Các nhà thầu bàn cách xử lý nợ đọng trong xây dựng

Đức Minh| 18/08/2022 15:38

KHPTO - Nếu tình trạng nợ đọng kéo dài, không giải quyết được thì trong khoảng từ 5 - 7 năm tới, doanh nghiệp ngành xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần luật hóa các chế tài để đưa ra trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong và ngoài ngân sách. Từ đó, đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư.

Ngày 18/8 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức hội thảo "Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị và giải pháp".

Sự kiện được kỳ vọng sẽ chuyển tải tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo của nhiều đơn vị, nhà thầu xây dựng trước những khó khăn về tình trạng nợ đọng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà thầu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch (VACC) cho rằng, nếu tình trạng nợ đọng kéo dài, không giải quyết được thì trong khoảng từ 5 - 7 năm tới, doanh nghiệp ngành xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần luật hóa các chế tài để đưa ra trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong và ngoài ngân sách. Từ đó, đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư.

Hiện nay, còn có thực trạng là các doanh nghiệp xây dựng sợ thực hiện dự án đầu tư công do giá nguyên vật liệu tăng nhanh và vấn đề thu hồi công nợ. Vì vậy, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm dự án nước ngoài hoặc làm thầu phụ cho dự án FDI. Bởi lẽ, các công trình xây dựng có vốn FDI ở Việt Nam đều có trách nhiệm pháp lý rõ ràng và trách nhiệm thanh toán sòng phẳng, nghiêm chỉnh. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp xây dựng cũng phải tự đổi mới để có đủ năng lực tài chính, đội ngũ kỹ thuật..


Các nhà thầu xây dựng bàn cách tháo gỡ khó khăn về tồn động nợ. Ảnh: BXD

Ông Hoàng Trung Kiên - Phó giám đốc kinh doanh Tập đoàn Cienco 4 cho biết, hiện các nhà thầu làm xong công trình thì hầu như trong tình trạng phải chờ khoản tiền công trình chưa được thanh toán. Các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để.

Hiện tại, tổng nợ đọng của doanh nghiệp này là 187 tỷ đồng; trong đó, điển hình là Cầu Đông Trù bị nợ 22,5 tỷ đồng, cầu Vĩnh Tuy nợ 6,5 tỷ đồng, cầu Hòa Trung nợ 74,2 tỷ đồng, gói J3 Bến Lức - Long Thành nợ 19,7 tỷ đồng... Vốn có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, song vị lãnh đạo của tập đoàn này cũng cho biết, đối với một số trường hợp, tập đoàn đã đồng ý cắt giảm lợi nhuận để thương lượng nhưng chủ đầu tư nhiều lần đưa ra các đề nghị vô căn cứ nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán.

"Quá trình thương lượng diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn không thể thu hồi được nợ. Cuối cùng, doanh nghiệp phải đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp", đại diện bộ phận pháp lý tập đoàn này, chia sẻ.

Theo đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn, nợ đọng của doanh nghiệp chủ yếu diễn ra ở các dự án, gói thầu đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ... Nợ đọng không chỉ 5 năm gần đây mà có những khoản nợ kéo dài trên 10 năm.

Do sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao; chủ đầu tư chiếm dụng vốn, chây ì trong việc trả nợ. Đặc biệt công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài vướng mắc, chồng chéo các thủ tục...

Trước tình trạng này, ông Vũ Xuân Thắng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí COMA đề xuất, một công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng thì tất cả các công việc của dự án đó phải được coi như đã hoàn thành và phải được thanh toán.

"Bên cạnh đó có quy định và thực hiện nghiêm sau 1, 2 hoặc 3 năm (tùy cấp độ và quy mô vốn) kể từ ngày bàn giao công trình phải phê duyệt xong quyết toán. Không phê duyệt xong thì phải thanh toán cho nhà thầu còn phê duyệt sau đó là trách nhiệm của các bên liên quan", ông Thắng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà thầu bàn cách xử lý nợ đọng trong xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO