Tài chính

Cần chế tài nghiêm ngặt siết sở hữu chéo ngân hàng của các "ông chủ lớn"

Vân An 07/12/2024 09:55

Các chuyên gia cho rằng cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để nhận diện sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, gây rủi ro cho hệ thống tài chính.

so-huu-cheo-2.jpg

Rủi ro từ sở hữu chéo có tính chất thao túng

Tại Hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” vừa diễn ra, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng thời gian vừa qua không phải là hiếm. Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung loạt quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là khâu thực thi, giám sát.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, ở Việt Nam, tình trạng nhờ "đứng tên hộ" của các ông chủ thực sự ngân hàng đã trở thành "bệnh" và các cơ quan chức năng đang phải đau đầu đối phó, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu lực của Luật.

Trong một số thời kỳ, ước đoán có tới nhiều hơn một nửa số ngân hàng cổ phần là chỉ do một số ít cá nhân sở hữu chi phối. Trong khi nhiều người giàu nhất trên sàn chứng khoán không phải là chủ ngân hàng.

truong-thanh-duc.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tại Việt Nam, cổ đông có thể lách quy định sở hữu vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng bằng việc nhờ đứng tên hộ. Điều tra tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng không khó. Nếu các cơ quan chức năng muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cũng cho biết, có một thực tế là nhân viên vì sức ép của lãnh đạo mà phải chấp nhận đứng tên thay cho sếp ở công ty sân sau. Một công ty sân sau như vậy thông thường sẽ có 2 Hội đồng quản trị. Người lãnh đạo thực sự là ông chủ ngân hàng nhưng nhân viên đứng tên làm nhiệm vụ ký thay, không có quyền quyết định, dẫn tới hệ lụy pháp lý rất lớn.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho hay, các tập đoàn tài chính lớn tại Việt Nam sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch, vô cùng khó kiểm soát. Hiện tượng tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống tài chính. Nhiều tổ chức tín dụng ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để kiểm soát đúng ngọn nguồn sở hữu chéo. Cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn dòng tiền cho vay sân sau của các ông chủ nhà băng.

nguyen-ba-kien.jpg
Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes điều phối phiên thảo luận.

Cần mạnh tay với sai phạm

Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hòe dẫn báo cáo của NHNN tại kỳ họp 3, Quốc hội XV, thống kê cho thấy, tổng tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn Việt Nam gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính. Một số tổ chức tín dụng có số cổ đông, tỷ lệ sở hữu tập trung cao. Nhiều khó khăn về thông tin trong việc nắm bắt, kiểm soát sở hữu chéo...

Theo ông Phạm Xuân Hòe, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh. Cho nên nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.

pham-xuan-hoe.jpg
Ông Phạm Xuân Hòe thu thập và phân tích số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhận được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.

Trái lại, ở Việt Nam tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ “đặc thù” của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, do các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt ở Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Có thể đưa ra chế tài nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại 3 lần thì phải rút giấy phép. Cần mạnh tay xử phạt một vài ngân hàng sai phạm để làm gương cho toàn thị trường.

ts-hieu.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng.

PGS Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, các công cụ quản lý tài chính của Mỹ đang thực thi tốt, nhưng công cụ quản lý tài chính luôn biến đổi bởi thị trường, luôn đi trước cơ quan quản lý. Do đó, Mỹ cũng gây ra những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và không có cơ chế quản lý nào là hoàn hảo.

Theo PGS Đào Hùng, nếu chính sách không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không thực hiện được, họ sẽ có đối sách để "lách". Chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật các tổ chức tín dụng lần này, đặc biệt là về việc sở hữu chéo. Tuy nhiên, nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thì chưa đủ mà cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm. Cần nâng cao vai trò của hội đồng quản trị, trong đó có vai trò của các thành viên độc lập.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng Luật Tổ chức tín dụng 2024 có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.

Ông Nghĩa đề xuất, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến một năm. Không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ sở hữu. Cơ quan quản lý cần phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay Luật Tổ chức tín dụng 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài nghiêm ngặt siết sở hữu chéo ngân hàng của các "ông chủ lớn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO