Cộng đồng

Vui khỏe mỗi ngày: Mang kiến thức phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ và đột quỵ đến với giới trẻ

Ngọc Duy 25/05/2024 14:12

Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” với chủ đề “Nhận biết và xử trí bệnh lý Thoái hóa cột sống cổ & Đột quỵ” đã đem đến những kiến thức chuẩn y khoa và giải đáp thắc mắc cho thầy trò Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

Diễn ra giữa những ngày thời tiết chuyển mùa cuối tháng 5, “Vui khỏe mỗi ngày” do Tạp chí Khoa học phổ thông và Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO, Bệnh viện Nhân dân 115 đã thực sự trở thành ngày hội sức khỏe cho thầy trò và nhân viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

an-pham-cua-tap-chi-khoa-hoc-pho-thong-den-voi-cac-sinh-vientruong-cao-dang-cong-nghe-thu-duc.jpg
Các ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông đến với sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

Sáng kiến hữu ích vì cộng đồng

Dù sự kiện bắt đầu từ 8h30, nhưng mới hơn 7h sáng, hội trường đã đông kín giảng viên, sinh viên và nhân viên của trường. Thầy Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho biết, từ khi nhận lời mời tham gia, nhà trường đã rất cảm kích và hào hứng bởi đây là chương trình rất ý nghĩa, có thể giúp cho cán bộ, nhân viên, giảng viên và sinh viên nhà trường hiểu rõ hơn về những căn bệnh phổ biến hiện nay, cụ thể là chứng thoái hóa cột sống cổ và bệnh đột quỵ.

z5474877318891_71dffd5dca0b7aeb9fb91766df74f02f.jpg
Thầy Võ Long Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức phát biểu khai mạc

“Tôi có tìm hiểu và theo dõi Vui khoẻ mỗi ngày của tạp chí ở những lần tổ chức trước và thấy với cách làm chuyên nghiệp này, đội ngũ giảng viên cùng các em sinh viên chắc chắn có cơ hội để hiểu rõ hơn và biết cách phòng, chống bệnh về thoái hóa cột sống, đột quỵ như: Tư thế ngồi học, làm việc; chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý; nên đi khám khi có dấu hiệu bệnh… Từ đó nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc”, thầy Triều nói.

z5474876910405_323bb869a4c2945d7cab7f01d598cdac.jpg
ThS. Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông, chia sẻ tại chương trình.

Về phía ban tổ chức, ThS. Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông cho biết, Vui khỏe mỗi ngày là một sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, được tổ chức mỗi tháng một lần. Thời gian qua, chương trình đã đến với nhiều đơn vị trường học và các quận, huyện…

“Niềm vui của người thực hiện chương trình là sau mỗi lần tổ chức, chúng tôi đều nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng. Đây là niềm khích lệ cho thấy Vui khỏe mỗi ngày đã có hướng đi đúng trong việc giúp ích mọi người có kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”, nhà báo Bùi Hương khẳng định.

z5474876935204_1c49e7d4af241b03b7ec3fcfa42357cd.jpg
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Võ Long Triều trao quà cảm ơn cho Tạp chí Khoa học phổ thông.

Thoái hóa cột sống và đột quỵ có xu hướng trẻ hóa

Trước hội trường Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chật kín người tham dự, ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn - Trưởng Đơn vị Cột sống Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO) bắt đầu chương trình với kiến thức nhận biết, xử trí các bệnh lý về chứng thoái hóa cột sống cổ.

z5474876861811_03a0ec54caa63b766ad56eb82308cc54.jpg
ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn - Trưởng Đơn vị Cột sống Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, trình bày về chủ đề Thoái hóa cột sống cổ.

Vừa trình bày, vừa thị phạm, bác sĩ Sơn khẳng định cột sống đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thể chất thường ngày của con người, đồng thời góp phần giảm tải áp lực bằng cách chống đỡ trọng lượng cơ thể. Việc chống đỡ áp lực quá lớn hoặc diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến lớp sụn khớp, phần xương dưới sụn cũng như đĩa đệm cột sống bị tổn thương, bào mòn dẫn đến thoái hóa.

Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế giới, 2/3 dân số bị đau cổ ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt, xu hướng bệnh đang ngày càng trẻ hóa với độ tuổi nguy cơ cao nhất từ 25 - 30 (do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, công việc). Việc thường xuyên dùng điện thoại cũng gây ảnh hường rất nhiều đến cột sống cổ.

“Việc tự trang bị kiến thức đủ và đúng về thoái hóa cột sống từ sớm có thể giúp mọi người chủ động hơn trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

z5474876879389_1f73217e757fe85e573a19f98d45e3ea.jpg
ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ về đột quỵ tại chương trình.

Còn với chuyên đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về đột quỵ”, ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: “Đột quỵ là bệnh rất thường gặp, mỗi năm có hơn 200.000 ca mắc và tỷ lệ tử rất vong cao. Cứ 4 người sẽ có 1 người bị đột quỵ trong suốt quãng đời. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 (năm 2012 chiếm hàng thứ nhất tại Việt nam) và là nguyên nhân gây tàn phế cao thứ 3. Đặc biệt, bệnh đột quỵ cũng ngày càng có xu hướng trẻ hóa, với nguyên nhân môi trường bị ô nhiễm, thói quen sinh hoạt xấu và áp lực công việc…”.

Do đó, việc nắm rõ nguyên nhân đột quỵ và cách phòng ngừa đột quỵ sẽ giúp giảm tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người bệnh, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên, những người ít vận động, thức khuya...

Sinh viên sôi nổi tương tác với bác sĩ

Sau phần trình bày chuyên đề, khán phòng sôi động hơn hẳn với phần hỏi đáp. Nhiều cánh tay từ phía cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên nhà trường đã giơ lên mong muốn được các bác sĩ tư vấn trực tiếp.

z5474666494700_d0888bea124fd88fad2b6d38c5579ff8.jpg
Các bác sĩ giao lưu hỏi - đáp với thầy trò Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

Phần hỏi đáp được “làm nóng” bởi câu hỏi được đặt ra cho hai bác sĩ về độ nguy hiểm của thoái hóa cột sống cổ và sự khác nhau giữa trúng gió và đột quỵ?

ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn cho rằng, nói thoái hóa cột sống cổ không nguy hiểm là không đúng. Nhưng nói ảnh hưởng đến tính mạng thì hơi nặng. “Căn bệnh này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Khi bệnh ngày càng nặng mà không được chữa trị kịp thời thì các rễ thần kinh sẽ bị chèn ép, gây tê liệt. Người bệnh sẽ chỉ nằm một chỗ mà không thể di chuyển được, kèm thêm các triệu chứng khác sẽ dễ gây tử vong”, bác sĩ Sơn nói.

Về sự khác nhau giữa trúng gió và đột quỵ, ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung cho biết, đột quỵ là đột ngột đau đầu chóng mặt, mất thăng bằng, yếu tay chân, méo miệng… Còn trúng gió là mệt mỏi, đau đầu, uể oải, chán ăn. Đây có thể không phải là triệu chứng của đột quỵ, tuy nhiên cần theo dõi kỹ để tránh bỏ sót các triệu chứng của bệnh lý tim mạch vì bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Người thân nên theo dõi kỹ bệnh nhân, nếu có triệu chứng liên quan đến đột quỵ cần đưa đến các cơ sở chuyên khoa để khám, tránh tình trạng bệnh trở nặng.

giang-vien-va-sinh-vien-tham-gia-chuong-trinh-dat-cau-hoi-cho-cac-bac-si.jpg
Giảng viên và sinh viên nhà trường đặt câu hỏi cho các bác sĩ.

Không khí của chương trình sôi động hơn nữa khi nữ sinh Linh Thị Vân đặt câu hỏi mà rất nhiều người trẻ đang mắc phải và quan tâm, đó là “Liệu tắm đêm có phải là nguyên nhân tăng khả năng bị đột quỵ và các thực phẩm chức năng có thật sự hiệu quả?”.

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Trung cho biết, về mặt khoa học chưa thấy bằng chứng nào về việc tắm đêm gây nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, nếu vận động mạnh, hoặc đi làm về khuya mà tắm nước lạnh sẽ khiến nhiệt độ cơ thể bị thay đổi đột ngột, có thể dẫn đến đột quỵ.

Còn về thực phẩm chức năng, theo bác sĩ Sơn, thực phẩm chức năng chỉ phần nào hỗ trợ cho người dùng, để nâng cao sức khỏe nên chăm chỉ tập luyện thể thao, thay đổi lối sống lạnh mạnh và ăn uống hợp lý, khoa học. “Cần sử dụng một cách hợp lý, có chừng mực. Cần xả thuốc sau một thời gian dài sử dụng”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

layy.jpg
z5474876912592_8939831d40ad100124b39e3532e4478e.jpg
Giảng viên, sinh viên tập trung lắng nghe chia sẻ về bệnh thoái hóa cột sống cổ và đột quỵ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trung chia sẻ: “Trên thế giới các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu nhiều về thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này không gây hại nhưng cũng không bổ là bao. Nếu muốn vẫn có thể tư vấn cho bố, mẹ sử dụng, nhưng nên chú trọng vào lối sống lành mạnh hơn, vì lợi ích của nó mang lại không nhiều”.

z5474876939242_9887da3bf465b7049262648852e66a7a.jpg
Sinh viên đọc các ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông tại chương trình.

Cũng trong phần hỏi đáp, ngoài các câu hỏi trên, hàng chục thắc mắc khác liên quan đến đột quỵ và thoái hóa đốt sống cổ đã được các bác sĩ trả lời chi tiết. Hơn 11h trưa khi kết thúc chương trình, nhiều sinh viên, giảng viên còn nán lại gặp trực tiếp hai bác sĩ, để trao đổi thêm về các bệnh lý liên quan đến thoái hóa cột sống cổ , lưng và đột quỵ.

“Chưa bao giờ em được dự một buổi nói chuyện trực tiếp với bác sĩ như thế này. Cảm ơn ban tổ chức đã cho em và các bạn có được nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe rất bổ ích”, Linh Thị Vân - đại diện nhóm sinh viên nói.

lay-1.jpg
Ban tổ chức trao quà đến 2 bác sĩ khách mời và đại biểu.

Thay mặt Ban tổ chức, ThS. Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Bệnh viện Sài Gòn ITO, Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, bà Nguyễn Thị Minh Đăng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Koro, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên Ban Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa và Thông tin Truyền thông, ông Phù Minh Khánh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng ẩm thực Đông Nam Á, TS Nhan Cẩm Trí - Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM cùng Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn - Trưởng Đơn vị Cột sống Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 đã đồng hành cùng chương trình Vui khỏe mỗi ngày lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui khỏe mỗi ngày: Mang kiến thức phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ và đột quỵ đến với giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO