“Cặp song sinh” phòng thí nghiệm – doanh nghiệp khoa học công nghệ

Anh Thư| 20/08/2011 09:56

Nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm khoa học rồi không biết làm sao bán được sản phẩm này? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà khoa học đang gặp phải. Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP.HCM (ITP) đã tìm ra câu trả lời với mô hình “cặp song sinh” phòng thí nghiệm – doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Doanh nghiệp bán sản phẩm khoa học

Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG – HCM) là một tổ chức KHCN tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Từ năm 2006, ITP hình thành Phòng thí nghiệm an ninh thông tin (ISeLAB). Được ĐHQG - HCM đầu tư khoảng 7 tỷ đồng, cấp trung bình khoảng 500 triệu qua các đề tài nghiên cứu và kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu hàng năm, ITP đã nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm khoa học. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

TS. Trịnh Ngọc Minh, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm cho biết: “Rất khó tuyển dụng và giữ được cán bộ nhiên cứu có trình độ tốt. Chúng tôi chỉ có thể duy trì được đội ngũ nhân sự dưới 10 người, kể cả cán bộ bán thời gian cho nghiên cứu, với thu nhập trung bình khoảng 4 triệu/người. Không có nhân lực và kinh phí cho công tác tiếp thị, bán hàng và hoàn thiện sản phẩm để thương mại hóa. Do đó, ISeLAB không có được nhiều phản hồi từ thị trường về chất lượng, định hướng nghiên cứu của mình, cũng như rất hạn chế thu nhập thêm cho cán bộ. Trong điều kiện đó, chúng tôi không có khả năng triển khai dịch vụ chuyên nghiệp. Việc đảm bảo một dịch vụ về an ninh thông tin với thời gian xử lý sự cố xác định (thường là trong thời gian thực) cho một doanh nghiệp với ISeLAB là khó khả thi, do không thể duy trì được đội ngũ nhân lực ổn định và sẵn sàng 24/7”.

Trong bối cảnh ISeLAB đang loay hoay trong những hạn chế, khó khăn để tồn tại và duy trì công tác nghiên cứu thì ĐHQG-HCM triển khai mạnh việc chuyển đổi các tổ chức KHCN theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ- CP. Ban đầu, theo TS.Minh: “Chúng tôi dự kiến chuyển toàn bộ ISeLAB qua doanh nghiệp KHCN dạng công ty cổ phần. Tuy nhiên, sau một thời gian xem xét, với nhiều băn khoăn về khả năng tiếp tục tiến hành công tác nghiên cứu sau khi đã chuyển qua thành công ty, lãnh đạo ĐHQG-HCM và ITP quyết định tiếp tục giữ ISeLAB như một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu, bên cạnh đó là hình thành một doanh nghiệp KHCN mới nhằm đặc trách những gì mà ISeLAB yếu kém trong chuỗi nghiên cứu – thương mại hóa kết quả KHCN – tái đầu tư cho nghiên cứu. Chúng tôi cho ra đời Công ty cổ phần An ninh thông tin chuyên nghiệp ISePRO”. Đây là công ty cổ phần với cấu trúc vốn gồm: 20% từ nhà nước dưới dạng trang thiết bị, 40% từ cán bộ công nhân viên ITP, 40% từ cá nhân ngoài ITP. Định hướng kinh doanh của công ty làcung ứng dịch vụ về an ninh thông tin, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ các kết quả nghiên cứu của ISeLAB.

Cặp tổ chức ISeLAB – ISePRO, ký hiệu chung là ISe*,xây dựng mối liên hệ với nhau: ISe* hạch toán độc lập; bên cạnh sản phẩm chiến lược, ISeLAB ưu tiên nghiên cứu các vấn đề nảy sinh trong quá trình kinh doanh của ISePRO như xây dựng các công cụ phần mềm, nghiên cứu các giải pháp… ISePRO ưu tiên thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của ISeLAB như khóa đào tạo, các kỹ thuật đánh giá an toàn mạng theo chuẩn ISO…Trong quá trình triển khai dịch vụ, ISePRO ưu tiên sử dụng nhân lực của ISeLAB. ISePRO thanh toán đầy đủ phụ cấp cho nhân lực của ISeLAB. Với mỗi dịch vụ xây dựng từ kết quả nghiên cứu của ISeLAB, ISePRO trả một phần thu nhập cho ITP và ITP sử dụng thu nhập này nhằm mục tiêu tái đầu tư cho nghiên cứu.

Lợi thế của một “cặp song sinh”

Theo nhận định của TS.Minh, với ISe*, nghiên cứu khoa học tiếp tục được duy trì. Nhìn chung, công ty được xây dựng với mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, nếu chuyển hoàn toàn ISeLAB thành công ty theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP thì có thể công tác nghiên cứu đa bị coi nhẹ hơn rất nhiều, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà các công ty đều đang phải tập trung toàn bộ sức lực để tồn tại trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Với tình huống này, có thể nói chuyển đổi phòng thí nghiệm qua doanh nghiệp theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP sẽ làm suy yếu, làm mất đi một hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ITP là nghiên cứu khoa học.

Công ty có lợi ích là gắn liền với đại học và phòng thí nghiệm. Tuy là công ty mới hình thành nhưng ISePRO đã có những sản phẩm đặc trưng của mình trên thị trường, có thể thừa hưởng một số mối quan hệ sẵn có và đặc biệt là có khả năng tổ chức nghiên cứu để đưa ra giải pháp theo yêu cầu khách hàng một cách nhanh chóng. Theo TS.Minh nói: “Chúng tôi tin tưởng trong lâu dài, ISePRO sẽ là một trong số ít các công ty ở Việt nam có hoạt động R&D làm cơ sở cho hoạt động kinh doanh của mình. Việc có khả năng huy động thêm nhân lực khi cần thiết từ ISeLAB cũng giúp cho ISePRO có khả năng đảm bảo yêu cầu của dự án với chi phí tối ưu”.

Với mô hình này, chuỗi hoạt động nghiên cứu - thương mại hóa - tái đầu tư nghiên cứu được khép kín. Bài toán về nguồn nhân lực nghiên cứu cũng có khả năng được giải quyết. Cán bộ nghiên cứu của ISeLAB có thể hoặc tiếp tục nghiên cứu và làm bán thời gian cho công ty ISePRO, hoặc chuyển qua công ty ISePRO nhưng vẫn duy trì một mức độ nghiên cứu nào đó ở ISeLAB. Đây là một ưu thế rất quan trọng của mô hình “cặp song sinh”. Mong muốn được nghiên cứu, nhưng có công việc làm thêm phù hợp với sở trường và có thêm thu nhập để lo cho bản thân và gia đinh là nhu cầu chính đáng, thiết yếu của rất nhiều cán bộ KHCN hiện nay. Đây chính là giải pháp để cán bộ khoa học có thể “danh chính ngôn thuận” làm việc cho công ty của mình hay của cơ quan mình.

Mô hình “cặp song sinh” cho phép vừa nghiên cứu, vừa triển khai ứng dụng và có khả năng nâng cao chất lượng nghiên cứu. Nó có lợi thế hơn mô hình chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm thành doanh nghiệp KHCN, vì việc tồn tại và phát triển một doanh nghiệp vừa nghiên cứu giỏi, vừa kinh doanh tốt là một việc rất khó, thậm chí không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Việc hình thành bên cạnh mỗi phòng thí nghiệm một doanh nghiệp để chuyên thương mại hóa kết quả nghiên cứu khá dễ dàng trong bối cảnh về quy định của luật pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cặp song sinh” phòng thí nghiệm – doanh nghiệp khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO