Y học

Trẻ từ 3 tuổi có tiền sử gia đình tăng huyết áp nên đi khám hàng năm

An Quý 17/10/2023 16:34

Theo ghi nhận, khoảng 3,5% trẻ bị tăng huyết áp, 10 - 11% trẻ có huyết áp cao. Tăng huyết áp thường đi kèm với tình trạng thừa cân, béo phì.

Năm 2023 đánh dấu cột mốc lần thứ 30 Bệnh viện Nhi đồng 2 tổ chức Hội nghị Khoa học. Ngày 16 và 17/10/2023, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tổ chức Khóa đào tạo của Hiệp hội Thận Nhi Quốc tế (IPNA) và Hội thảo Khoa học Dược bệnh viện.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Lĩnh vực thận nhi là một trong những lĩnh vực khó. Đây là một lĩnh vực trọng yếu mà Bệnh viện Nhi đồng 2 đang và sẽ tập trung phát triển. Các bệnh thận ở nhi thường sẽ được chẩn đoán hoặc là chậm trễ hoặc chẩn đoán sai lầm, dẫn đến điều trị trễ hoặc sai hướng.

Theo thống kê thế giới và Việt Nam, số lượng trẻ mắc bệnh thận ngày càng tăng như các bệnh lý về cầu thận, suy thận cấp, các bệnh lý về tăng huyết áp, sạn thận. Việc chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý ở thận nhi sẽ đem lại hiệu quả, giúp các trẻ quay về cuộc sống bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội; giảm tỷ lệ tử vong, giảm thời gian nằm viện.”

Bệnh thận mạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ mắc mới của bệnh thận mạn giai đoạn cuối của trẻ em dưới 15 tuổi hằng năm trên toàn thế giới khác nhau tùy từng nước. Trung bình tỷ lệ mắc mới khoảng 5 - 6 trẻ dưới 15 tuổi/1 triệu trẻ.

bv-nhi-dong-2-0-anh-minh-hoa.jpg
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, lĩnh vực thận nhi là một trong những lĩnh vực khó. Đây là một lĩnh vực trọng yếu mà Bệnh viện Nhi đồng 2 đang và sẽ tập trung phát triển. Ảnh minh họa

Cập nhật về bệnh lý tăng huyết áp ở nhi, theo TS.BS Kim Reidy, Trưởng khoa Khoa Thận Nhi, Bệnh viện Nhi Montefiore, Trưởng Y khoa Albert Einstein, Bronx (New York, Mỹ), tần suất đánh giá tăng huyết áp ở trẻ diễn ra ở khoảng 35% tất cả các lần thăm khám, 67% tất các lần khám định kỳ, đặc biệt là 84% lần khám định kỳ ở trẻ thừa cân, béo phì.

“Theo ghi nhận, khoảng 3,5% trẻ bị tăng huyết áp, 10 - 11% trẻ có huyết áp cao. Tăng huyết áp thường đi kèm với tình trạng béo phì. Tăng huyết áp ở trẻ em gây tăng nguy cơ tăng huyết áp ở người lớn và các bệnh lý tim mạch khác. Trẻ em bị tăng huyết áp sẽ dẫn đến tình trạng lão hóa mạch máu tiến triển,” BS Kim Reidy cho biết.

Vì vậy, trẻ em và vị thành niên từ 3 tuổi trở lên nên đi đo huyết áp hằng năm. Ở những trẻ bị béo phì, uống thuốc làm tăng huyết áp, trẻ bị bệnh thận, tiền căn hẹp hoặc tắc nghẽn cung động mạch chủ hoặc mắc đái tháo đường nên đi tầm soát huyết áp ở mỗi lần khám.

Bà từng gặp một số trẻ nữ (14 tuổi), không triệu chứng gì đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện trẻ bị tăng huyết áp giai đoạn 1 (126/80). Trẻ có chiều cao là 1m62, cân nặng 68kg. Bệnh nhi được hẹn tái khám sau 1 tuần, trẻ vẫn bị tăng huyết áp. Vì vậy, trẻ được chẩn đoán tăng nguy cơ tiến triển thành tăng huyết áp kéo dài.

“Chúng tôi đã tư vấn lối sống lành mạnh cho tim và hẹn theo dõi trong 6 tháng để tái đánh giá huyết áp,” BS Kim nói.

Theo một nghiên cứu tiến hành trên 300 trẻ đến khám lần đầu tại khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2, gồm 142 trẻ béo phì và 158 trẻ không béo phì. Trong đó, ghi nhận 71,13% trẻ béo phì là nam, trẻ béo phì nhiều nhất là độ tuổi từ 6 - 11 tuổi (60,56%), 49,30% ở TP.HCM, 30,99% ở các khu vực thuộc thị xã, thị trấn của các tỉnh.

Đa số trẻ đều thích ăn vặt nhưng tỷ lệ ăn vặt ở nhóm béo phì trội hơn (80,99% so với 67,72%). Trẻ béo phì có liên quan nhiều đến chế độ ăn nhiều béo, hay ăn vặt, ăn quá nhanh ít vận động. Trẻ béo phì thường bị ngưng uống sữa.

Lối sống lành mạnh cho tim gồm có di chuyển nhiều hơn; bao gồm hoạt động thể lực vừa đến nặng từ 3 - 5 ngày/tuần; 30 - 60 phút/lần; dưới 2 giờ hoạt động thụ động/ngày dành cho xem tivi hoặc chơi game; không hút thuốc lá truyền thống lẫn thuốc lá điện tử.

Chế độ ăn thông minh sẽ là rau và trái cây nhiều hơn; ngũ cốc nguyên hạt nhiều hơn; sử dụng sản phẩm sữa ít béo; ít muối và hạn chế thêm đường.

Các chuyên gia còn đưa ra các triệu chứng gợi ý tăng huyết áp ở trẻ do nguyên nhân nội tiết (sụt cân, chảy mồ hôi, cơn bốc hỏa, hồi hộp, co thắt cơ, táo bón…); sử dụng một số loại thuốc; tiền căn gia đình (bệnh tim mạch sớm, tai biến mạch máu não); chế độ ăn (nhiều muối, nhiều chất kích thích như caffeine); hút thuốc/uống rượu/thuốc cấm; tiền căn giấc ngủ (ngáy, buồn ngủ ban ngày)…

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 30 được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 16 và 17/10, tại buổi Hội thảo khoa học Dược, TTƯT.BSCKII Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2, diễn ra buổi trao đổi về dược học với quy mô lớn để các dược sĩ cùng nhìn lại, báo cáo và trao đổi kinh nghiệm sử dụng dược lâm sàng đối với chuyên khoa nhi.

Trong hội nghị, dược sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Bệnh viện Nhi đồng 1, đã chia sẻ về hoạt động cải tiến tủ thuốc trực tại các khoa lâm sàng tại bệnh viện mình. Theo dược sĩ Thùy Dương, thuốc tiếp xúc với ánh sáng sẽ giảm hiệu quả và sinh ra chất có hại. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành khảo sát và thấy 90% các khoa lâm sàng chưa bảo quản tủ thuốc trực chống ánh sáng.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã rút kinh nghiệm từ ghi nhận thực tế, xây dựng quy trình quản lý tủ thuốc trực, dán kính mờ để ánh sáng không tiếp xúc với thuốc ở tủ thuốc trực. Thuốc cũng được thống nhất về nhãn, sắp xếp vị trí hợp lý.

Không chỉ thế, hộp thuốc bố trí thanh lưu động để phân định thuốc mới và thuốc cũ, tránh được thuốc cận date do bị bỏ quên. Kể từ khi áp dụng quy trình này, bệnh viện giảm được sai sót về sử dụng thuốc cho người bệnh và cải thiện được tinh thần cho nhân viên y tế.

Đại diện khoa dược, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bảo quản thuốc quan trọng nhất là duy trì nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, nhất là trong mùa mưa. Để thực hiện điều này, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã bố trí thêm những máy hút ẩm tại Khoa Dược.

Bệnh viện còn xây dựng kho lạnh thay cho các tủ lạnh (điều kiện bảo quản từ 2 - 8 độ C) để bảo quản vắcxin. Kho dược của bệnh viện được trang bị hệ thống cảnh báo tự động nhằm theo dõi nhiệt độ, độ ẩm. Ngoài ra, Khoa Dược còn có những cải tiến mới, ứng dụng phần mềm tự động cảnh báo cho thủ kho khi đăng nhập để biết được thuốc nào cận date hoặc số lượng sắp hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ từ 3 tuổi có tiền sử gia đình tăng huyết áp nên đi khám hàng năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO