Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đứng đầu về số lượng công bố ISI

Như Hoa| 30/12/2016 15:14

KHPTO - Năm 2016, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam (KHCNVN) công bố tổng cộng trên 2.000 công trình khoa học.

Số công trình đăng trên các tạp chí quốc tế năm 2016 là 996, trong đó số công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đạt tiêu chuẩn ISI là 742 công trình (tăng 26,1% so với năm 2015), trong đó có nhiều công trình đăng trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF cao cho thấy chất lượng nghiên cứu của Viện đã được nâng lên một bước. Viện tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về số lượng công bố ISI của cả nước.

Theo GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện hàn lâm KHCNVN, năm 2016 Viện Hàn lâm KHCNVN được cấp 28 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có 11 phát minh/sáng chế, 17 giải pháp hữu ích (tăng 56% so với năm 2015) và xuất bản 39 sách chuyên khảo. Với sự ủng hộ và giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, 2 Trung tâm về Toán học và Vật lý thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN đã được tổ chức UNESCO công nhận và bảo trợ. Đây là sự công nhận của quốc tế đối với sự phát triển khoa học cơ bản của Việt Nam trong hai lĩnh vực Toán học và Vật lý, phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ về việc hình thành các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.

Trong công tác triển khai ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ vào thực tế cuộc sống, năm qua các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm đã thực hiện 1070 hợp đồng KHCN với kinh phí thực hiện 2016 là trên 233 tỷ đồng (tăng gần 17% hơn so với năm 2015). Viện đã có 9 công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất và đời sống, thông qua các hợp đồng khoa học và công nghệ, trong đó có 7 công nghệ xuất xứ từ các đề tài, 2 công nghệ từ các hợp đồng KHCN như công nghệ sản xuất Fuicoidan Sulfat hóa cho công ty GoldHealth, công nghệ chế tạo phức hợp Nano FGC trong điều trị vừa hỗ trợ Ung bướu cho Công ty hóa dược phẩm CVI; Sản phẩm Naturenz chuyển giao cho Công ty dược Hậu Giang,...Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm còn đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các nhiệm vụ lớn do Thủ tướng giao, các nhiệm vụ cấp quốc gia như: 

Trung tâm báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và hệ thống đài trạm: tính đến nay, Viện Hàn lâm KHCNVN có hơn 70 đài, trạm, trại thuộc 15 viện nghiên cứu chuyên ngành, phân bố tại 35 tỉnh, thành trong cả nước. Nhìn chung hệ thống các đài trạm và hệ thống trạm quan sát động đất hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản. Trong năm 2016, mạng lưới đài trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận được 21 trận động đất trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam và được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Ngoài ra, để phục vụ việc theo dõi dự án Thuỷ điện Sông Tranh 2, Viện đã lắp đặt 10 trạm địa chấn, kết nối internet truyền số liệu về Viện Vật lý địa cầu, phục vụ công tác theo dõi địa chấn cho dự án nhà máy Thuỷ điện sông Tranh 2. 

Bảo tàng thiên nhiên: năm 2016, tiếp tục triển khai thực hiện tốt dự án sưu tập bộ mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt nam; khai thác rất hiệu quả phòng tiến hoá sinh giới. Tích cực chuẩn bị cho công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng TNVN tại Quốc Oai, Hà Nội đã được Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư và đã được cấp Giấy phép quy hoạch của thành phố Hà Nội.  

Công nghệ vũ trụ: Viện đã nhận bàn giao và đưa vào hoạt động ổn định hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 (từ tháng 9/2013). Hiện nay hệ thống vệ tinh hoàn toàn do cán bộ của Viện Hàn lâm KHCNVN vận hành, khai thác; Vệ tinh hoạt động ổn định và đã cung cấp ảnh kịp thời phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, năm 2016, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã hoàn thành tòa nhà Trung tâm hỗ trợ phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ tại Hà nội, Đài thiên văn tại Nha trang và đang thi công xây dựng các hạng mục công trình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Chương trình Tây Nguyên 3: sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Tây Nguyên 3 đã tổng kết hoàn thành đạt kết quả tốt. Chương trình có hơn 20 hồ sơ độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích đã được đăng ký. Một số mô hình, dây chuyền “pilot” đã được chuyển giao vào thực tế, được các địa phương và doanh nghiệp ở Tây Nguyên đón nhận. Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 3 đã phục vụ kịp thời cho các địa phương Tây Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xây dựng kế hoạch phát triển cho những năm tới của các tỉnh Tây Nguyên. 

Bên ccạnh đó, năm 2016, Viện Hàn lâm KHCNVN tiếp tục triển khai Chương trình “Hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ”. Chương trình đã hỗ trợ các nhiệm vụ cấp cơ sở trẻ cho 213 cán bộ trẻ với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Đồng thời phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện 24 đề tài Độc lập trẻ, với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Dự án Khu ươm tạo công nghệ Viện Hàn lâm KHCNVN dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2017 sẽ tạo điều kiện về chỗ ở cho các cán bộ khoa học trẻ và từng bước thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng về làm việc tại Viện Hàn lâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đứng đầu về số lượng công bố ISI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO