Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên và các giải pháp thích ứng

Anh Thư| 02/12/2015 16:02

(KHPT) Nhóm nghiên cứu Y Ghi Niê, Huỳnh Duy Thanh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đắk Lắk cho biết, không nằm ngoài sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình gần đây ở Tây Nguyên cao hơn rõ rệt, nhất là vào các tháng mùa mưa (tháng 5 - 10), nhiệt độ trung bình năm phổ biến cao hơn từ 0,50C đến 0,80C; trong các tháng mùa hè, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn 0,230C đến 0,70C. Điều này khẳng định sự tăng của nhiệt độ xảy ra ở tất cả các vùng ở Tây Nguyên, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè rõ rệt.

Biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu ở Tây Nguyên

Nhiệt độ tăng cũng là nguyên nhân làm tài nguyên nước suy giảm, tài nguyên nước mặt (chỉ xét đến lượng nước hiện hữu trên các sông suối điển hình như Sê San, Sêrêpôk, sông Ba và Đồng Nai) đã giảm dần, từ lưu lượng 173.863,54 lít/giây của những năm 2004 - 2005 xuống còn trên dưới 127.000 lít/giây hiện nay. Sự phân bổ không đồng đều của lượng mưa theo không gian và thời gian, nơi có lượng mưa hàng năm lớn hơn 3.000 mm như Kon Plong (Kon Tum), thượng nguồn sông Hinh (Đắk Lắk) và nơi có lượng mưa chỉ trên dưới 1.500 mm như Krông Buk, EaSúp... thì sự chênh lệch lưu lượng nước ở đỉnh lũ lớn nhất với lưu lượng kiệt nhỏ nhất là rất cao.

Mặt khác, những năm gần đây, rừng Tây Nguyên bị chặt phá nghiêm trọng, cộng với những yếu tố bất lợi như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của thời tiết làm cho lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, Tây Nguyên là nơi thượng nguồn của ba hệ thống sông lớn (Sêrêpôk - Sê San nằm ở phía tây bắc và sông Đồng Nai ở phía nam), người dân tận lực khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới tiêu (cà phê, hoa màu...) khiến mực nước dưới lòng đất không ngừng bị hạ thấp, dẫn đến quá trình sản xuất tại các vùng hạ lưu gặp khó khăn.

Ngoài lượng mưa hàng năm có xu hướng ít đi, do mùa khô kéo dài, thì tình trạng mất rừng và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt trên thành tạo địa chất, mà cụ thể là trên đất (vì mục đích quy hoạch trồng hoa màu, cây công nghiệp và nhiều dự án nông, lâm nghiệp khác) đã làm cho mực nước ngầm sụt giảm.

Mới đây, khảo sát của Đoàn địa chất 704 cho thấy một số vùng như ở huyện Krông Pắk, Lắk, Krông Buk và vùng phía đông Buôn Ma Thuột,... mực nước ngầm tiềm năng không còn nhiều như 5 năm trước. Ví dụ, vùng Krông Pắk, Lắk... năm 2004 có thể khai thác tối đa 0,4 - 0,6 triệu m3/ngày, thì nay còn chưa đầy 0,4 triệu m3/ngày.

Diễn biến thời tiết ở Tây Nguyên đang ngày càng có xu thế cực đoan hơn. Thiên tai xảy ra thường xuyên; lũ lụt, lũ quét vào mùa mưa; hạn hán, nắng nóng vào mùa khô; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc xoáy, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường hơn. Sự gia tăng biên độ nhiệt, độ ẩm ngày đêm, khiến một số nơi đang mất dần tính ôn hòa vốn có của nó.

Trong một vài tháng của mùa khô, hiện tượng nhiệt độ tăng cao, gây nắng nóng hơn bình thường đã xuất hiện ở một vài nơi. Sự phân bố lượng mưa theo không gian và thời gian cũng có những dấu hiệu thay đổi. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hiện tượng mưa lớn gia tăng khiến lũ quét xuất hiện nhiều hơn.

Cần đồng thời tiến hành các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ

Nhóm nghiên cứu cho rằng, để giảm nhẹ sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai gây ra, Tây Nguyên cần tiến hành đồng thời giải pháp thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là chủ yếu. Cụ thể, cần thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc quản lý bảo vệ nguồn nước: để có cơ sở thích ứng với BĐKH cần phải nghiên cứu, đánh giá sự tác động của BĐKH đến tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt; đánh giá công năng và tình trạng hoạt động của công trình thủy lợi lớn và nhỏ, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nâng cấp, bổ sung các công trình này để phù hợp với hoàn cảnh của BĐKH; xây dựng các hồ chứa đa mục đích để sử dụng một lượng nước nhất định vào nhiều đối tượng khác nhau.

Tây Nguyên cũng là nơi thượng nguồn của ba con sông lớn nên cần có các chiến lược bảo vệ nguồn nước ngay ở thượng nguồn; có kế hoạch cân đối nguồn cung và nhu cầu nước theo từng vùng canh tác; trong sinh hoạt cần phải định mức sử dụng nước và giá nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nghiên cứu đưa ra biện pháp kỹ thuật tưới tiêu cho nông nghiệp nhằm giảm thất thoát cũng như tiết kiệm nước.

Giải pháp tiếp theo là điều chỉnh quy hoạch đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời vụ phù hợp với hoàn cảnh BĐKH: trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt. Sử dụng các giống kháng, chịu hạn (cà phê, lúa, bắp...), các loại giống ra hoa nhiều lần, bộ giống cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, tránh lũ.

Tăng cường đa dạng sinh học trên vườn cà phê như trồng cây che bóng, cây ăn trái, cây đai rừng sẽ là giải pháp thích ứng với BĐKH hiệu quả do hệ thống cây trồng này có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong việc điều hòa vi khí hậu, hạn chế bốc thoát hơi nước trên bề mặt đất và lá, cung cấp hữu cơ, cải tạo đất, hạn chế xói mòn và rửa trôi đất, giúp sản xuất cà phê bền vững hơn.

Tưới nước tiết kiệm hợp lý cho cây trồng cũng là giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với sự BĐKH ở Tây Nguyên. Chuyển một số diện tích đất trồng điều ở các vùng có điều kiện khí hậu bất thuận, sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn như sắn, khoai lang, khoai môn, là những loại cây có khả năng thích ứng cao với sự BĐKH và từng bước thay đổi khẩu phần lương thực từ gạo là chủ yếu sang một phần các loại củ để giảm áp lực về an ninh lương thực trong tương lai.

Nhà nước, ngay từ bây giờ nên đầu tư một nguồn kinh phí thỏa đáng và mang tính chiến lược cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong việc chọn tạo giống kháng, chịu hạn; giống kháng sâu bệnh (giống lúa thuần VN21 đang khảo nghiệm trên Đắk Lắk); nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ tổng hợp đối với từng loại cây trồng, trên từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng cao với BĐKH, trước mắt ưu tiên tập trung nghiên cứu canh tác cà phê thích ứng với BĐKH, vì đây là loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, song lại có nhu cầu sử dụng nước với khối lượng lớn, trung bình cần 400 - 500 m3 nước để sản xuất được 1 tấn cà phê nhân.

Các giải pháp khác là tiết kiệm năng lượng, khai thác nguồn năng lượng mới; bảo vệ và phát triển rừng; chủ động phòng tránh các thiên tai do thiên nhiên gây ra.

Hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên trong mùa khô 2015 - Ảnh: T.L

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên và các giải pháp thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO