UBND TP.HCM trình các tờ trình liên quan đến học phí và sắp xếp đơn vị hành chính
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 15/7, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải trình bày tóm tắt các báo cáo và Tờ trình của UBND TP.HCM.
Đề xuất mức thu học phí năm học mới
Đối với tờ trình về quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm học tiếp theo, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, mức học phí trên địa bàn TP.HCM được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm: học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 gồm: học sinh học tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Mức học phí từ năm học 2024 - 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại tờ trình này không phải là mức thu thực tế cho phép thu, chỉ làm căn cứ thực hiện chính sách: hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Mức học phí từ năm học 2024 - 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND TP để đề nghị HĐND TP xem xét phê duyệt.
Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn TP; Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến (học online) bằng 50% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.
Bổ sung khoản thu và mức thu "Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ"
Đối với quy định mức học phí và các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024 - 2025, đồng chí Dương Ngọc Hải cho rằng, quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2024 - 2025 phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của TP, khả năng đóng góp thực tế của người dân, tránh tình trạng lạm thu và hiểu nhầm là lạm thu gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo đồng chí Dương Ngọc Hải, dự thảo Nghị quyết gồm 4 Điều quy định cụ thể về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2024 - 2025, như sau: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Danh mục các khoản thu và mức thu; Cơ chế quản lý thu chi; Tổ chức thực hiện.
Theo UBND TP, một số nội dung mới so với Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND như: Điều chỉnh "Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè" thành "Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm các ngày lễ tết, không bao gồm tiền ăn” 128.000 đồng/học sinh/ngày. Điều chỉnh trên cơ sở chi phí giữ trẻ ngoài giờ (các ngày bình thường trong kế hoạch năm học) 12.000 đồng/trẻ/giờ, ngày nghỉ được tính 2 lần và phù hợp với thực tế phát sinh ngày thứ 7, chủ nhật và thời gian hè.
Theo UBND TP, việc điều chỉnh "Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè" thành "Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm các ngày lễ tết, không bao gồm tiền ăn” là phù hợp với tính chất của dịch vụ. Đây không phải là dịch vụ giảng dạy và không có tính chất giảng dạy; là dịch vụ theo nhu cầu của cha mẹ trẻ em mầm non cần trông giữ trẻ thêm trong thời gian sau giờ hành chính và trong các ngày nghỉ để cha mẹ làm việc. Trong thời gian này, cơ sở giáo dục chỉ thực hiện trông giữ và chăm sóc trẻ, không thực hiện các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục.
Theo UBND TP, việc quy định khoản thu và mức thu "Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ" đối với cơ sở giáo dục mầm non sẽ tạo điều kiện để phụ huynh an tâm làm việc, về phía các cơ sở giáo dục mầm non có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện triển khai, cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội một cách đúng quy định. Đồng thời, là căn cứ để các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo về chất lượng chăm sóc và an toàn cho trẻ.
Theo UBND TP, bổ sung nội dung chi phí thuê máy lạnh cấu thành vào khoản thu "Dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh" và điều chỉnh tăng mức thu tối đa từ 50.000 đồng/học sinh/tháng lên 110.000 đồng/học sinh/tháng. Cụ thể: Mức thu tối đa 50.000 đồng/học sinh/ tháng đối với những lớp đã được trang bị sẵn máy lạnh và tối đa 110.000 đồng/học sinh/tháng đối với những lớp có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có máy lạnh, phải đi thuê (Giá thuê tham khảo 1.320.000 đồng/máy/tháng, 1 lớp trang bị 2 máy, 45 học sinh/lớp, tạm tính 60.000 đồng/học sinh/tháng). Trong những ngày nóng đỉnh điểm lên đến 38 - 39°C, quạt máy không đủ sức giảm nhiệt, thuê máy lạnh để sử dụng tạm thời trong thời gian năm học, giảm bớt sức nóng cho học sinh trong mùa nắng nóng là giải pháp và nhu cầu thiết thực, chính đáng của học sinh và cha mẹ. Đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh có sức khỏe, an tâm học tập.
TP.HCM sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã
Đối với tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, giai đoạn 2023-2030, TP.HCM sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã, là 80 phường, gồm 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề. Dự kiến sau sắp xếp, TP.HCM sẽ giảm 39 phường.
Việc sắp xếp số lượng lớn ĐVHC cấp xã trong thời gian ngắn, đặc biệt trong giai đoạn 2023 - 2025 - thời điểm TP.HCM tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cùng nhiều chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, việc sắp xếp cũng tác động mạnh đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công việc trong thời gian đầu sau sắp xếp.
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, việc sắp xếp sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Sau sắp xếp, công tác quản lý nhà nước được tăng cường; giảm đáng kể chi phí cho việc chi trả lương, phụ cấp và chi phí xây dựng, sửa chữa trụ sở các cơ quan, đơn vị ở nơi có sắp xếp. UBND TP.HCM khẳng định việc sắp xếp đảm bảo đúng quy định, theo hướng dẫn và phương án đã được Bộ Nội vụ thống nhất.
Để sắp xếp, UBND TP.HCM xây dựng 38 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã ở 10 quận. Trong đó, có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường thành 1 phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường thành 1 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới ĐVHC để thành lập phường mới.
UBND TP.HCM nhận định việc sắp xếp này tuy có làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu, nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương nên đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cũng trình các tờ trình của UBND TP về việc kiến nghị bãi bỏ Nghị quyết số 96/NQ-HĐND của HĐND TP về cho phép UBND TP huy động vốn để đầu tư Chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP.HCM - Chương trình 2 theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; về điều chỉnh chỉ tiêu thu chi ngân sách tại Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên và hỗ trợ lương đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giai đoạn 2024 - 2025; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030.