Cần tính 'minh bạch' của nông sản Việt

Trúc Giang| 11/03/2023 07:22

Để sản phẩm thực sự sống bền với thị trường và ngày càng phát triển, yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Có một dạo, không biết cái tin đồn “ăn cá kèo bị ung thư” từ đâu rộ đến, làm hàng ngàn nông dân đang nuôi và đánh bắt cá kèo hoang mang. Một cái tin tự nhiên ở đâu đó sa xuống, lúc đầu nhẹ như không (bởi nó kỳ quặc và quá vô lý) vậy mà lần hồi đe dọa trực tiếp đến những người bắt cá tự nhiên, người nuôi cá thương phẩm, người nuôi cá giống, người bán thức ăn cho cá và cả những thương lái. Đằng sau họ là gia đình, là việc học hành, khám chữa bệnh… Một tin đồn bỗng trở thành một mối nguy cho rất nhiều người.

Lao đao vì thiếu minh bạch

Trước đó, “ăn bưởi gây ung thư” rộ lên khiến nhà vườn điêu đứng, hóa ra cũng chỉ là sự bất cẩn của một số người làm báo. Họ bị sai lầm do thiếu cẩn thận, thành ra có tội với bà con trồng bưởi cả nước.

Rồi lại có chuyện cá tra, cá basa Việt Nam bị xếp oan uổng vào “danh sách đỏ” do được nuôi bằng thực phẩm và nguồn nước không đảm bảo an toàn - một điều hoàn toàn thiếu thực tế. Dù với sự đấu tranh quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc xếp loại bất hợp lý này đã bị dỡ bỏ nhưng không ai chắc sẽ không còn những hình thức “đánh hội đồng” tương tự. Hay có lúc tôm sú nước ta bị cho là có dư lượng chất kháng sinh; thịt heo có thuốc tăng trọng… cũng làm lao đao không chỉ nông dân mà cho cả một số ngành sản xuất, chế biến…

Hoặc ngược lại, một số loại rau quả dù được sản xuất theo quy trình và được đóng dấu bảo đảm tiêu chuẩn nhưng lại bị người tiêu dùng nghi ngờ về độ an toàn và nguồn gốc, khiến một số người sản xuất không mạnh dạn đầu tư sản xuất “sạch”... Sau các sự việc đó, nhiều người lo lắng về các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng nông sản Việt, đồng thời cũng có người nghi ngờ có một âm mưu nào đó của một số kẻ bất chính tìm cách trục lợi, khiến cả người làm ăn đàng hoàng cũng bị vạ lây.

Xâu chuỗi các sự kiện đó lại, có thể thấy rằng, có sự thiếu minh bạch về các nông sản của Việt Nam. Trừ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với quy mô lớn, đòi hỏi quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng nghiêm ngặt; phần đông bà con nông dân nuôi, trồng còn theo tập quán, thiếu các thông số khoa học về dinh dưỡng, vệ sinh, môi trường…, theo sự trồi sụt của thị trường, không được hướng dẫn phải làm như thế nào, mà bản thân các “tiêu chuẩn” cũng chưa thống nhất nhau (như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật… chưa khớp hoàn toàn với tiêu chuẩn của Việt Nam). Có khi, do trúng mùa, thương lái ép giá bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn cao ngất để giảm giá; lúc “hút hàng”, họ lại mua dễ dãi khiến người nông dân cũng không chú tâm đến việc phải đảm bảo chất lượng. Đến khi người tiêu dùng phản ứng, tất cả lại “đổ” về cho nông dân gánh đủ. Rõ ràng, nông dân đang tự “bơi” với đầy các yếu tố rủi ro.

Tức là, khi bất ngờ có thông tin nói rằng nông sản X, nông sản Y không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi/trồng không đảm môi trường, chưa phù hợp về quy chuẩn gắn với một thị trường cụ thể… thì gần như không ai có thể trả lời ngay rằng điều đó có hay không. Vì vậy, khi bị nghi ngờ oan, bản thân nông dân và các cơ quan chức năng luôn phải mất nhiều thời gian để minh oan.

Giá chưa tương xứng với các tiêu chuẩn

Ngay cả khi nông dân cố gắng thực hiện các tiêu chuẩn như VietGAP hay GlobalGAP thì quyền lợi của họ cũng không được đảm bảo. Bởi, việc giám sát thực hiện các quy trình đôi khi còn lỏng lẻo, hay xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” khi có những kẻ mạo danh các “gap”, các tiêu chuẩn sạch để lừa đảo, và nhất là dù cố gắng theo tiêu chuẩn nhưng việc bao tiêu đầu ra theo một mức giá hợp lý không phải lúc nào cũng được đáp ứng… Đó là trường hợp của một vài loại rau vốn sản xuất trôi nổi nhưng được “hô biến” thành các loại “gap” để lọt vào siêu thị mà nhiều người cho rằng, có sự trộn lẫn các loại sản phẩm hoặc lập lờ về cách xác định “gap”.

Từ năm 2002, ngành khuyến nông đã đưa ra áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” trong canh tác lúa (giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm và giảm phun thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế) thì việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu được đặc biệt quan tâm. Cùng mục đích giảm chi phí (trong đó có việc giảm sử dụng chất hóa học), tăng hiệu quả cây trồng, ngành khuyến nông cũng đã đưa ra chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (gọi tắt là IPM). IPM (Intergrated Pest Managerment) là chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, là một hệ thống điều khiển dịch hại bằng cách sử dụng hài hòa những biện pháp kỹ thuật thích hợp trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng hợp lý để giữ cho chủng quần dịch hại luôn ở dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Nhưng sự tham gia của nông dân không thực sự nhiệt tình, bởi áp dụng các quy trình này thường đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn, vất vả hơn nhưng chưa chắc nông sản bán ra có được mức giá tương xứng.

Mô hình trồng nông sản sạch theo chuẩn VietGAP - Ảnh: Internet

Hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta đang khuyến khích thực hiện Chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Với mục tiêu này, hiện nhiều địa phương tập trung phát triển một sản phẩm nông nghiệp đặc thù theo điều kiện và lợi thế so sánh của địa phương mình. Để sản phẩm đó thực sự sống bền với thị trường và ngày càng phát triển, yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm chất lượng và an toàn với người tiêu dùng.

Vì vậy, với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường (cả trong và ngoài nước), cần thiết phải “chuẩn hóa” các yêu cầu về môi trường, cách nuôi, thức ăn/phân bón cho các vật nuôi/cây trồng, cũng như về dinh dưỡng, độ an toàn… của các nông sản. Những điều đó tạo ra sự minh bạch không chỉ cho các loại nông sản hay cho ngành nông nghiệp mà chính là cho nền kinh tế nước nhà. Dĩ nhiên, đây là hoạt động mang tính liên tục, bền bỉ và thông qua nhiều hình thức, để không chỉ tác động đến nông dân mà còn các doanh nghiệp nông nghiệp và cả các nhà quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tính 'minh bạch' của nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO