Đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng tham gia đoàn vào Khánh Hoà. Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế vào Khánh Hòa theo sự chỉ đạo của bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết thêm ông đã trao đổi với Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Khánh Hòa tập trung cao độ nhân lực, trang thiết bị, thuốc và phương tiện… để điều trị, chăm sóc cho các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Vụ ngộ độc thực phẩm đã khiến hàng loạt học sinh trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang phải nhập viện rải rác trong những ngày qua.
BS Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện 22/12 ở Nha Trang, thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Ngay từ ngày 18/11, khi nhận được thông tin ban đầu về vụ việc, qua đường dây nóng, Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã trao đổi với Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa để nắm bắt tình hình, đồng thời đề nghị ngành y tế tỉnh tập trung công tác chăm sóc, điều trị các trường hợp học sinh bị ngộ độc.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đã yêu cầu Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trao đổi, hỗ trợ các cơ sở y tế của Khánh Hòa về chuyên môn điều trị qua hệ thống hội chẩn telehealth.
Trong trường hợp ngành y tế Khánh Hòa cần hỗ trợ trực tiếp nhân lực và phương tiện, thuốc phục vụ điều trị, thì báo cáo ngay với Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh), để Cục báo cáo Lãnh đạo Bộ điều động chuyên gia đến hỗ trợ.
Theo công văn của trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang gửi Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đến ngày 20/11, ghi nhận của nhà trường, có 476 học sinh và 19 thầy cô giáo đã vào thăm khám, điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Trong đó, 209 học sinh, 7 thầy cô vẫn phải tiếp tục điều trị và nhiều trường hợp tái nhập viện.
Do đó, lãnh đạo nhà trường đã đề nghị các cơ quan y tế tăng cường tối đa nguồn lực trong xử trí và điều trị các trường hợp ngộ độc.
Đến nay, trong số các trường hợp bị ngộ độc phải nhập viện đã có 1 trường hợp tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện tuyến trên.
Cũng liên quan đến vụ ngộ độc này, ngay từ ngày 18/11, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức cấp cứu, điều trị đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Đồng thời cần tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc: Tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Cần xử lý nghiêm nếu có các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục An toàn Thực phẩm cũng yêu cầu đình chỉ hoạt động tạm thời bếp ăn trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang cho đến khi có kết quả điều tra xác định nguyên nhân và chỉ được hoạt động trở lại khi đã đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thông tin ban đầu, từ các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ điều trị đánh giá ngộ độc thực phẩm thường gặp là do nhiễm khuẩn Salmonella, hoặc nhiễm độc khối tụ cầu, cũng có thể ngộ độc do hóa chất, chất bảo quản, thuốc trừ sâu. Có thể, nhiều khả năng các học sinh trường Ischool Nha Trang do nhiễm Salmonella.
Trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Khoa học Phổ thông vào tối 21/11/2022, BS Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện 22/12 (Nha Trang) cho biết, sau khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng hơn 200 học sinh. Đến nay, còn 50 cháu đã ổn định và đang được các bác sĩ của Bệnh viện 22/12 tiếp tục theo dõi và điều trị sát. “Chúng tôi đã trao đổi từ xa, qua điện thoại với các bác sĩ chuyên gia đầu ngành thuộc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Còn đoàn bác sĩ từ TP.HCM ra là nhóm bác sĩ thuộc Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Tối nay và ngày mai, chúng tôi đón đoàn của Bộ Y tế vào,” BS Hòa cho biết. |