Kinh doanh

TP.HCM và Đồng Nai hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá

HOÀNG NGUYỄN 18/10/2024 - 16:32

TP.HCM và tỉnh Đồng Nai triển khai hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá trên địa bàn, tạo điều kiện cho nhà cung cấp đưa sản phẩm chất lượng vào hệ thống phân phối lớn.

Chiều 18/10, Sở Công thương TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.

Đồng Nai: Phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh có nhiều nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap. Nhiều sản phẩm đã được xác nhận tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

san-pham-dong-nai.jpg
Một số đơn vị sản xuất của Đồng Nai giới thiệu sản phẩm bên lề hội nghị.

Đối với chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay Đồng Nai đã xây dựng và triển khai thực hiện được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Sản lượng hàng tháng gần 16.000 tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa (13.887 tấn thịt, 1.490 tấn sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, 508 tấn rau, nấm) và hơn 10 triệu quả trứng. Đối với sản phẩm OCOP, Đồng Nai có 241 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 46 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Đối với chuỗi liên kết, đến nay, Đồng Nai có 273 chuỗi liên kết với sự tham gia của 127 doanh nghiệp, 70 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác và 15.300 hộ gia đình tham gia liên kết; tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu thụ qua chuỗi bình quân ước đạt 45,5%. Hiện nay, Đồng Nai có 43 cơ sở giết mổ với tổng công suất 2.820 gia súc/ngày, 48.500 gia cầm/ngày; 47 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thịt heo, gà với quy mô tiêu thụ nguyên liệu 100 nghìn tấn/năm; 150 cơ sở nhỏ lẻ chế biến thủ nông sản phẩm từ thịt với tổng công suất khoảng 1 nghìn tấn sản phẩm/năm.

“Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết chưa tương xứng với sản lượng thực tế sản xuất, phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái. Trong suốt những năm vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã và đang phối hợp cùng các sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào hệ thống các siêu thị và các bếp ăn tập thể, kết nối hệ thống tiêu thụ, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại thị sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh này vẫn còn khá khiêm tốn”, ông Sinh chia sẻ.

Theo ông Sinh, thông qua hoạt động triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Đồng Nai đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa theo quy định hiện hành sẽ có cơ hội vào các siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Việc kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống các siêu thị của các doanh nghiệp, HTX sẽ là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp mở rộng, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm.

Sản phẩm chất lượng có “tích xanh” để nhận diện

ong-nguyen-nguyen-phuong.jpg
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM và ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai (bên phải) chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, việc triển khai nâng cao quản lý chất lượng hàng hóa tại TP.HCM đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi nhất. TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước có Sở An toàn thực phẩm, mới nhất, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM triển khai giám sát an toàn thực phẩm.

Theo ông Phương, giá cả và chất lượng là yếu tố quyết định đến sản phẩm. Sản phẩm chất lượng sẽ có giá cao và nếu không phân biệt được chất lượng thì rất khó để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại giá thấp hơn. Vì vậy, tốt nhất là nâng chất lượng của nhà sản xuất và các cơ quan nhà nước xác nhận minh bạch mọi thứ để người tiêu dùng lựa chọn. TP.HCM đã triển khai chương trình “tích xanh trách nhiệm” và với sự giới thiệu của các cơ quan, báo đài thì người tiêu dùng sẽ nhận biết phân biệt được những sản phẩm chất lượng có “tích xanh” để lựa chọn.

Tham gia hội nghị, các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, HTX đã tham gia đóng góp các ý kiến thiết thực, đánh giá đúng thực trạng liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hiện nay, các thuận lợi, khó khăn đang tồn tại tìm ra giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất nhằm kết nối, hỗ trợ đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản của tỉnh Đồng Nai đăng ký tham gia chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng nông sản, tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại TP.HCM nói riêng, toàn quốc nói chung, cũng như hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Sở Công thương TP.HCM và Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, 3 nhà phân phối lớn của TP.HCM (Chi nhánh Tổng Công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV – Trung tâm phân phối SATRA, Công ty CPTM Bách Hóa Xanh và Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ hàng hóa với 10 nhà cung cấp của tỉnh Đồng Nai. Các mặt hàng của các nhà cung cấp gồm: gà thịt, khô gà, rau củ quả tươi và chế biến sẵn (bắp, dưa lưới, bưởi da xanh, mít sấy, chuối sấy,…), nước tương, trà và cốm gạo lứt huyết rồng,…

ky-ket.jpg
Đại diện nhà phân phối TP.HCM ký kết với nhà cung cấp của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị.

Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM là nội dung được Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, Ủy ban nhân dân TP.HCM, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát động từ tháng 3/2024. Chương trình nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hướng đến chuỗi cung ứng Bền vững - An toàn - Trách nhiệm - Minh bạch; góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng.

Với ý nghĩa “Nâng trách nhiệm hôm nay - Mạnh thế hệ mai sau”, lãnh đạo TP.HCM, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM, lãnh đạo 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam xác định rõ cam kết, quyết tâm vượt mọi rào cản; kiên trì giải pháp nâng trách nhiệm của tất cả các bên, cụ thể:

- Nhà cung cấp: tự giác, nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, phát hiện và tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng; đây là hành động trách nhiệm, được người tiêu dùng và nhà bán lẻ tín nhiệm, đánh giá cao, được gắn “Tick xanh trách nhiệm”.

- Nhà bán lẻ: cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

- Người tiêu dùng: trách nhiệm giám sát, cảnh báo, chung tay ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; ưu tiên lựa chọn sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

- Nhà nước: trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa; phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM và Đồng Nai hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO