Đô thị

Xử lý nghiêm người giám hộ khi trẻ em lái xe, gây tai nạn

Hồng Ân 11/07/2023 - 16:19

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương tiện, độ chế tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Từ nhận định trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu tổng kết 6 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 107 vụ với 1.808 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng và tạm giữ 1.529 phương tiện.

Thời gian qua, công an đã xử lý hình sự 19 vụ với 114 đối tượng, trong đó gồm: 1 vụ tổ chức đua xe trái phép bắt giữ 2 đối tượng; 18 vụ gây rối trật tự công cộng với 112 đối tượng bị xử lý.

h-bo-truong-thang.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thưởng trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu tại hội nghị.

Ngày 11/7, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý III năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thưởng trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị địa phương, đặc biệt quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ theo quy định khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông.

Đồng thời, trong quá trình điều tra tai nạn giao thông, ngoài xác định nguyên nhân chính gây tai nạn, Bộ trưởng Thắng đề nghị xác định nguyên nhân thuộc thẩm quyền trách nhiệm của tập thể, cá nhân làm công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ có liên quan trong các vụ tai nạn giao thông.

h-hs-vi-pham-giao-thong.jpg
Học sinh, thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Internet 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thắng cũng đề nghị, trong quý III năm 2023, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, đạt được mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương ít nhất 5% so với năm 2022.

“Tập trung giải quyết 3 giải pháp cốt lõi, bao gồm về hạ tầng, phương tiện và con người. Từ đó, cần hoàn thiện nâng cấp hạ tầng giao thông, có giải pháp tác động vào phương tiện giao thông, và giáo dục ý thức tham gia giao thông một cách bền bỉ từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

h-diem-cau-tphcm.jpg
Điểm cầu TP.HCM tham gia báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa năm về trật tự an toàn giao thông ngày 11/7.

Đối với các tỉnh, TP có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2023, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn từng lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đưa nội dung bảo đảm tự an toàn giao thông vào các cuộc giao ban hàng tháng của các cấp Ủy, HĐND, UBND các cấp để phân tích, kiểm điểm và đề xuất giải pháp hiệu quả trên địa bàn.

Tai nạn giao thông giảm sâu 6 tháng đầu năm, gần 2.900 người chết

Sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%), giảm 214 người bị thương (-5,81%).

Có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 08 địa phương giảm trên 40% số người chết. Bên cạnh đó số người chết do tai nạn giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.

Tuy nhiên, còn 17 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 07 tỉnh tăng trên 20%. Đặc biệt, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (16 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tai nạn giao thông đường sắt tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời.

Hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về tự an toàn giao thông gia tăng (33 vụ, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm người giám hộ khi trẻ em lái xe, gây tai nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO