Cây quế - "của để dành" ở Trung Sơn

Lê Thương (Báo Phú Thọ)| 29/09/2013 20:28

Những năm gần đây, cây quế được xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã đặc biệt khó khăn Trung Sơn. Nhờ cây quế mà nhiều hộ dân đã nuôi con ăn học, mua sắm phương tiện đi lại và các vận dụng sinh hoạt trong gia đình. Không những thế, cây quế còn được coi là “của để dành” của người dân miền sơn cước này. 

 Được đưa vào trồng thử nghiệm tại vùng đất Trung Sơn từ những năm 80 của thế kỷ trước, cây quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng từ rừng quế, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.

Ông Đinh Văn Lúa, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Năm 1986, huyện có chủ trương đưa cây quế lên trồng ở xã, gia đình tôi nhận 1.000 cây về trồng. Hồi đó đường chưa thuận lợi như bây giờ, từ nhà xuống khu vườn ươm của thị trấn đi bộ mất ngày trời. Vợ chồng nhận 1.000 bầu quế về đào hố trồng theo hướng dẫn của cán bộ huyện. Mấy năm đầu chăm sóc kỹ lưỡng, sau cây cứ thế lớn dần. Trồng quế lâu được thu hoạch nên chúng tôi trồng xen với các loại cây khác có tuổi đời ngắn hơn. Khi cây quế được 7- 8 năm thì bắt đầu tỉa cành cong, còi cọc bán trước. 1.000 cây quế của gia đình giúp tôi nuôi 4 đứa con ăn học, mua xe máy, làm nhà dựng vợ gả chồng cho các con. Giờ tôi vẫn đang trồng quế và rừng quế đó như "của để dành" của gia đình bởi một đời quế bằng ba đời keo.

So với các loại cây nguyên liệu, cây quế có tuổi đời khá dài, thường từ 15- 20 năm mới cho giá trị cao thế nhưng ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Một cây quế có tuổi đời từ 7-10 năm bán được từ 150 - 200 nghìn đồng. 1 ha quế trồng được hơn 1.600 cây, đến tuổi khai thác (7 năm) tỉa những cây nhỏ, cằn bán trước đến khi thu hoạch (20 năm) còn khoảng 1.000 cây, có cây to một vòng tay mới ôm hết. Mấy năm nay, cây quế cho hiệu quả kinh tế cao. Lá quế tươi được các chủ lò ép tinh dầu quế đến tận vườn mua với giá 1.200 đồng/kg. Vỏ quế dù bấp bênh lúc cao lúc thấp nhưng hiện giá hơn 9.000 đồng/kg. Gỗ quế bán 3,5 triệu đồng/m3. Một cây quế to bán cả lá, cành, vỏ, cây được hơn 2 triệu đồng. 1ha quế bán rẻ cũng được vài trăm triệu đồng. Ở Trung Sơn nhà nhiều trồng vài chục ha, nhà ít trồng quanh nhà một chục, hai chục gốc tới khi thu hoạch cũng có kha khá vốn trong tay.

Anh Đinh Văn Đóa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Người dân trồng đại trà quế từ năm 90- 92 đến giờ đã có nhà thu hoạch. Lúc đầu trồng quế có thể trồng mau, sau tỉa dần. Khi cây quế được 3-4 tháng tuổi, người dân có thể trồng xen sắn để che nắng cho quế. Trồng 3 vụ sắn thì quế lớn tự khép tán không cần chăm sóc quế tự lớn đến khi được 7-8 năm thì thu cây bán lần 1; đến khi rừng quế được 15- 16 năm thu hoạch lần 2. Khi được 20 năm thì có thể khai thác hết.

Không giống như cây keo, bạch đàn chu kỳ sinh trưởng ngắn, cây quế có tuổi đời từ 20-25 năm. Trồng 3 đời keo mới được 1 đời quế. Nếu làm kinh tế thì trồng keo, bạch đàn cho thu hoạch nhanh hơn trồng quế nhưng do địa bàn xã Trung Sơn đi lại khó khăn, keo, bạch đàn đến vụ thu hoạch phải chặt cả rừng, công chặt vận chuyển ra đường lớn trừ chi phí đi chẳng lãi là bao. Còn cây quế thì lại khác. 7 năm tuổi cũng có thể bóc vỏ chặt lá bán, thân cây có thể ngâm làm đòn tay nhà sàn. Nhà có rừng quế không lo đói bởi khi gia đình có việc cần đến tiền có thể bóc một vài tạ vỏ, chặt lá bán là có tiền. Có nhà quế đến tuổi thu hoạch thuê người bóc 1.000 đồng/kg vỏ quế tạo việc làm cho không ít lao động trong xã.

Ông Hà Văn Bàn, khu Nai, xã Trung Sơn chia sẻ: Nhà tôi trồng khoảng 5ha. Vừa rồi gia đình có việc tôi chặt bán một ít. Trồng quế lâu cho thu hoạch nhưng hiệu quả cao. Mấy năm trước cưới vợ cho con, tôi chặt một rừng quế 8-10 năm tuổi, giờ quế tái sinh đã cao hơn đầu người. Chỉ tay vào cây quế to nhất ông bảo: Cây này 20 năm rồi đấy, nếu bán cả lá cành thân vỏ được khoảng 3 triệu đồng. Nhà tôi có khoảng chục cây như thế này, tôi dự định khi nào con gái đi lấy chồng sẽ chặt bán.

Ở Trung Sơn, nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ cây quế, nhiều hộ làm được nhà cũng nhờ quế. Hơn 600 ha quế nơi vùng khó khăn này đã giúp cho đời sống của người dân được thay đổi. Toàn xã hiện có 2 xe tải, hai lò nấu tinh dầu quế. Anh Tuấn chủ lò tinh luyện dầu quế từ lá quế cho biết: Năm 2012, lò của tôi thu mua 300 tấn lá tươi, vụ quế năm nay thu trên 100 tấn, trung bình mỗi năm người trồng quế trong xã bán được hơn 300 tấn lá khô, ngoài 2 lò ở xã ra, bà con còn bán lá cho các lái thương ở Yên Bái xuống mua.

Hiện tại lá, cành, thân, vỏ của cây quế Trung Sơn không lo đầu ra, trong xã đã xuất hiện những người đi mua gom vỏ quế về giao cho các cơ sở ở Đông Anh, Bắc Ninh, Yên Bái. Nhiều nhà bỏ keo, bạch đàn trồng quế. Anh Thành, khu Nai cho biết: Nhà tôi trồng 3 ha quế, vừa rồi làm nhà thuê người đến chặt tỉa cây, bóc vỏ, bẻ lá bán được hơn 200 triệu đồng. Theo cách tính của anh Thành: Hai vợ chồng trẻ mới cưới trồng 1ha quế, đến khi con vào lớp 1 có thể tỉa cây đợt 1 bán lấy tiền mua sách vở đồ dùng cho con, đến khi con vào cấp 3 tỉa cây đợt 2 cũng có tiền đóng học. Rồi khi thu hoạch là lúc con thi đại học. Hy vọng hơn 600 ha quế sẽ là “của để dành” giúp người dân Trung Sơn thoát khỏi đói nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây quế - "của để dành" ở Trung Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO