Dòng chảy

Bộ Nội vụ đánh giá cao phương án sắp xếp đơn vị hành chính của TP.HCM

Song Hòa08/04/2024 - 16:22

Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất phương án sắp xếp của TP và cho đây là phương án tối ưu nhất, gắn với đặc thù của TP, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị xã hội.

quang-canh.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Ngày 8/4, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ và bộ, ngành Trung ương làm việc với UBND TP.HCM về dự thảo Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM.

Đoàn lãnh đạo Bộ Nội vụ có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Tiếp đoàn có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM; cùng lãnh đạo các sở ngành thành phố.

Báo cáo về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết TP.HCM thực hiện sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận trong giai đoạn 2023-2030, giảm 39 phường.

Theo bà Thắm, TP.HCM đã xây dựng 38 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn 10 quận có liên quan. Trong đó có sáu phương án sáp nhập nguyên trạng ba phường thành một phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng hai phường thành một phường và chín phương án điều chỉnh địa giới ĐVHC để thành lập phường mới.

Một số vấn đề phát sinh khi thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC được TP.HCM nêu tại buổi làm việc là do đặc thù các ĐVHC trên địa bàn TP có diện tích tự nhiên rất nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn.

Nói rõ hơn về việc một số phường phải điều chỉnh địa giới ĐVHC để thành lập phường mới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP quyết tâm mọi cách để bàn phương án sắp xếp, nhất là các phường có dân số lớn nhưng không đạt tiêu chí về diện tích.

Theo ông Hoan, ngoài xem xét các yếu tố đặc thù chung theo Nghị quyết 35/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì TP còn xem xét các yếu tố đặc thù của mỗi quận. Do đó, TP sắp xếp tối đa 10 phường trên mỗi quận, dựa trên việc phân bổ dân số, bố trí cơ sở hạ tầng trường học, y tế, văn hoá, giáo dục…

Ông Hoan cho biết có trường hợp “một ĐVHC lại nhận nửa này nửa kia”, tức nhận thêm một phần diện tích, dân số của một phường khác để tạo thành một ĐVHC mới cũng là nhằm đảm bảo phân bổ đều về dân số, hạ tầng, cơ sở vật chất.

Từ những khó khăn, UBND TP.HCM đề xuất Bộ Nội vụ xem xét và chấp thuận cho TP tiến hành rà soát xây dựng phương án tổng thể cho cả 2 giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 và triển khai, thực hiện sắp xếp chung 1 lần trong giai đoạn hiện nay.

chutich.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ công tác sắp xếp các ĐVHC được TP rất tập trung lãnh đạo; MTTQ, các đoàn thể cũng các cấp ủy và hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc trong việc triển khai quán triệt. Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho rằng, với những vấn đề quy mô rất lớn và có những đặc thù TP đã cân nhắc rất kỹ và đề xuất các phương án xin Bộ trưởng thống nhất để TP tiếp tục chuẩn bị và sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, dù khối lượng công việc hơi lớn so với một số địa phương khác, nhưng TP sẽ cố gắng đảm bảo tiến độ chung, cố gắng đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ trình. Những vấn đề vướng mắc từ tâm lý, tư tưởng, sắp xếp cán bộ, tài sản, kinh phí, trong thẩm quyền TP sẽ tập trung giải quyết và đảm bảo tiến độ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp Trung ương trên địa bàn, TP sẵn sàng nhận và cộng đồng trách nhiệm với các cơ quan Trung ương. Hiện TP đang khởi động xây dựng đề án nền công vụ TP hiệu lực, hiệu quả, đây là thay đổi rất lớn để có thể thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết 31 Bộ Chính trị đề ra. TP đề nghị Bộ Nội vụ sẽ vào cuộc cùng với TP ngay trong giai đoạn chuẩn bị này và TP sẽ mời thêm một số bộ, ngành, như Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành kể cả các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị đề án này và TP đánh giá Nghị quyết 98 là một phần trong đổi mới về mặt thể chế, nhưng đề án này sẽ là đột phá rất lớn về tổ chức bộ máy, con người và cả thể chế.

Về CCHC, TP cũng tập trung cố gắng mục tiêu đến sau năm 2025 sẽ chuyển những hoạt động cơ bản của nền hành chính lên nền tảng số. Hiện TP đang hoàn thiện kiến trúc chính quyền số, rà soát lại hạ tầng, đang rà soát các dữ liệu, quy chế và sẽ có tập huấn, khi đạt chuẩn rồi sẽ thực hiện tốt, hiệu quả.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, TP năm 2023 đã bứt phá và đã vượt qua khó khăn chung của đất nước, khó khăn của TP đạt được kết quả tích cực, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế. Kết quả đạt được thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực rất lớn của TP.

Về sắp xếp ĐVHC, Bộ Nội vụ đánh giá chung TP.HCM đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, khẩn trương gắn với các Nghị quyết của Trung ương. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận, đây là việc khó khăn thách thức, nhạy cảm, tác động rất nhiều chiều và khá phức tạp, liên quan không chỉ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hệ thống chính trị và các đối tượng trực tiếp tác động, mà còn cả cộng đồng dân cư…

Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất phương án sắp xếp của TP và cho đây là phương án tối ưu nhất, gắn với đặc thù của TP, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị xã hội. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, TP.HCM tiếp tục rà soát để xem xét tất cả các vấn đề có liên quan để triển khai một cách đồng bộ, gắn với việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, với việc khôi phục kinh tế xã hội, thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Nội vụ đánh giá cao phương án sắp xếp đơn vị hành chính của TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO