Ủ rũ, căng thẳng, lo lắng, bất an... là bệnh gì?

Tuấn Vũ| 28/03/2012 10:44

Có bao giờ bạn lâm vào trạng thái luôn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ và căng thẳng? Lo lắng, bất an, rất dễ tức giận và nổi nóng? Chán nản, không có hứng thú làm bất cứ chuyện gì? Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân và người khác? Nếu câu trả lời là "có", có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm...

Theo PGS.TS. Trần Hữu Bình, Viện sức khỏe tâm thần, nói đến trầm cảm, tức là nói đến một loại bệnh lý về rối loạn cảm xúc, biểu hiện đặc trưng khí sắc trầm buồn, mất quan tâm thích thú, giảm sinh lực dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần.

Người ta thường gặp trầm cảm điển hình từ 5 - 10%; có thể gặp từ 25 - 30% rối loạn trầm cảm trong các phòng khám nội khoa chung. Trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi; nữ nhiều hơn nam.

Các hình loại trầm cảm điển hình và trầm cảm không điển hình: trầm cảm điển hình phản ánh sự ức chế các mặt của tâm lý: cảm xúc, tư duy, hoạt động, chú ý, trí nhớ, trí tuệ...; trầm cảm không điển hình: cảm xúc buồn không rõ ràng, kín đáo nổi bật các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng thần kinh thực vật - nội tạng nổi trội chiếm ưu thế. Trong thực hành nội khoa có 2 loại trầm cảm thường gặp: trầm cảm thực thể (là trầm cảm phát sinh sau một bệnh lý cơ thể mãn tính; rối loạn trầm cảm xuất hiện và tiến triển liên quan chặt chẽ đến hội chứng đau và suy nhược); trầm cảm cơ thể (còn gọi là trầm cảm ẩn, hoặc trầm cảm che đậy, là rối loạn trầm cảm ở mức độ nhẹ, mờ nhạt, ẩn dưới diện mạo của những rối loạn cơ thể, thần kinh thực vật nội tạng đa dạng nổi trội chiếm ưu thế).

Những biểu hiện của trầm cảm: một giai đoạn trầm cảm điển hình có 3 triệu chứng chủ yếu: một, khí sắc trầm buồn; hai, giảm hoặc mất quan tâm thích thú mọi ham muốn; ba, giảm sinh lực dẫn đến dễ mệt mỏi và giảm hoạt động sau một cố gắng nhỏ.

Bảy triệu chứng phổ biến: giảm tập trung chú ý; giảm tính tự trọng và lòng tự tin; ý nghĩ có tội hoặc thấy mình không xứng đáng; nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; giảm hoặc tăng thèm muốn ăn uống, thay đổi trọng lượng cơ thể.

Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, có các loại triệu chứng để chẩn đoán: triệu chứng về cảm xúc gồm buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày, mất hy vọng; triệu chứng cơ thể: gồm rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, giảm sinh lực; triệu chứng vận động tâm thần như chậm chạp, bồn chồn; triệu chứng về tâm lý: cảm thấy mình vô dụng, cho mình có tội, giảm tập trung chú ý, tính do dự không quả quyết, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát.

Nguyên nhân: những biểu hiện rối loạn trầm cảm là do sự tác động qua lại không ngừng giữa các yếu tố bên ngoài: văn hóa, tình huống xã hội, hiện tại, các mối quan hệ của con người với những yếu tố bên trong: thái độ, chức năng não bị thay đổi, những tổn thương, di truyền.

Cách điều trị và dự phòng

- Điều trị rối loạn trầm cảm bằng liệu pháp hóa dược, chọn lựa các thuốc chống trầm cảm do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định: thường là các thuốc chống trầm cảm mới như Remeron, liều trung bình 30 mg một ngày (tối).

Trong những trường hợp trầm cảm nặng có loạn thần (hoang tưởng bị tội) thì phải kết hợp các thuốc chống trầm cảm với các thuốc an thần kinh chọn lựa (Risperdal, liều trung bình 2 - 3 mg/ngày), thường phối hợp với các thuốc chỉnh khí sắc (Depamide, liều từ 300 - 600 mg/ngày).

- Sử dụng liệu pháp tâm lý, nhận thức hành vi trong những trường hợp trầm cảm có liên quan đến các yếu tố tâm lý xã hội.

Đối với những rối loạn “trầm cảm cơ thể” thường gặp trong nội khoa thì phải phối hợp điều trị giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và bác sĩ nội khoa, nhằm giải quyết các rối loạn trầm cảm và các rối loạn nổi bật thuộc bệnh lý cơ thể. Chọn lựa các loại thuốc chữa nguyên nhân, chữa triệu chứng bệnh nội khoa (thực thể hoặc chức năng) với các thuốc chống trầm cảm hợp lý.

Thời gian điều trị: thường từ 4 - 6 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủ rũ, căng thẳng, lo lắng, bất an... là bệnh gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO