồng nên không phải hộ dân nào cũng có đủ chi phí để đầu tư.
Cơ sở làm nhang của chị Lê Cát Bụi Thúy là mô hình sản xuất nhang có quy mô lớn ở làng nhang Lê Minh Xuân. Cơ sở xe nhang tạo việc làm ổn định cho hơn 70 công nhân, mỗi ngày cung cấp gần 1 tấn nhang ra khắp thị trường trên cả nước. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình không đủ chi phí để đầu tư thiết bị, chị giúp bà con mua theo hình thức trả chậm. Đồng thời, bà con cũng có thể lấy bột, tăm nhang từ cơ sở của chị mang về làm gia công.