Dòng chảy

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang lại lợi ích lớn cho đất nước

Nhật Hòa14/06/2024 05:25

Báo cáo kết quả xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, Cảng Cần Giờ được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho đất nước.

cang-can-gio-4-01.jpg
Phối cảnh cảng Cần Giờ

Việc xây dựng cảng đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai thực hiện. Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa cả Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.

Theo đồng chí Trần Quang Lâm, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vị trí địa lý chiến lược, gần tuyến hàng hải quốc tế, nơi giao thông liên kết với các tuyên vận tải khác nhau và trong vùng có nhiều trung tâm công nghiệp; có điều kiện tự nhiên thuận lợi như: luồng vào cảng có độ sâu trên 14 mét để đủ khả năng tiếp nhận tàu mẹ có tải trọng từ 100.000 tấn trở lên, đảm bảo dễ dàng tiếp cận và có điều kiện khí hậu, thủy hải văn thuận lợi; có sự tham gia hợp tác đầu tư, vận hành khai thác cảng của hãng vận tải biển lớn; có hệ thống giao thông kết nối đa phương thức, đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng.

Cảng được xây dựng với quy mô lớn, bao gồm cầu cảng, thiết bị công nghệ bốc dỡ hàng hóa được xây dựng đồng bộ, hiện đại có thế đón được các tàu mẹ (tải trọng lớn, sức chứa trên 8.000 Teu đến trên 20.000 Teu) và các khu vực kho bãi chứa hàng hậu phương, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, trung tâm dịch vụ hậu cần, giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ với tiến trình đầu tư khai thác cảng, thủ tục hải quan nhanh chóng.

Ngoài các điều kiện thuận lợi về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, luồng hàng..., một yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển một cảng trung chuyển quốc tế đó chính là có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới… Theo đề án, khi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành sẽ đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 40.000 tỷ đồng/năm, tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động. Cảng sẽ thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới; thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM...

Về cơ chế, chính sách, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, TP thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và các quy định của pháp luật có liên quan trong bước triển khai đầu tư xậy dựng cảng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ nhằm phát huy hiệu quả lợi thế vùng, tương hỗ trong việc phát triển cảng biển khu vực.

Về đánh giá tác động môi trường, TP sẽ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định pháp luật về môi trường trong bước lập chủ trương đầu tư dự án (báo cáo tiền khả thi), dự án đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu khả thi), đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…

Cũng theo đồng chí Trần Quang Lâm, đến nay, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình thẩm định quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất vùng nước cảng biển TP và đề án, để sớm trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến quý 3/2024, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang lại lợi ích lớn cho đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO