Đời sống

Bài học ăn từ ngọn…

Trúc Giang 05/02/2024 - 06:44

Ngày Tết rảnh rỗi nên ta hay lắng đọng với những chiêm nghiệm. Tôi cũng vậy, lan man với những ký ức, tôi nhớ đến một thói quen, một quan niệm sống mà tôi gọi là “ăn từ ngọn”.

xoai.jpg
Đồng Nai có nhiều loại cây trái

Định Quán quê tôi không nổi tiếng đặc sản như một vài địa phương khác của Đồng Nai nhưng độ giàu cây trái thì cũng không hề kém. Khoảng 30 năm trước, thuốc lá Định Quán – Tân Phú nổi tiếng khắp miền Nam nhưng bây giờ thì không còn. Bù lại, xứ này sau lại có rất nhiều loại trái cây, mãng cầu, chôm chôm, chuối, bưởi, quýt, sầu riêng, xoài, bơ, cam xoàn… Vườn nhà ba mẹ tôi cũng có rất nhiều loại trái cây, có loại trồng để bán, có loại trồng để ăn, có loại tự mọc nhưng cũng cho trái ngon ngọt năm này qua năm khác… Nhìn bề ngoài có chút gì đó giống vườn tạp, nhưng với ba tôi khi còn sống, khu vườn có nhiều loại cây trái là để chiều chuộng sở thích đa dạng của các con cháu, nhất là với gia đình chúng tôi vốn sống ở Sài Gòn…

Thưởng thức trái cây có thể theo mùa, theo các cách chế biến, theo sở thích… Mùa nắng vườn có chuối, đu đủ, mít…; đến mùa mưa thì có bơ, xoài, chôm chôm, thanh long, mãng cầu; cuối mùa mưa thì có bưởi, quýt… Có nhiều vườn làm trái vụ, giá bán cao nhưng năng suất thấp và thường phải tốn công, tốn nhiều phân thuốc. Không ăn trái chín thì chế biến thành các món. Đu đủ ngoài để chín vàng thì có thể ăn lúc vừa điểm, giòn giòn sựt sựt, hoặc nấu canh, làm gỏi, trộn mắm… Chuối có thể nấu chè, làm kem chuối, bánh chuối hoặc đơn giản là chuối nấu. Mít chín có thể làm kem, cock-tail, còn mít non luộc để làm gỏi (nộm) cũng rất hấp dẫn. Bơ chấm đường ăn rất ngon, còn cầu kỳ hơn thì làm salad, sinh tố. Bưởi ngoài ăn tươi còn có thể ép lấy nước hoặc làm gỏi; vỏ bưởi nấu chè… Tôi vốn thích những trái cây chín ngọt nên với trái như xoài thường ăn chín chứ không chuộng ăn sống chấm nước mắm đường, dù làm gỏi trộn khô cá lóc, cá sặc cũng rất ngon…

Tôi không sành ăn để có thể khái quát thành nghệ thuật ẩm thực về trái cây, chỉ biết rằng trái cây Đồng Nai giờ đây ít nhiều nổi tiếng khắp miền Nam, cả về độ phong phú và chất lượng quả. Chẳng hạn, bưởi Tân Triều xưa giờ vẫn là đặc sản, hay mãng cầu (na) Định Quán từng nức tiếng về độ dai và thơm ngon, hoặc chôm chôm Long Khánh cũng một thời có thể “đại diện” cho cây trái miền Đông… Có những thứ không chỉ ăn tươi mà còn được chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác ngon, độc đáo, có giá trị về mặt dinh dưỡng và ẩm thực…

Tôi lại có một chiêm nghiệm khác về thưởng thức cây trái của quê mình. Đó là bài học “ăn từ ngọn”.

Tại sao lại ăn từ ngọn mà không phải ngược lại? Trên thực tế, có một số loại cây trái, chất lượng không đồng đều nhau, phần “ngọn” thường nhạt hơn. Chẳng hạn, cây mía, bao giờ phần gốc cũng ngọt hơn. Trái đu đủ, phần gần cuống có vị nhạt hơn, ít đậm đà hơn so với phần còn lại. Trái mít cũng vậy, các múi gần cuống thường nhỏ hơn và không ngon bằng các múi phía dưới. Ngược lại, trái xoài thì phần gần cuống lại ngọt hơn… Cho nên, “ngọn” ở đây là chỉ phần ít ngon hơn trong cùng cây trái chứ không xác định rõ là phần nào cụ thể.

Tôi vốn lớn lên trong một gia đình nghèo. Người nghèo thường tự rèn cho mình tính lo xa, đúng câu mà ông bà đã đúc kết: Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn (trữ gạo để phòng khi có biến, giữ áo để phòng khi trời lạnh). Tôi cũng vậy, hay có tính “để dành”. Ba tôi hay nói: “Người chưa từng khổ thì không bao giờ biết sung sướng”. Vì vậy, trong nếp nhà, anh em chúng tôi thường có cách nghĩ và cách sống là “dở trước ngon sau”, “cực trước sướng sau”… Chẳng hạn, khi làm việc, thường cố gắng làm phần khó trước, vì lúc bắt đầu còn khỏe và hăng hái, có thể bắt tay vào làm việc khó ngay; sau đó đã xuống sức và uể oải rồi thì còn lại các việc dễ, sẽ ít thấy ngán. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng đúng, nhưng chúng tôi thường thấy cách xử lý đó phù hợp với tính cách của mình hơn và cũng hợp lý với phần nhiều các hoạt động trong đời sống của mình.

Trong cách ăn cũng vậy. Chúng tôi thường ăn phần “ngọn” trước. Chẳng hạn, cây mía lúc ăn phần ngọn, có khi ăn cả đọt non như một loại rau nhàn nhạt chua chua, sau đó đó mới thưởng thức gần gốc ngọt đậm đà. Bằng không, nếu ăn phần gốc trước thì đến phần ngọn sẽ cảm thấy quá nhạt, không còn muốn ăn nữa. Trái xoài cắn từ phần đuôi trước, sau cùng mới ăn phần gần cuống, vị ngon ngọn và đầm đà như được tăng dần. Ngược lại, trái đu đủ thì ăn phần gần cuống trước, phần dưới ở chỗ phình ra thì ngon nhất thường được ăn sau. Trái mít khi xẻ ra thì ăn phần gần cuống trước, phần còn lại nếu chưa ăn ngay thì lấy lá chuối phủ lên mặt hôm sau ăn tiếp cũng không lo bị hư…

Ngay cả những thứ bị “xuống cấp” một chút thì cũng thường được ăn trước. Như trái đu đủ bị chim ăn một chút thì ưu tiên ăn chỗ đó, phần còn lại để dành bữa khác. Trái mít lỡ có chỗ bị hư thì sẽ cắt bỏ chỗ hư và ăn xung quanh phần đó trước, phần ngon hơn để dành bữa sau ăn. Đó hẳn không chỉ là tâm lý tiết kiệm mà còn là một cách sống, một cách ứng xử với cuộc đời…

Nhưng các con tôi sau này thì khác nhiều. Chúng chọn phần ngon ăn trước. Khi được góp ý thì chúng nói, “con đâu có ăn nhiều nên phải tận hưởng, chứ ăn như ba, phần ngon để dành lúc sau ngán chẳng muốn ăn, để lại thì bữa sau chẳng còn ngon nữa…” Xem ra suy nghĩ của giới trẻ cũng không hẳn không hợp lý! Phải chăng khi cuộc sống đủ đầy thì ta không còn tâm lý “để dành”, không còn cảm thấy cần vượt qua cái khó khăn trước? Có lẽ cách sống nào cũng tùy theo thực tế, không nên áp đặt, gò bó, quan trọng là mình thấy hài lòng và đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trong điều kiện cuộc sống hiện nay có lẽ quan niệm sống của tôi về “ăn từ ngọn” đã không còn phù hợp. Bây giờ là xã hội tiêu dùng, xã hội hàng hóa, có nhiều thứ không cần “để dành” nên có thức gì ngon thì cứ thưởng thức. Hay trong các công việc, cách xử lý khoa học là chia việc lớn thành các việc nhỏ, chia việc khó thành các việc dễ để thực hiện; trong nhiều trường hợp, việc giải quyết theo thứ tự nên không thể bắt đầu từ việc khó…

Dẫu vậy, thói quen “ăn từ ngọn” trong tôi vẫn còn nguyên vẹn và tôi luôn tự hào với “cách ăn” cây trái của mình, dù biết rằng trong điều kiện mới có khi cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Phải chăng đó là nếp nghĩ, cách sống của một người có tuổi?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học ăn từ ngọn…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO