TP.HCM tập trung cho mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2024
Chiều 1/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Phan Văn Mãi, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024. Phiên họp có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Phiên họp còn có sự tham dự của đại diên Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, lãnh đạo các Sở, ngành…
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong quý III, TP.HCM vẫn giữ nhịp tăng trưởng nhưng chưa có đột phá, giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp (đạt khoảng 20%).
"Công tác giải ngân của Thành phố rất đáng lo. Tháng 4, tháng 5, Thành phố xác định mỗi tuần giải ngân từ 3.500-4.000 tỷ đồng, nhưng thực tế khối lượng chỉ khoảng 200 tỷ đồng/tuần. Đây là khối lượng rất thấp so với yêu cầu", Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị dự họp phân tích các vướng mắc của các dự án đầu tư công đang thực hiện và những dự án mới khởi công, đồng thời nhấn mạnh đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.
Tính đến hết ngày 24/5, TP.HCM giải ngân hơn 6.700 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch vốn năm 2024. Ước tính hết tháng 5, Thành phố sẽ giải ngân được khoảng 11.000 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho quý IV rất lớn, Thành phố phải tập trung cao độ, "chạy nước rút" để hoàn thành kế hoạch năm.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM quý III đạt khoảng hơn 7%. Như vậy, muốn GRDP cả năm đạt 7,5% thì quý IV, Thành phố phải tăng trưởng trên 9%. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nếu không tập trung, không có giải pháp đột phá thì rất khó để đạt được.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong 9 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án. Tính đến hết ngày 2/9, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là hơn 15.800 tỷ đồng, đạt 19,9% kế hoạch năm.
Trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM cấp phép thành lập mới hơn 37.800 doanh nghiệp, với vốn đăng ký đạt gần 295.000 tỷ đồng, giảm 13,9% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 4,6% song số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 6,2%. Như vậy, cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 56 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng ước được 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng trong tháng 9 ước tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế, trong đó việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (chỉ đạt 20% kế hoạch năm, đây là mức giải ngân thấp từ trước đến nay (6 tháng giải ngân được 13,8%, quý III giải ngân chỉ 6,1%, thấp hơn cả bình quân của quý I và quý II). Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có phần nguyên nhân do chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm thực hện một số thủ tục hành chính và một phần do các chủ đầu tư chưa đẩy nhanh tiến độ.
Việc triển khai thực hiện một số nội dung Luật Đất đai 2025, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 và một số Nghị quyết của HĐND Thành phố còn chậm, chưa hiệu quả. Việc liên thông các nền tảng số giữa Thành phố các bộ, ngành còn trong quá trình hoàn thiện nên dữ liệu vận hành có lúc chưa thống nhất, còn có độ vênh…