TP.HCM tích cực chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chiều 5/12, Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với TP.HCM về công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Mở đầu buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa điểm lại những sự kiện lịch sử của đất nước đã được tổ chức thành công trong năm 2024, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Cả nước hướng về Điện Biên Phủ với lòng tự hào và tri ân sâu sắc.
Hoạt động Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có quy mô cấp quốc gia, do Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM tổ chức. Theo đó có 15 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành và TP.HCM, trong đó TP.HCM trực tiếp chủ trì 8 nhiệm vụ.
TP.HCM có nhiều hoạt động thiết thực
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trần Thị Diệu Thúy, cho biết thành phố xác định công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc đời sống cho người có công, cùng thân nhân của họ, không chỉ đối với các đối tượng chính sách trong TP mà còn ở nhiều nơi trên cả nước, là một trách nhiệm lớn và là đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân thành phố.
Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, TP.HCM còn chú trọng các hoạt động chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, các đài tưởng niệm, đền thờ và nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn. Thành phố cũng tổ chức phục dựng hình ảnh liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, sửa chữa và xây dựng mới 140 nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Đồng thời, TP tổ chức các chương trình về nguồn cho những người có công cách mạng tiêu biểu, cũng như các buổi gặp mặt, tôn vinh và tri ân những cá nhân đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố khác, những người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Về việc phát động phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tính đến nay, TP đã thực hiện 61 chương trình, công trình, dự án thuộc 7 nhóm lĩnh vực, do 26 cơ quan, đơn vị chủ trì. TP sẽ lựa chọn và công nhận 50 công trình tiêu biểu cấp TP. Ngoài ra, các ngành và địa phương cũng đã đăng ký 1.972 chương trình, công trình, dự án thi đua nhân dịp này. Thành phố cũng sẽ chọn và công nhận các công trình cấp cơ sở để chào mừng dịp kỷ niệm. Hiện có 6 trong số 61 chương trình, công trình, dự án đã hoàn thành, trong khi 55 công trình còn lại đang tiếp tục triển khai đúng tiến độ.
Đồng thời, TP đã tích cực tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân để bình chọn 50 tác phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; 50 công trình xây dựng tiêu biểu; 50 nhân vật tiêu biểu; 50 sản phẩm chủ lực. Cuộc bình chọn này đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo người dân. Dự kiến, kết quả sẽ được công bố vào cuối năm 2024.
Về tổ chức Lễ diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm tại TP.HCM vào ngày 30/4/2025, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với TP.HCM thực hiện khảo sát thực tế và thống nhất dự thảo Đề án tổ chức diễu binh, diễu hành trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phần diễu binh sẽ có 35 khối lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện, trong khi phần diễu hành sẽ do TP.HCM đảm nhiệm với 11 khối. Tổng số lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành dự kiến lên tới hơn 13.000 người. Đến nay, TP đã nhận được 11 đơn vị đóng góp ý kiến, và các ý kiến đã được tổng hợp, chỉnh sửa, trình Ban Chỉ đạo TP gửi Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, phê duyệt.
Chương trình diễu binh, diễu hành sẽ được tổ chức vào sáng ngày 30/4/2025
Trong báo cáo về Đề án tổ chức diễu binh, diễu hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết chương trình diễu binh, diễu hành sẽ được tổ chức vào sáng ngày 30/4/2025, tại đường Lê Duẩn, Quận 1.
Chương trình sẽ bao gồm các nội dung như: Bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không quân bay chào mừng; diễu hành của xe mô hình Quốc huy, Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc, xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe mô hình biểu tượng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; diễu binh các khối Quân đội, Dân quân tự vệ, Công an; và diễu hành các khối quần chúng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án diễu binh, diễu hành. Các công việc bao gồm thiết kế, thi công, vận hành xe mô hình Quốc huy, xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe mô hình biểu tượng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như xe mô hình biểu tượng các khối diễu hành; huy động và tổ chức luyện tập; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong các buổi hợp luyện, sơ duyệt và tổng duyệt.
Ngoài ra, TP.HCM cần phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt mọi công tác để Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức sơ duyệt, tổng duyệt Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Thành phố cũng phải cung cấp chương trình Lễ kỷ niệm có các mốc thời gian cụ thể để Bộ Quốc phòng tổ chức hợp luyện theo kịch bản buổi lễ; đảm bảo vị trí chỉ huy và công tác sẵn sàng chiến đấu, an ninh, an toàn tại khu vực lễ đài; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc truyền hình ảnh, âm thanh từ trận địa bắn Pháo lễ về lễ đài; bảo đảm hệ thống loa phóng thanh trên các tuyến đường có khối diễu binh, diễu hành đi qua; lắp đặt hệ thống camera và màn hình LED tại một số địa điểm để phục vụ nhân dân theo dõi truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm và bắn pháo lễ.