Vui khỏe mỗi ngày: Mang kiến thức phòng bệnh cơ xương khớp và đột quỵ đến với thầy trò Trường ĐH Luật TP.HCM
Ngày 24/4, Tạp chí Khoa học phổ thông và Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp tổ chức chương trình Vui khỏe mỗi ngày, chủ đề “Phòng bệnh cơ xương khớp và đột quỵ”, cùng sự đồng hành của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO và Bệnh viện Nhân dân 115.
Tham dự chương trình có Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông; PGS.TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường; bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM; BS.CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận; ThS.BS.CKII Phạm Nguyên Bình - Phó trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cùng các đại biểu khách mời và hơn 300 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM
Cơ hội quý giá với thầy cô và sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết, trong quá trình phát triển, nhà trường luôn quan tâm đầu tư chăm lo phát triển về đội ngũ giảng viên có chất lượng cao để trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng của người học tốt nghiệp từ Trường Đại học Luật TP. HCM - Đây luôn là giá trị cốt lõi mà Nhà trường xác định là trọng tâm từ trước đến nay và trong tương lai đây vẫn sẽ làm “kim chỉ nam” xuyên suốt trong các hoạt động của Nhà trường.
Hằng năm, nhà trường đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho viên chức người lao động và sinh viên để nhằm kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể, sớm có các biện pháp phòng ngừa, chữa trị.
“Với mục đích tiếp tục có thêm các hoạt động chăm lo đến đời sống của viên chức, người lao động và người học, hôm nay chúng tôi rất vui mừng được kết hợp cùng Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức Chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" với chủ đề "Phòng bệnh cơ xương khớp và đột quỵ".
Đây là cơ hội quý giá để các thầy cô và sinh viên của nhà trường được các bác sĩ, chuyên gia của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Nhân dân 115 hướng dẫn, tư vấn về phòng bệnh cơ xương khớp và đột quỵ...” - PGS.TS Trần Việt Dũng nhấn mạnh.
Kiến thức y khoa hữu ích về cơ xương khớp và đột quỵ
Theo các chuyên gia, bệnh cơ xương khớp là nhóm bệnh lý khá phổ biến ở mọi độ tuổi. Tuổi tác, sự cố khi chơi thể thao, khiêng vác nặng, sai tư thế... là những nguyên nhân gây bệnh lý xương khớp thường gặp, như: Thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, bệnh Gout (gút), loãng xương, cong vẹo cột sống...
Tại chương trình, BS.CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận cho rằng, việc loại bỏ những thói quen không tốt cho xương khớp là điều rất cần thiết như: dùng gối phù hợp; tránh nằm ngủ trên các loại đệm quá mềm; hạn chế việc nằm võng; không đặt máy tính quá thấp… trong chuyên đề “Nhận biết và xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp”.
Với chuyên đề “Nhận biết và xử trí bệnh Đột quỵ”, ThS.BS.CKII Phạm Nguyên Bình - Phó trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, để lại các di chứng nặng nề, như tàn phế, liệt nửa người, mất cảm giác, khó nói, hôn mê…
Căn bệnh này là hậu quả của các yếu tố, nguy cơ như tiểu đường, huyết áp, lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, béo phì (chỉ số BMI hơn 30 và vòng eo hơn 80), ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ chúng ta cần ngăn chặn những nguy cơ này ngay từ đầu, bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt.
Ngoài ra, khi có dấu hiệu đột quỵ, như: đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; đột ngột, nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân... nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để cấp cứu kịp thời trong giờ vàng, trước 4 - 5 giờ sau khi phát bệnh.
Giải đáp nhiều thắc mắc cho giảng viên và sinh viên
Sau phần trình bày báo cáo chuyên đề, cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường đã chia sẻ các cảm xúc, kinh nghiệm, đồng thời đặt câu hỏi trực tiếp về bệnh cơ xương khớp và đột quỵ với hai bác sĩ.
Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết, do công việc quá bận nên từ tối hôm trước, cô đã rất đắn đo có nên đi sự kiện này không. Cuối cùng, cô đã quyết định dành thời gian để lắng nghe chia sẻ từ các bác sĩ chuyên khoa.
“Ngày nay có rất nhiều thông tin trên mạng “thật giả lẫn lộn”, nên tôi không đủ tự tin để tự tìm kiếm các thông tin về sức khỏe trên internet. Khi được lắng nghe các bác sĩ trình bày, chia sẻ kiến thức về bệnh cơ xương khớp và đột quỵ, tôi đã rất vui. Vui vì đã quyết định đúng khi dành thời gian đến với chương trình, để biết thêm được nhiều kiến thức quan trọng về chăm sóc sức khỏe. Tôi xin cám ơn Ban tổ chức và các bác sĩ rất nhiều", PGS Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đặt ra câu hỏi với các bác sĩ về bệnh thiếu máu có dẫn đến đột quỵ không và thiếu máu có liên quan đến thiếu máu não hay không?
Trả lời câu hỏi này, ThS.BS.CKII Phạm Nguyên Bình cho biết, đầu tiên cần phân biệt được chứng thiếu máu và thiếu máu não. Với trường hợp của cô là thiếu lượng máu trong cơ thể, chỉ số hồng cầu giảm sút đi. Có nhiều nguyên nhân, như: Thiếu sắt, có bệnh lý di truyền…. là thiếu máu bẩm sinh, cần phải điều trị chuyên sâu.
Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng thiếu máu thiếu sắt, đa số sẽ điều trị bằng cách bổ sung sắt để cơ thể tự tổng hợp ra lượng máu thiếu hụt, giảm triệu chứng choáng váng, chóng mặt… Và bệnh thiếu máu không ảnh hưởng đến bệnh lý đột quỵ.
Còn thiếu máu não là do não bộ bị thiếu oxi, thiếu máu cục bộ… Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, chúng ta cần phải phân biệt được thiếu máu và thiếu máu não để có hướng điều trị phù hợp.
Bạn Trương Thị Ánh Dương - sinh viên Khoa Luật Quốc tế, thắc mắc về tác dụng của Salonpas: “Em thấy nhiều bạn sinh viên giống như em do ngồi học, ngồi làm trong thời gian dài nên hay bị đau cổ, đau lưng. Khi đó, mọi người thường hay chọn dán Salonpas để giảm đau. Vậy theo bác sĩ việc dán Salonpas nhiều có tốt không? Và dán Salonpas liệu có thật sự hết đau?”.
Theo BS.CKII Phan Anh Kiệt, nhiều người thường đau chỗ nào, dán chỗ đó. Salonpas sẽ làm cho cơn đau dễ chịu hơn do có kháng viêm và giảm đau. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết nguyên nhân đau của mình là gì, để tập trung chữa trị thì mới có thể hoàn toàn khỏi bệnh.
Việc dán Salonpas chỉ là điều trị bên ngoài, như các loại thuốc giảm đau thông thường. Thay vào đó, cần phải thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, ngồi đúng tư thế và tập thêm các bài về vai gáy khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày, để có thể chữa được nguồn gốc bệnh. “Khi dùng Salonpas quá nhiều, dù cơn đau giảm đi, nhưng bệnh vẫn còn đó và sẽ âm thầm diễn ra ở bên trong, khiến bệnh ngày càng nặng và có thể khó điều trị hơn”, bác sĩ Kiệt nói thêm.
Tại chương trình, bác sĩ Trương Tố Oanh - Bác sĩ Trạm y tế Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đưa ra ý kiến để chung tay nâng cao sức khỏe cho giảng viên, sinh viên trường nói riêng và cho cộng đồng nói chung.
“Tôi mong muốn, các bác sĩ Hệ thống bệnh viện ITO có thể chia sẻ một số video ngắn về cách tập vật lý trị liệu, thể dục hỗ trợ cho cơ xương, khớp, giúp mọi người có thể phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn. Vì thông tin đến từ hệ thống bệnh viện chuyên khoa về cơ xương, khớp sẽ chính xác hơn so với các thông tin tràn lan trên internet", bác sĩ Oanh nói.
Sau khi chương trình kết thúc nhiều giảng viên, sinh viên còn nán lại hội trường để hỏi thêm thông tin từ 2 bác sĩ.
"Tạp chí Khoa học phổ thông xin chân thành cảm ơn Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Nhân dân 115, Trường Đại học Luật TP.HCM, BS.CKII Phan Anh Kiệt - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, ThS.BS.CKII Phạm Nguyên Bình - Phó trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, Luật sư Đậu Thị Quyên - Giám đốc Hãng luật LPVN, ThS. Nguyễn Hoàng Bảo Trâm - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Hoàng Việt cùng các khách mời đã đồng hành cùng chương trình Vui khỏe mỗi ngày tháng 4/2024", nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông phát biểu.