'Vui khỏe mỗi ngày' tạo cầu nối giữa cộng đồng và Thầy thuốc
Xuất phát từ mong ước đưa kiến thức y khoa từ các bác sĩ trực tiếp đến với cộng đồng, hơn một năm qua, Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” của Tạp chí Khoa học phổ thông đã ngày càng tạo được tiếng vang. Với những đề tài thiết thực, cách truyền đạt dễ hiểu, hoạt động này ngày càng gây được sự quan tâm của cộng đồng và trở thành một thương hiệu thu hút các chuyên gia y tế cùng các nhà đồng hành uy tín.
Từ chương trình đầu tiên đến nay, “Vui khỏe mỗi ngày” diễn ra định kỳ mỗi tháng đã tiếp cận được hàng nghìn người quan tâm, từ những cán bộ, giảng viên, sinh viên nhiều trường Đại học như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Quốc Tế, Trường Đại học Công Thương TP.HCM, cho đến các cán bộ hưu trí, người cao tuổi và người dân tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong những ngày đầu năm mới và hòa cùng không khí chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thời sự Y học gửi đến quý độc giả những hình ảnh và các cuộc trò chuyện cùng những người đồng hành với chương trình bao gồm các bác sĩ, các chuyên gia y tế, mạnh thường quân và những nhà báo đã tạo nên Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”.
Năm 2024, chương trình tiếp tục được thực hiện, số đầu tiên tháng 1/2014 tại UBND Phường 3, Quận Gò Vấp với chủ đề “Phòng chống bệnh lý cơ xương khớp, tim mạch và chia sẻ yêu thương với người yếu thế Tết Giáp Thìn - 2024” thành công, với sự tham dự của đông đảo người dân. Bên cạnh việc phổ biến kiến thức, tư vấn trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa; Tạp chí Khoa học phổ thông đã trao 92 phần quà, mỗi phần gồm 500.000 đồng hiện kim và các nhu yếu phẩm khác đến với các gia đình bị yếu thế và trẻ em mồ côi cha/mẹ do dịch Covid-19.
Ông Phạm Thế Đồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO: Chương trình mang lại nhiều giá trị thiết thực với cộng đồng.
“Trước đây, nhà báo Bùi Hương có chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng làm một chương trình cộng đồng nhằm nâng cao việc trang bị các kiến thức cho người dân trong việc phòng tránh các bệnh lý thường gặp. Khi nghe tôi đồng ý ngay. Trong suốt quá trình triển khai vừa qua, tôi thấy hiệu ứng rất tốt. Ai cũng biết phải chăm sóc sức khỏe. Nhưng thật sự, chăm sóc sức khỏe như thế nào, nhiều người cũng không nắm rõ. Qua chương trình - cùng đồng hành với tạp chí, các bác sĩ thuộc Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO và các BS của các Bệnh viện khác, giúp người dân tiếp cận trực tiếp với các chuyên gia để được tư vấn chuyên sâu, đầy đủ và cặn kẽ trong chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng loại bệnh, từng lứa tuổi, đặc biệt là các bệnh cơ xương khớp. Các bác sĩ của chúng tôi rất hào hứng tham gia chương trình. Không chỉ tham gia chia sẻ kiến thức y khoa cho cộng đồng mà Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO còn tham gia khám bệnh, phát thuốc cũng như trao quà cho các gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ mồ côi... cùng chương trình của Tạp chí Khoa học phổ thông.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Tân - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Thuận Kiều (TP.HCM).
Tạp chí Khoa học phổ thông đã thực hiện được Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” rất ý nghĩa, đem lại hiệu quả cao mà những đơn vị báo chí khác chưa làm được. Chương trình đã được triển khai trên phạm vi rộng, có sự tương tác, tham gia của nhiều người dân, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, Chương trình có sự hưởng ứng, đồng hành của các bệnh viên, các cơ quan, trường đại học, cao đẳng, phòng khám,… sẵn sàng triển khai thực hiện với mục đích giúp người dân có cơ hội tiếp cận và được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn bệnh lý. Tạp chí Khoa học phổ thông đã mời được những bác sĩ đầu ngành, “cây đa, cây đề” trong giới y khoa để phổ biến kiến thức và tư vấn bệnh lý về tim mạch, xương khớp,… cho những người dân tham dự. Tôi hy vọng Tạp chí Khoa học phổ thông duy trì, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Vui khỏe mỗi ngày đến nhiều đối tượng hơn nữa, nhất là công nhân, người lao động”.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SCJ TV Shopping: Chương trình mang nhiều kiến thức hữu ích.
SCJ vinh dự đồng hành cùng Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”: Chương trình đã mang đến những kiến thức hữu ích và mang tính thời sự đối với sức khỏe cộng đồng giúp mọi người chủ động hơn trong việc phát hiện, kiểm soát, điều trị hiệu quả các bệnh lý thường gặp; mà hơn cả là phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra đúng với tinh thần thông điệp “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trải qua những biến cố trên toàn cầu về các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19 khiến chúng ta hiểu hơn về giá trị của việc chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; đồng thời cảm nhận sâu sắc về giá trị của sự quan tâm gắn kết cộng động giữa người với người, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ, người lao động nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn yếu thế. Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” đã phát huy tốt thông điệp nhân văn và lan tỏa sâu rộng giá trị sẻ chia đầy yêu thương đó. Là chương trình định kỳ, song “Vui khỏe mỗi ngày” vẫn tạo được sức thu hút tích cực khi luôn ưu tiên tính thiết thực bằng việc xây dựng chủ đề sát với thực tế và trao đổi cởi mở tùy theo tình huống của từng đối tượng. Nhờ đó, những thắc mắc, những nỗi lo lắng mà bấy lâu mọi người “không biết hỏi ai”, “không biết có đáng tin không” đều được tháo gỡ. Với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ có am hiểu sâu rộng, chương trình không chỉ cung cấp những kiến thức toàn diện về sức khỏe và đời sống tinh thần, mà còn giúp mọi người có được nguồn thông tin uy tín trong bối cảnh mạng xã hội phát triển dễ dẫn đến tình trạng băn khoăn trước những thông tin không xác thực, không chính thống. Tôi hy vọng chương trình tiếp tục tạo thêm sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực, “Vui khỏe mỗi ngày” sẽ thiết kế đa dạng hơn các nhóm chủ đề cho từng đối tượng, sao cho từ bà mẹ - trẻ em, giới trẻ, người trung niên và cao tuổi đều tìm thấy nội dung hay và phù hợp cho mình.
BS CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận: Giúp người dân biết cách xử trí vấn đề sức khỏe.
“Với vai trò là báo cáo viên tại chương trình, tôi cảm thấy vui, tự hào vì phần nào giúp ích được cho một số người, đặc biệt có thể truyền tải được kiến thức y khoa đúng cho một lượng lớn người nghe trong một thời điểm. Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” truyền thông sức khỏe đến cộng đồng đã phần nào giúp cho người dân hiểu được một số vấn đề sức khỏe để biết cách phòng tránh hoặc đi khám bệnh kịp thời, đúng chuyên khoa; giúp người dân biết cách xử trí một số vấn đề sức khỏe cơ bản hằng ngày, tránh việc xử lý sai cách làm nặng, trầm trọng thêm tình trạng bệnh”.
BSCKII Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn (SAIGON-ITO): Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc!
“Với ‘Vui khỏe mỗi ngày’, tôi đánh giá đây là một chương trình hay, bổ ích và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bên cạnh tính nhân văn, chương trình còn mang tính nhân đạo vì tổ chức hoàn toàn không vì mục đích lợi nhuận. Giá trị thực tiễn và tính thực tế của “Vui khỏe mỗi ngày” rất cao do cung cấp đến người bệnh những thông tin thời sự, thực tế và nhiều ý nghĩa. Tính nhân văn của chương trình là đã nhắm đến những đối tượng cần hỗ trợ y tế kịp thời như thương binh, gia đình chính sách, người nghèo, người cao tuổi nhiều bệnh nền… Chính những thông tin bổ ích được truyền tải và tư vấn kịp thời đã giúp họ có thêm nhiều kiến thức trong việc phòng ngừa, cũng như sớm phát hiện những triệu chứng bệnh để chữa trị kịp thời đúng chuyên khoa. Một điều tôi đánh giá cao là tính kết nối cộng đồng của “Vui khỏe mỗi ngày” khi đã làm rất tốt vai trò kết nối giữa Địa phương – Nhà khoa học (chuyên gia, bác sĩ) – Cộng đồng - Truyền thông – Mạnh thường quân (đơn vị, cá nhân). Tôi rất mong chương trình tiếp tục được duy trì, phát triển và mở rộng”.
BS.CKII Vương Anh Tài, Trưởng Phòng Y tế Quận 11 (TP.HCM): Chương trình vừa phổ biến kiến thức vừa là chương trình thiện nguyện.
“Vui khỏe mỗi ngày đã thực hiện rất nhiều các chương trình vừa mang ý nghĩa phổ biến kiến thức y tế đến cộng đồng, vừa là chương trình thiện nguyện. Chương trình đã thực hiện rất bài bản và mang ý nghĩa nhân văn trên địa bàn Quận 11 trong năm vừa qua. Bản thân tôi rất trân quý chương trình này. Đồng thời tôi rất hoan nghênh tinh thần tích cực vì cộng đồng cũng như sự đồng hành của Tạp chí Khoa học phổ thông với ngành y tế và với bản thân tôi. Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, có dịp cùng Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức nói chuyện cùng các chuyên gia y tế những vấn đề còn thắc mắc của người dân, đặc biệt là người cao tuổi trên địa bàn quận, tôi vui mừng khi nhận thấy một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là người dân đã biết được vấn đề về sức khỏe của mình để từ đó có hướng điều trị đúng và phù hợp. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM trong việc chăm sóc sức khỏe và đưa vào quản lý dữ liệu cá nhân về sức khỏe của người trên 60 tuổi trên toàn địa bàn TP với dự kiến sơ bộ trên một triệu người cao tuổi trong năm nay, tôi đánh giá đây là chương trình tương đối lớn, thiết thực và ý nghĩa. Vì thế, chúng tôi cũng mong nhận được sự đồng hành của Tạp chí để việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn TP nói chung, quận 11 nói riêng được thành công và mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho cộng đồng”.
BS.CKII Thượng Thanh Phương - Trưởng khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115: Chương trình nên lan tỏa nhiều hơn!
“Tôi thấy chương trình rất hữu ích, mang kiến thức y khoa cần thiết cho người dân. Tuy hiện có nhiều kênh tư vấn sức khỏe như trang mạng, sách báo… nhưng tư vấn trực tiếp như chương trình Vui khỏe mỗi ngày của Tạp chí Khoa học phổ thông sẽ mang lại hiệu quả cao. Người dân tham gia có cơ hội trao đổi, tương tác với các chuyên gia, bác sĩ để hiểu thêm về bệnh lý, cũng như có thêm những hướng dẫn thích hợp về bệnh lý của mình, giúp họ giảm lo lắng, từ đó có cách phòng ngừa và điều trị bệnh tốt hơn. Thêm vào đó, bệnh lý tim mạch phần lớn ở người lớn tuổi nên sử dụng công nghệ để tìm hiểu thông tin bệnh cũng khó. Tôi nghĩ chương trình nên lan tỏa nhiều hơn”.
Ông Châu Văn Hai, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Quận 11, TP.HCM: Mong chương trình tiếp tục phát huy!
“Chương trình Vui khỏe mỗi ngày nhắm đến nhiều đối tượng từ sinh viên, học sinh, người lao động,... đến người cao tuổi với nội dung thông điệp cung cấp kiến thức bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tật nhất là những bệnh không lây mà người cao tuổi hay mắc phải. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành chuyên môn truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ thông qua lồng ghép mini show có quà tặng (hỏi đáp) để người nghe nhớ lâu hơn nội dung. Chương trình còn được các đơn vị tài trợ, phòng khám, nhà thuốc hỗ trợ tặng quà thiết thực cho người tham dự, kết hợp với hoạt động chăm lo người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau. Các hoạt động trên càng thêm phần ý nghĩa khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11... Mong chương trình tiếp tục phát huy và có nhiều nội dung kiến thức đa dạng, phù hợp và bổ ích cho nhiều đối tượng, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng”.
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM: Hiểu hơn về các sử dụng thuốc nhỏ mắt.
“Chương trình đã đem đến nhiều kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp và các tật khúc xạ ở mắt, đặc biệt là bệnh đau mắt đỏ rất cập nhật tình hình thời sự cho hơn 300 cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên của nhà trường. Riêng đối với cá nhân tôi, tôi đã nắm được cách sử dụng và bảo quản thuốc nhỏ mắt sau khi sử dụng đúng cách khi được bác sĩ giải đáp”.
Nhà báo Ngô Thiên Chương, phụ trách Tạp chí Thời Sự Y Học: Được tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ là điều tuyệt vời nhất!
“Dù công nghệ và các nền tảng số có hiện đại đến mấy thì đối với lĩnh vực sức khỏe, việc người dân được tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ để được nghe, được hỏi đáp, vẫn là lý tưởng nhất. Điều tuyệt vời nhất, có ý nghĩa nhất của chương trình Vui khỏe mỗi ngày do Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức, chính là sự kết nối được đội ngũ chuyên gia y tế với những người đang cần có kiến thức y khoa. Với thế mạnh trong công tác truyền thông liên quan đến khoa học và sức khỏe, Tạp chí Khoa học phổ thông hiểu được những vấn đề sức khỏe mang tính thời sự, chọn lựa những đối tượng cần nghe và cuối cùng là chọn đúng những chuyên gia có thế mạnh nhất trong việc tuyên truyền và tư vấn kiến thức. Mạng internet gần như có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, chỉ khi người dân được ngồi cạnh bác sĩ, được hỏi han, thăm khám, tư vấn… thì việc chăm sóc sức khoẻ mới đạt hiệu quả cao nhất”.
Nhà báo Lý Thị Anh Thư, phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông
“Tham gia chương trình từ những ngày đầu, tôi có dịp được gặp gỡ và phỏng vấn nhiều cô chú lớn tuổi, các cán bộ, giảng viên, các em sinh viên các trường đại học, cao đẳng,... Mọi người tham dự đều phản hồi khen chương trình rất hay, thiết thực với cuộc sống. Bên cạnh đó, tham dự chương trình nhiều lần, tôi cũng được biết thêm nhiều kiến thức từ những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về những bệnh lý mà lâu nay chưa biết như bệnh tim mạch, đột quỵ,... mà trước nay tôi chưa được biết nhiều. Tôi thích chương trình Vui khỏe mỗi ngày. Không phải báo nào cũng tổ chức được như vậy. Chương trình Vui khỏe mỗi ngày tháng nào cũng tổ chức được là quá tuyệt vời. Tôi mong muốn chương trình tiếp tục được duy trì lâu dài vì tất cả mọi người đều quan tâm đến sức khoẻ, biết được kiến thức bệnh lý, phòng tránh bệnh tật là điều cần thiết”.
Sinh viên Lê Quốc Đạt, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM: Cập nhật thông tin hữu ích.
“Đây là một chương trình bổ ích đối với sinh viên. Em bị cận và việc học tập hay phải sử dụng máy vi tính nên các tật khúc xạ được em quan tâm nhiều để chăm sóc và bảo vệ mắt. Bác sĩ chia sẻ, sử dụng máy tính nhiều thì nên nhỏ nước mắt nhân tạo để bảo vệ mắt tránh bị khô. Bác sĩ cũng chia sẻ các thông tin về bệnh cơ xương khớp, rất mới và bổ ích với em”.