Xuất khẩu lương thực phẩm sang Trung Quốc: Khó khăn và cơ hội
Ngành lương thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn nhưng theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm ITPC, về lâu dài, dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu là rất lớn.
Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” sáng 16/6, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong tháng 5 có một số điểm tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số IIP trên địa TP.HCM tăng 1,6% so với cùng kỳ...

Sản xuất công nghiệp ngành lương thực phẩm TP.HCM giảm 4,7%
Đối với ngành ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành này cũng đóng góp từ 14-15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của ngành này giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Điều này cho thấy ngành lương thực thực phẩm và đồ uống cũng đang đối mặt với khó khăn, thách thức do tác động từ tình hình kinh tế thế giới; các nước thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu; thị trường xuất khẩu của Việt Nam thu hẹp; giá nguyên nhiên liệu tăng. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam.

"Hiện nay, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam về thị trường xuất khẩu. Cụ thể trong Quý I, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%", ông Lữ thông tin cho biết.
Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…..
Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo khó khăn và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. Tuy ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn nhưng về lâu dài dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.
Nhập khẩu trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn
Ông Lương Văn Tài, Tùy viên Thương mại - Bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp Trung Quốc (2022-2031), năm 2021, tiêu thụ rau xanh của Trung Quốc đạt 561 triệu tấn, tăng 0.5%; tiêu thụ trái cây đạt 282 triệu tấn, tăng 2.5%; thủy sản đạt 68.88 triệu tấn, tăng 2.3%; đường ăn là 15.5 triệu tấn; sữa và sản phẩm sữa đạt 59.72 triệu tấn...; mỗi năm nhập khẩu hơn chục tỷ USD các mặt hàng này.

Nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm, dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và 14.98 triệu tấn. Tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương trong nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn lớn.
Theo ông Lương Văn Tài, đến nay Việt Nam có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng và chanh dây. Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm 2022 đạt 1.98 tỷ USD, tăng 34.4% so với năm 2021, chiếm 8.9% thị phần nhập khẩu rau quả nước này.
"Thanh long là loại trái cây chiếm tỷ trọng (giá trị và số lượng) lớn nhất trong các loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc và cũng chiếm gần 100% nhập khẩu thanh long của nước này từ bên ngoài.
Trong thời gian tới, sầu riêng dự báo sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các loại trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc", ông Tài cho biết.

Theo ông Lương Văn Tài, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại.
Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, ATVSTP (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa (thiếu chứng nhận hàng hóa, hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư, hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Ông Lương Văn Tài khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần coi trọng nội nhu và lấy tiêu dùng nội địa là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.