Trường quốc tế đột ngột đóng cửa: Giải pháp nào cho phụ huynh và học sinh?
Thời gian qua, một số trường quốc tế thông báo ngừng hoạt động, không ít phụ huynh lo lắng đến tâm lý trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh cần sự đồng hành cùng trẻ để giúp các em vượt qua giai đoạn chuyển trường, đồng thời tạo một môi trường ổn định và an toàn về tâm lý.

Trường đóng cửa, phụ huynh bị sốc
Trong hơn một năm, trên địa bàn TP.HCM đã có 3 trường quốc tế thông báo ngừng hoạt động do khó khăn về tài chính. Mới đây, Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thông báo sẽ ngừng hoạt động trong năm 2025.
Trao đổi với Tạp chí Khoa học phổ thông, đại diện truyền thông Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP) xác nhận điều này. Lý do trường này đưa ra do đang đối mặt với một bối cảnh đầy thách thức và nhiều thay đổi. Phía nhà trường đã nỗ lực để thích ứng trước tình trạng suy giảm tuyển sinh, nhưng số lượng học sinh hiện tại thấp hơn nhiều so với dự báo.
Theo đại diện nhà trường, toàn bộ học sinh hiện đang theo học tại ISSP đều được đảm bảo chuyển trường và nhập học tại Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC). Nhà trường cũng thành lập một đội ngũ chuyên trách hỗ trợ phụ huynh trong quá trình chuyển trường về ISHCMC hoặc tìm kiếm các trường quốc tế khác phù hợp nguyện vọng của các gia đình.
"Đội ngũ chuyên trách này sẽ hỗ trợ các khía cạnh của quá trình chuyển trường, bao gồm việc tiếp nhận, chương trình học và đời sống học đường. Đối với những học sinh chuyển trường về ISHCMC, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ xe bus đưa đón miễn phí dành cho trẻ em từ đủ 4 tuổi (theo quy định) trong thời gian đến 3 năm", đại diện truyền thông nhà trường cho biết.

Trước tình hình trên, không ít phụ huynh bị động và lúng túng. Chị Ngô Thị Hoa (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) – phụ huynh học sinh trường cho biết, trước đó không bao giờ nghĩ ngôi trường quốc tế mà con mình theo học lại đột ngột đóng cửa. Dù được hỗ trợ chuyển vào Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC), chị vẫn không khỏi lo lắng con sẽ gặp khó khăn trong việc học tập, kết bạn ở môi trường mới.
"Khi nghe tin, con của tôi cũng buồn. Con còn nhỏ phải mất khá nhiều thời gian mới có thể làm quen với môi trường, thầy cô và bạn bè, thế mà bây giờ phải làm quen lại từ đầu. Tôi lo con sẽ không kịp thích ứng", chị Hoa chia sẻ.
Trong khi đó, cũng có phụ huynh cảm thấy tiếc nuối khi nghe tin trường đóng cửa. Chị Nguyễn Minh Hoàng (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cựu phụ huynh của trường cho rằng: "Hai con của tôi đã và đang theo học tại ISSP, nên khi nhận được email đóng cửa thấy rất buồn và tiếc cho trường. Các thầy cô tại đây rất tận tâm và nhiệt tình trong việc giảng dạy, đào tạo học sinh".
Ngày 20/2, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chỉ đạo nhà trường từ nay đến cuối năm học tổ chức dạy học bình thường, đảm bảo duy trì chất lượng, sớm triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học của học sinh bị gián đoạn, tổ chức họp phụ huynh học sinh nhằm trao đổi hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh hoàn tất hồ sơ chuyển trường theo quy định, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập và các nhà đầu tư, các trường có vốn đầu tư nước ngoài tiếp nhận học sinh chuyển từ Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl đến theo nhu cầu, tạo điều kiện để học sinh nhanh chóng hòa nhập và ổn định học tập.
Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP) là một trường quốc tế đơn ngữ dành cho trẻ từ 18 tháng đến 11 tuổi, nằm tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trường là thành viên của Tập đoàn giáo dục Cognita, với hơn 100 trường thành viên trên toàn thế giới.
Trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý
Trước đó, nhiều trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM cũng đột ngột thông báo đóng cửa, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng trước tâm lý của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, để trẻ thích ứng với môi trường mới, không bị ảnh hưởng tâm lý, phụ huynh cần có sự đồng hành cùng con trẻ.
Theo TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, việc chuyển trường và thay đổi môi trường học có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mầm non và tiểu học, nhưng mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy từng bé. Có trẻ thích nghi rất nhanh, thậm chí hứng thú với sự thay đổi. Tuy nhiên, một số trẻ nhạy cảm hơn có thể gặp phải cú sốc tâm lý.

Trẻ có thể biểu hiện sự lo lắng và sợ hãi do phải thích nghi với môi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới và những điều không quen thuộc. Đặc biệt, trẻ mầm non rất cần cảm giác an toàn, nên khi rời xa môi trường cũ, các bé có thể phản ứng tiêu cực, thậm chí không muốn đến trường. Một số trẻ trở nên tự ti, khó hòa nhập, ít giao tiếp với bạn bè và thầy cô. Quá trình thích nghi có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, và nếu môi trường mới không phù hợp, một số trường hợp có thể buộc phải chuyển trường lần nữa.
Ngoài ra, trẻ có thể buồn bã, nhớ bạn cũ, trường cũ và thầy cô cũ, dẫn đến cảm giác cô đơn và thiếu sự thấu hiểu. Biểu hiện tâm lý tiêu cực có thể là cáu kỉnh, quấy khóc, rối loạn ăn ngủ – ăn ít hoặc ăn quá nhiều đồ ngọt, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, thậm chí gặp ác mộng. Trẻ tiểu học có thể sợ học, chán học do chưa quen với phương pháp giảng dạy mới, dẫn đến mất động lực học tập. Một số trẻ có thể thu mình, ít giao tiếp, trong khi số khác lại trở nên cáu gắt, dễ gây hấn với bạn bè. Đây là những dấu hiệu mà phụ huynh cần quan sát để có hướng hỗ trợ kịp thời.
Làm gì khi trẻ phải đột ngột chuyển trường?
Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn chuyển trường dễ dàng hơn, theo TS Phạm Thị Thúy điều quan trọng nhất là phụ huynh phải giữ được sự bình tĩnh, ổn định tâm lý của chính mình. Việc lo lắng quá mức hoặc phản ứng tiêu cực có thể tác động xấu đến tâm lý trẻ. Cha mẹ cần hiểu rằng trường tư nhân hay quốc tế có thể đóng cửa do vấn đề kinh doanh, và việc chuyển trường không phải là điều quá nghiêm trọng.
Trước khi chuyển trường, phụ huynh cần trò chuyện với con, giải thích lý do thay đổi, giúp trẻ hình dung những điểm tích cực của môi trường mới. Nếu có điều kiện, nên cho trẻ đến tham quan trường trước ngày nhập học chính thức, làm quen với không gian mới, thầy cô và bạn bè. Điều này sẽ giúp trẻ giảm bớt sự lo lắng và tạo tâm lý sẵn sàng cho sự thay đổi.
Khi trẻ đã nhập học, cha mẹ cần hỗ trợ con trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội. Việc giúp trẻ làm quen với bạn bè và giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Nếu có thể, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động chung với bạn bè mới hoặc tổ chức một buổi gặp gỡ để trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Mối quan hệ xã hội tích cực sẽ giúp trẻ thích nghi nhanh hơn.
Ngoài ra, phụ huynh cần quan sát và lắng nghe con một cách tinh tế. Thay vì đặt câu hỏi dồn dập hoặc áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, hãy để con tự nhiên chia sẻ cảm xúc. Cảm xúc của trẻ cần được tôn trọng, ngay cả khi đó là sự buồn bã hay lo lắng. Đồng thời, cha mẹ không nên so sánh con với bạn bè khác vì mỗi trẻ có tốc độ thích nghi khác nhau.
Để giảm bớt áp lực, trẻ cũng cần duy trì sự kết nối với bạn bè và thầy cô cũ. Phụ huynh có thể sắp xếp các cuộc gặp gỡ hoặc duy trì liên lạc qua tin nhắn, gọi điện. Điều này giúp trẻ cảm thấy an tâm rằng các mối quan hệ quan trọng không bị mất đi.
Nếu các biểu hiện tiêu cực kéo dài hơn hai tuần, ảnh hưởng đến ăn uống, giấc ngủ, học tập và giao tiếp xã hội, phụ huynh nên cân nhắc nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Cuối cùng, để trẻ có thể thích nghi tốt hơn, môi trường gia đình cũng phải là nơi an toàn, ổn định về mặt tâm lý. Khi trẻ cảm thấy được yêu thương, thấu hiểu trong gia đình, quá trình thích nghi với trường mới sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, cha mẹ cần dành thời gian ngồi cùng trẻ, giải thích rõ lý do tại sao việc chuyển trường là cần thiết, cũng như những lợi ích mà trẻ sẽ nhận được từ môi trường mới. Cha mẹ nên chia sẻ với trẻ về những thay đổi có thể gặp phải, chẳng hạn như việc đi học xa hơn, thức dậy sớm hơn, hay việc học bán trú thay vì một buổi. Sau đó, cha mẹ lắng nghe và chia sẻ cùng trẻ về những lo lắng của con.
"Khi trẻ bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ, cha mẹ có thể cùng trẻ thảo luận và giúp con đối mặt với những nỗi sợ, đồng thời chỉ cho trẻ những kỹ năng hữu ích để kết bạn và tạo ấn tượng tốt với thầy cô. Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy được hỗ trợ và yên tâm hơn trong việc thích nghi với môi trường học mới", ThS Vui chia sẻ.
*Tên phụ huynh đã thay đổi
Cần làm rõ khái niệm "trường quốc tế"
Pháp luật Việt Nam hiện không có khái niệm "trường quốc tế" mà chỉ có trường công lập, dân lập và tư thục. Việc các trường quốc tế tồn tại trên thực tế nhưng không được quy định rõ ràng trong pháp luật phản ánh sự bất cập trong hệ thống pháp lý.
Theo Luật sư Hồ Thanh Thảo - Luật sư điều hành tại HT Partners Law & IP, Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 86/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi 124/2024/NĐ-CP), Việt Nam chỉ công nhận trường có vốn đầu tư nước ngoài, không có khái niệm "trường quốc tế". Thực tế, tình trạng nhiều trường tự gắn mác "quốc tế" vì không có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về cách đặt tên, gây nhầm lẫn cho phụ huynh và học sinh. Do đó, cần có quy định cụ thể để minh bạch hóa và quản lý chặt chẽ loại hình giáo dục này.
Đồng tình, Luật sư Phan Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Phan Thanh Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) - cho biết theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 5 thông tư 32/2020 ngày 15/9/2020 của Bộ giáo dục quy định: "Việc đặt tên riêng của trường phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc". Tuy nhiên, đây là quy định mang tính nguyên tắc, còn Luật Giáo dục cũng như các văn bản hướng dẫn không có làm rõ khái niệm thế nào là trường quốc tế dẫn đến tình trạng các trường lạm dụng gắn chữ quốc tế vào tên để đánh lừa phụ huynh và học sinh.
"Đây là một trường hợp pháp luật chưa điều chỉnh kịp với thực tế cuộc sống đang diễn ra. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định các tiêu chuẩn cụ thể về trường quốc tế để đảm bảo rõ ràng không gây hiểu nhầm cho phụ huynh và học sinh như hiện nay", Luật sư Bình nói.
Theo đó, Luật sư Hồ Thanh Thảo khuyến cáo khi chọn trường cho con theo học, cha mẹ nên kiểm tra pháp lý của trường, đảm bảo có giấy phép hoạt động hợp pháp theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi 124/2024/NĐ-CP). Xác minh chương trình giảng dạy có kiểm định quốc tế (IB, Cambridge,...) và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Ngoài ra, cũng cần xem xét tỷ lệ giáo viên nước ngoài, cơ sở vật chất, học phí có tương xứng không. Đồng thời, tham khảo ý kiến từ phụ huynh có con theo học để có đánh giá thực tế. Việc chọn trường cần cân nhắc kỹ để đảm bảo môi trường học tập thực sự quốc tế và phù hợp cho con.