Dòng chảy

Vui khỏe mỗi ngày tạo sức nóng nhờ đề tài thời sự

Khoa học phổ thông 23/09/2023 12:03

Vốn đã trở thành thương hiệu của Tạp chí Khoa học phổ thông, ngày 22/9, chương trình Vui khỏe mỗi ngày với đề tài mang tính thời sự về bệnh lý đau mắt đỏ và bệnh lý cơ xương khớp một lần nữa thu hút sự tham gia rất đông các thầy cô và sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.

Chương trình tạo hiệu ứng tốt với cộng đồng

Từng theo dõi chương trình qua nhiều bài viết của Tạp chí, Khoa học phổ thông nhận thấy nội dung của chương trình hữu ích cho nhà trường, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM đã lên kế hoạch phối hợp cùng Tạp chí tổ chức buổi trò chuyện tại Hội trường số 33 Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10, TP.HCM.

Từ hơn 7h sáng, cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên của nhà trường đã lần lượt có mặt. “Chưa bao giờ chúng em được đi nghe bác sĩ nói trực tiếp như thế này tại trường. Đã vậy còn được nghe tư vấn về căn bệnh đau mắt đỏ mà nhiều người đang mắc nên càng thêm háo hức”, Thu Thảo, đại diện nhóm sinh viên hồ hởi nói.

9de1658c2635f36baa24.jpg
ea091f645cdd8983d0cc.jpg
Cán bộ, viên chức cùng sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM hào hứng đọc Khoa học phổ thông và tham gia chương trình Vui khoẻ mỗi ngày

TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, nhà trường rất chú trọng đến việc tuyên truyền kiến thức phòng tránh các bệnh tật, tổ chức khám sức khỏe thường niên và mua bảo hiểm y tế để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên khuyến khích việc rèn luyện và chăm sóc sức khỏe cho quý thầy, cô và sinh viên của trường thông qua các hoạt động phong trào, các giải, các hội thao.

“Nhà trường đánh giá cao chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, một sáng kiến của Tạp chí Khoa học phổ thông, nhằm nâng cao sự hiểu biết của mọi người trong việc phòng tránh các bệnh lý thường gặp, rất phù hợp với sự quan tâm của nhà trường. Vì vậy, nhà trường đã phối hợp tổ chức chương trình với Tạp chí để giúp cho các thầy cô và sinh viên có thêm kiến thức để xử trí các tình huống của bệnh lý cơ xương khớp và đặc biệt là, bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại TP.HCM hiện nay...” - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM TS An Long chia sẻ.

nha-bao-bui-huong.jpg
Nhà báo, ThS. Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông và TS. Nguyễn Chí Tân - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Thuận Kiều tham dự chương trình.

Nhà báo - ThS. Bùi Hương - P.Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông chia sẻ, “Vui khỏe mỗi ngày” là chương trình tư vấn y khoa định kỳ hằng tháng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, nhằm mục đích nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý thường gặp với người dân. Thời gian qua, từ tính chất hữu ích mà chương trình mang đến, tòa soạn đã đón nhận rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả, từ những người đã trực tiếp tham dự và cả bà con ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“Lần này, ngoài việc mang đến kiến thức về bệnh cơ - xương - khớp, vốn là nhóm bệnh lý khá phổ biến ở mọi độ tuổi, chúng tôi còn đặc biệt mời đến chương trình các chuyên gia y tế lĩnh vực Nhãn khoa của TP.HCM để cung cấp thông tin cũng như tư vấn về đau mắt đỏ, căn bệnh vốn đang được cộng đồng lưu tâm. Rất mong chủ đề lần này, ngoài việc mang trực tiếp kiến thức với thầy trò Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, chương trình còn góp phần nâng cao hiểu biết và đáp ứng sự quan tâm của quý thầy cô, sinh viên... của nhà trường.

Nhiều kiến thức bổ ích mang tính thời sự

Trước một hội trường đông kín cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên, ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn-ITO Phú Nhuận đã chia sẻ cách: “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp”. Tiếp ngay sau đó, BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ - chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM khái niệm lại thuật ngữ “đau mắt đỏ” trước khi hướng dẫn mọi người cách nhận biết và cách xử trí bệnh.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Huy, bệnh cơ xương khớp là tình trạng suy yếu chức năng của hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh. Người bệnh sẽ bị đau, giảm khả năng di chuyển, gây trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày và giảm chất lượng cuộc sống. Các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp rất đa dạng và có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm các bệnh lý liên quan đến chấn thương và nhóm các bệnh lý không hoặc ít liên quan đến chấn thương.

hoi-dap-2.jpg
BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ - chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn-ITO Phú Nhuận trao đổi cùng Nhà báo, ThS. Bùi Hương hỏi đáp về các bệnh lý tại chương trình

Triệu chứng của các bệnh này cũng khác nhau, với nhóm bệnh có liên quan đến chấn thương chúng ta sẽ thường gặp các biểu hiện: đau, sưng nề, bầm tím, giảm hoặc mất cơ năng, còn với nhóm bệnh không liên quan đến chấn thương ta có thể gặp: sưng, nóng, đỏ, đau, tê bì, giảm hoặc mất cảm giác vùng nào đó của cơ thể.

Hiện nay, các loại bệnh nhiều người mắc phải là bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống – thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, gout, các bệnh về gân cơ, loãng xương,... các bệnh này tương đối phổ biến ở Việt Nam. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi và người có sức đề kháng kém.

Phần lớn những bệnh xương khớp đều có thể phát hiện và chẩn đoán từ rất sớm. Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, mọi người chúng ta nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để tự bảo vệ sức khỏe trước các tác nhân gây bệnh.

Đối với bệnh đau mắt đỏ, chuyên gia về bệnh mắt BS.CKII. Nguyễn Thị Diệu Thơ cho biết, bệnh còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Sau 2-14 ngày ủ bệnh, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải là đau mắt đỏ ở 1 mắt và sau đó lan sang mắt còn lại, mắt có nhiều ghèn. Nguyên nhân phần lớn là do vi-rút Adenovirus và Enterovirus. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị phần lớn các trường hợp vẫn là theo dõi, chăm sóc để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn.

Do đó, mọi người cần phòng ngừa bệnh như: Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cồn 70o) là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu; Vệ sinh những vật dụng như: nắm tay cửa, điện thoại, bàn phím, chăn - gối, khăn,… khi người bệnh có tiếp xúc. Người bệnh nên đeo khẩu trang nếu có triệu chứng hô hấp vì bệnh lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi ho hoặc nhảy mũi, hạn chế đi học, đi làm khi mắt còn đỏ và chảy nước mắt (từ 5 - 7 ngày).

BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ lưu ý, người bệnh bị đau mắt đỏ không đưa vật lạ vào mắt như: xông hơi lá trầu, nặn chanh, đắp lá cây, lá nha đam, đắp thuốc, giã thịt ếch nhái, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ… vì có thể làm mắt bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (dexamethasone) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

btc-tang-hoa(1).jpg
TS. Nguyễn Đặng An Long -Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, tặng hoa cảm ơn đến hai báo cáo viên, đại diện Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn-ITO và Tạp chí Khoa học phổ thông.

Tri ân những người góp phần tạo nên thành công của chương trình, nhà báo Hoàng Công Chương phụ trách chương trình Vui khỏe mỗi ngày Tạp chí Khoa học phổ thông thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn-ITO, Bệnh viện Mắt TP.HCM, Công ty CP Koro, ông Nguyễn Văn Đắng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã đồng hành cùng chương trình Vui khỏe mỗi ngày diễn ra tại Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui khỏe mỗi ngày tạo sức nóng nhờ đề tài thời sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO