Giáo dục

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM đổi mới hình thức giao ban, quán triệt công tác tuyên truyền miệng

Công Chương 11/07/2024 - 07:31

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Tuyên giáo quý II năm 2024 và quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 17/5/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

duk_dh_cd_tphcm_6.jpg
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm tại khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò.

Ngày 9/7, tại Khu truyền thống Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM), Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM (Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM) đã tổ Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo Quý II năm 2024 và quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 17/5/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

duk_dh_cd_tphcm_16.jpg
Bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Về kết quả hoạt động công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2024, bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối cho biết, các đơn vị trong Khối đã triển khai thực hiện tốt chương trình công tác tuyên giáo đề ra; luôn bám sát và thực hiện tốt các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Khối; quan tâm theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng; giao ban, triển khai công tác năm 2024, tham mưu tổ chức Hội nghị học tập chuyên đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tâm huyết trong xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” năm 2024; tổ chức tập huấn công tác khoa giáo, kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh báo chí phục vụ công tác tuyên truyền; tham mưu phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn thành phố hiện nay”…; kịp thời định hướng, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ dư luận xã hội của Đảng bộ Khối và cấp ủy cơ sở, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các đơn vị cơ sở qua kênh thông tin dư luận xã hội, tạo sự phấn khởi và niềm tin cho người lao động; chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo ở cơ sở.

Chủ động ký kết liên tịch với Bảo hiểm Xã hội TP.HCM trong công tác tuyên truyền pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên và người lao động thuộc Khối. Tổ chức Hội thi tìm hiểu về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố năm 2024, tổ chức Hội thảo “Vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong việc thực hiện chính sách BHYT cho HSSV”; Phối hợp với Hội Cựu Chiến binh Dân -Chính -Đảng Thành phố tổ chức giao lưu tiếp lửa truyền thống cho 500 sinh viên các trường trong Đảng bộ Khối Đại học, Cao đẳng Thành phố với chủ đề “Tự hào và Tiếp bước” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và trao tặng 30 suất học bổng cho sinh viên vượt khó …

Về các nội dung công tác 6 tháng cuối năm 2024, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trong Khối Đại học, Cao đẳng Thành phố; khẳng định những thành tựu của Đảng và Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước; Gắn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024 của đất nước, thành phố với tuyên truyền Chủ đề năm 2024 của thành phố “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”; Chủ động nắm chắc, dự báo sát tình hình tư tưởng; kịp thời xử lý thông tin và định hướng tư tưởng, dư luận gắn với giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên của cơ quan, đơn vị, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh; kịp thời phản bác, đấu tranh với các thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các luận điệu sai trái, thông tin xấu độc, không đúng sự thật; đảm bảo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng và đồng thuận xã hội.

duk_dh_cd_tphcm_11.jpg
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM Nguyễn Thị Là phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM Nguyễn Thị Là đánh giá cao vai trò tham mưu của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối trong việc lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng; hoạt động công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả khích lệ. Đồng thời, bà Là yêu cầu cấp ủy các đơn vị tiếp quan tâm thực hiện thường xuyên công tác nắm bắt tình hình tư tưởng tại đơn vị, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo năm 2024 về công tác tuyên giáo, đẩy mạnh công tác truyền thông theo các kênh phù hợp.

duk_dh_cd_tphcm_13.jpg
Bà Hồ Thị Thủy, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trình bày báo về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Hội nghị đã nghe bà Hồ Thị Thủy, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM báo cáo, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 17/5/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, bà Hồ Thị Thủy cũng đánh giá cao việc đổi mới việc đổi mới hình thức tổ chức giao ban công tác tuyên giáo của Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM gắn với các địa điểm lịch sử cách mạng. Điều này làm cho các buổi sinh hoạt giao ban sinh động và gắn kết nhiều hơn.

duk_dh_cd_tphcm_19.jpg
Đoàn đại biểu đã dâng hương tại khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò.

Trước khi diễn ra hội nghị, Đoàn đại biểu đã dâng hương tại khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò và dâng hoa, nghe thuyết minh tại Khu truyền thống Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. Nhiều thành viên trong đoàn đánh giá cao đợt sinh hoạt lần này, đồng thời cho rằng mặc dù sinh sống, làm việc tại TP.HCM nhưng đây là lần đầu mới đến khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò và Khu truyền thống Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

duk_dh_cd_tphcm_17.jpg
Đoàn đại biểu dâng hoa tại Khu truyền thống Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968.
duk_dh_cd_tphcm_18.jpg
Đoàn đại biểu nghe giới thiệu tại Khu truyền thống Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968.

Trong những năm đầu Nam Bộ kháng chiến, địa danh Láng Le - Bàu Cò thuộc Căn cứ Vườn Thơm đã nổi tiếng khắp miền Đông Nam Bộ với thắng lợi của trận chống càn bảo vệ căn cứ kháng chiến và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Đặc biệt là, trận chống càn ngày 15/4/1948, Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh, Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái, Trung đoàn 312, cùng các chiến sĩ Quốc vệ đội, dân quân du kích của Trung Huyện đã đẩy lùi và bẻ gãy nhiều đợt tấn công càn quét quy mô lớn với gần 3.000 quân tinh nhuệ, thiện chiến của thực dân Pháp, có vũ khí tối tân, có xe lội nước, lội bùn, tàu chiến, súng đại bác và có cả máy bay yểm hộ...

Lực lượng của ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên, bắt sống 30 tên, phá hủy nhiều phương tiện quân sự, bảo vệ được Nhân dân, bảo vệ được căn cứ Tỉnh ủy Chợ Lớn và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Trận Láng Le - Bàu Cò khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành trong phối hợp tác chiến của các đơn vị vũ trang ở Nam Bộ. Tầm vóc của trận Láng Le - Bàu Cò tạo sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho chiến sĩ, đồng bào Trung Huyện.

Chiến công nối tiếp chiến công, mảnh đất Láng Le - Bàu Cò trở thành nơi hiểm hóc gây nhiều bất an cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Ngày 14 tháng 10 năm 1966, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dùng trực thăng đổ xuống vành đai Ấp 1, xã Tân Nhựt một tiểu đoàn Biệt động quân hiếu chiến. Hỗ trợ cho lực lượng này có máy bay phản lực, pháo binh, với ý đồ dùng lực lượng có số quân đông để áp đảo, tiêu diệt lực lượng có quân số ít hơn.

Tại nơi đây, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 Bình Tân đã làm nên chiến thắng oai hùng, tiêu diệt và làm tan rã Tiểu đoàn Biệt động quân, thu được 50 súng các loại, diệt 144 tên, bắt sống 8 tên. Quân ta từ thế bị tấn công chuyển sang thế chủ động tấn công, thắng lợi ở Láng Le - Bàu Cò một lần nữa gây tiếng vang lớn trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Làm bàn đạp tiến công của lực lượng cách mạng phía Tây Nam Thành phố, giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

duk_dh_cd_tphcm_8.jpg
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm tại khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò.

Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (tọa lạc trên diện tích 12ha tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM) được khánh thành vào ngày 9/10/2020, là nơi tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh hỗ trợ cho việc học tập, tham quan, nghiên cứu lịch sử cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Bình Chánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM đổi mới hình thức giao ban, quán triệt công tác tuyên truyền miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO