TP.HCM tăng cường kết nối cung cầu với Tây nguyên
Năm 2024, TP.HCM tăng cường kết nối cung cầu với Tây nguyên và triển khai đồng bộ, xuyên suốt.
Sáng ngày 3/4, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây nguyên. Tham dự hội nghị có đại diện Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cùng đại diện một số nhà phân phối lớn tại TP.HCM, các doanh nghiệp vùng Tây nguyên.
Kết nối hệ thống phân phối TP.HCM với doanh nghiệp Tây nguyên
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh, các hệ thống phân phối tại TP.HCM và một số doanh nghiệp đến từ các tỉnh Tây nguyên đã có cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, chia sẻ nhằm đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối đến người tiêu dùng.
Theo đại diện Sở Công Thương các tỉnh Tây nguyên, nơi đây có tiềm năng lớn với nhiều nông sản, đặc sản. “Tuy sản phẩm chất lượng mà nông dân làm ra rất vất vả nhưng đến mùa thu hoạch lại khó tiêu thụ (như trái bơ)”, ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk chia sẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối để đưa nông sản, đặc sản tiêu tụ ở TP.HCM và các địa phương khác. Bên cạnh đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng cũng nhìn nhận, địa phương có đặc sản (sâm Ngọc Linh, nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và sản lượng chưa cao nên khó đáp ứng được để vào các chuỗi phân phối lớn.
Đại diện các hệ thống phân phối cũng đã có những chia sẻ để các địa phương, các doanh nghiệp lưu ý khi đưa hàng hóa vào hệ thống. Ông Lê Hoàng Phong, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, lượng rau của quả về chợ là 1.600 - 1.700 tấn mỗi ngày, chiếm 2/3 sản lượng nhập khẩu. Ông Phong đề nghị các doanh nghiệp ngoài chất lượng thì cần chú trọng bao bì sản phẩm.
Đại diện Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra), chuỗi siêu thị WinMart, King Food Market cũng cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng sản phẩm và bao bì. Hiện nay người tiêu dùng chú trọng đến chất lượng sản phẩm, vì vậy các ban ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để vào các hệ thống bán lẻ.
Đại diện Saigon Co.op khuyến cáo doanh nghiệp muốn đưa hàng vào hệ thống cần lưu ý các vấn đề: chất lượng sản phẩm, bao bì phải đảm bảo; hàng đưa vào phải có chính sách marketing, kế hoạch trưng bày và doanh nghiệp phải tính toán khả năng logistic (vận chuyển) giao hàng đáp ứng đúng thời gian. Co.op có tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp vào bán tại hệ thống trên 63 tỉnh thành và có sàng lọc. Sau 3 tháng bán hàng, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được thì sẽ bị loại khỏi hệ thống.
Triển khai đồng bộ kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất nội dung hợp tác ngành Công Thương giữa các địa phương năm 2024, trọng tâm là các hoạt động kết nối cung cầu cụ thể như: Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024; Chương trình “1.000 câu chuyện OCOP”; Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá; Các sự kiện Tuần lễ sản phẩm từng địa phương tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM đã có kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành giai đoạn 2023-2025 trong lĩnh vực Công Thương năm 2024; phát huy vai trò của TP trong kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, đổi mới, sáng tạo… có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024 sẽ được triển khai đồng bộ, xuyên suốt cả năm thông qua 3 nhóm nội dung: Kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn và các sàn thương mại điện tử; Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024 dự kiến từ ngày 26-29/9 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ; Kết nối theo mùa vụ, chuyên đề và kế hoạch của các tỉnh, thành tại TP và các địa phương.
Đối với kết nối theo mùa vụ, trước cao điểm thu hoạch của một số mặt hàng nông sản mùa vụ như vải thiều, nhãn, quýt, chôm chôm…; căn cứ chỉ đạo của Bộ Công Thương, đề nghị của Sở Công Thương các tỉnh, thành, Sở Công Thương TP.HCM sẽ phối hợp, đôn đốc các chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại, doanh nghiệp thương mại điện tử, đầu mối xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến… tích cực tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, ký kết hợp đồng, thu mua kịp thời nông sản mùa vụ tại các địa phương.