Những bản Sắc phong này rất quý về mặt lịch sử, hiện nay Tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng, là người đang sở hữu Bộ sưu tập Sắc phong lớn nhất Việt Nam: 181 bản. Tất cả đều được viết bằng chữ nho trên tấm lụa hình chữ nhật, kích thước 0,6 m x 1,2m, phần cuối ghi “Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân” (thần hãy phù hộ và bảo vệ cho dân đen của trẫm).
Khi các vị thần cần được vua công nhận
Đình thần là biểu tượng cơ bản của văn hóa làng xã Việt Nam, đồng thời cũng là cơ sở tín ngưỡng có tính chất dân gian truyền thống, đã tồn tại và phát triển mãi cho tới ngày nay. Ngoài ý nghĩa thuộc về tín ngưỡng, đình còn được coi là ngôi nhà công cộng của làng, là nơi hội họp, lễ lạc và vui chơi của công chúng. Nhiều người đi làm ăn xa, hàng năm nếu có điều kiện cũng cố về thăm quê trong dịp cúng đình, bởi họ khó quên được hình ảnh “giếng nước đình làng” ở nơi chôn nhau cắt rốn.
Các ngôi đình thần thường thờ thần thành hoàng và các phúc thần, thành hoàng là vị thần cai quản khu vực đó, còn phúc thần là những nhân thần, lúc sinh tiền là một danh nhân có công với dân tộc hoặc địa phương. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, phúc thần được chia ra làm nhiều loại, cao nhất là thượng đẳng thần, đó là những thiên thần có nhiều sự linh ứng như Phù Đổng Thiên Vương, hoặc những nhân thần có công giữ nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Tiếp theo là trung đẳng thần, là những vị thần do dân làng thờ từ lâu đời, biết tên họ nhưng không rõ công trạng, chức tước, những vị từng được tín ngưỡng qua các dịp khấn cầu (như cầu mưa, cầu chấm dứt dịch bệnh…). Cuối cùng là hạ đẳng thần, do dân thờ cúng từ lâu, được triều đình ban Sắc phong theo ý dân nhưng lý lịch chưa rõ. Thượng đẳng thần và trung đẳng thần được ghi vào sổ của triều đình và các địa phương phải cúng tế theo quy định.
Sắc phong là văn bản của vua chúa thời xưa phong thưởng cho các vị thần. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là sự công nhận chính thức về sự hợp pháp của đình thần. Thông thường thì việc lập đình và thờ cúng được thực hiện trước rồi sắc phong mới đến sau một thời gian khá lâu, do đề nghị của dân lên các vị quan địa phương để những vị này tâu lên triều đình. Trong thời gian chưa được sắc phong, dân chúng vẫn cúng tế, gọi là “thờ vọng”, theo nghĩa sớm muộn gì cũng được sắc phong.
Sắc phong của vua ban được coi là một bảo vật nên phải được làng xã giao cho một người có uy tín giữ gìn (như vị hương cả trong làng), có khi cử riêng một người chỉ làm công việc này (gọi là Thủ sắc), cũng có nơi Sắc phong được để trong miếu, còn gọi là Nghè. Đến ngày tế lễ, thường vào dịp gọi là Kỳ yên (trong tháng giêng âm lịch), dân chúng trong làng tổ chức long trọng lễ rước Sắc phong để đưa từ nơi cất giữ về đình cử hành lễ, gọi là Lễ Thỉnh Sắc. Sắc phong được để lại đình trong suốt 3 ngày, đến chiều ngày cuối cùng mới đưa về trả lại nơi cất giữ, gọi là Lễ Hồi sắc.
Nội dung của Sắc phong có gì?
Sắc phong cho các vị thần ở Việt Nam hiện nay còn giữ được phần lớn do các vua triều Nguyễn phong ban, hiếm lắm mới có những Sắc phong vào cuối triều Lê. Hiện nay TS. Nguyễn Mạnh Hùng đang giữ 181 bản Sắc phong, phần lớn thuộc triều Nguyễn (Gia Long, Tự Đức, Thành Thái…), một số ít của thời Lê và đặc biệt là có 2 Sắc phong thời Quang Trung.
Đây là bộ sưu tập Sắc phong quý giá và có số lượng lớn nhất Việt Nam. Tất cả đều được viết bằng chữ nho rõ và đẹp trên tấm lụa hình chữ nhật có thếp vàng, trang trí hoa văn hình rồng, mây biểu tượng cho thiên tử. Bên trái tờ Sắc phong là nội dung chính, dài khoảng 70 đến 100 chữ, thỉnh thoảng mới có những tờ dài hơn 100 chữ do phải liệt kê nhiều tên thần và các danh hiệu truy tặng. Khởi đầu bài Sắc phong luôn là Chữ sắc (có nghĩa là mệnh lệnh, chiếu thư hay chỉ dụ của vua), rồi đến tên tỉnh, huyện, xã, thôn nơi có thờ thần. Kế đến là đoạn viết thừa nhận vị thần đó từ lâu đã từng tỏ rõ linh ứng nhưng chưa được phong tặng, nay mới phong cho rõ thần tên là thần gì, đẳng cấp ra sao và cho dân sở tại tiếp tục thờ như cũ để phù hộ cho dân của vua. Cuối nội dung bài Sắc phong luôn có có hai chữ “khâm tai” (kính vậy thay), rồi đến niên hiệu, ngày tháng sắc phong.
Chỗ dòng chữ ghi niên hiệu, ngày tháng có đóng đè lên một con dấu vuông lớn. Phân tích các văn bản Sắc phong, TS. Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy các bài Sắc phong đều có một định thức tương đối thống nhất về hành văn, câu cú, thể hiện rõ tính nghiêm trang của tấm bằng danh dự mà nhà nước tặng cho những người có công. Chỗ khác nhau chủ yếu ở tên các địa phương và tên thần, phần còn lại là những câu chữ viết theo định thức của lối công văn thời xưa, việc phân tích những câu chữ này sẽ giúp chúng ta đọc hiểu và dịch đúng các sắc phong, trên cơ sở đó hiểu tường tận hơn tục thờ thần, cũng như quan điểm của các vua chúa phong kiến.
Ngoài bộ sưu tập Sắc phong, TS. Nguyễn Mạnh Hùng còn có 3 bộ sưu tập lớn khác: tranh dân gian đồng bằng Bắc bộ, gồm 4577 bức ký họa do Henri Oger vẽ vào những năm 1908 - 1910; bộ sưu tập bưu thiếp, gồm 400 bưu thiếp có ảnh chụp phần lớn cảnh ở 3 miền từ năm 1900 đến 1920, được gửi từ Việt Nam sang Pháp (và ngược lại), có dán những con tem đóng dấu bưu điện, trên những bưu thiếp này còn có chữ viết của người gửi; bộ sưu tập Truyện Kiều, gồm 2000 tài liệu, sách báo, tư liệu có liên quan.