Giáo dục

TP.HCM nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục

Công Chương 08/11/2023 - 13:21

Nhiều tham luận, góp ý về nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM, đồng thời đưa ra những mô hình, giải pháp hiệu quả... tại tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM".

Theo đó, ngày 7/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM, Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM tổ chức tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố”.

toa-dam-3b.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, phát biểu đề dẫn.

Nhiều cách làm hiệu quả trong công tác chính trị tư tưởng

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 2.341 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông chuyên biệt; với tổng số là 36.837 đảng viên, trong đó cán bộ, nhân viên: 7.059 đảng viên; giảng viên, giáo viên: 26.536 đảng viên; sinh viên là 3.188 đảng viên và học sinh là 54 đảng viên.

Trong thời gian qua, Thành ủy TP.HCM đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đảng viên, giảng viên, giáo viên, học sinh sinh viên.

"Ban tổ chức tọa đàm nhận được hơn 30 bài từ cấp ủy đảng, chính quyền của các đảng ủy cấp trên cơ sở, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP... dưới nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau song cùng đưa ra các đánh giá, ý kiến nhận định về các nội dung công tác chính trị tư tưởng trong cơ sở giáo dục, đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện công tác này trong thời gian tới" - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho biết.

toa-dam-4.jpg
TS. Nguyễn Thiện Duy - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Đại học - Cao đẳng TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Ở khối đại học, TS. Nguyễn Thiện Duy - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Đại học - Cao đẳng TP.HCM cho biết, công tác triển khai, quán triệt học tập nghị quyết, chỉ thị… của Đảng luôn được Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TP.HCM quan tâm chú trọng. Việc triển khai kết hợp với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo đa số cán bộ đảng viên cùng học tập, tìm hiểu. Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ được quan tâm đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, như: Tổ chức các buổi tọa đàm, các câu lạc bộ, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận trên mạng Internet; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, Fanpage, Group, Facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh để tuyên truyền cho cán bộ đảng viên đặc biệt là đảng viên trẻ. Đồng thời, tổ chức các hội thi nhằm xây dựng văn hóa đọc; nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập nghị quyết; ý thức tự giác, trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên đối với việc tự nghiên cứu, học tập nghị quyết, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, đưa nghị quyết vào đời sống.

toa-dam-2b.jpg
Ông Võ Long Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức phát biểu tại tọa đàm.

Ở khối cao đẳng, ông Võ Long Triều - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, để công tác chính trị, tư tưởng được cụ thể hóa vào các hoạt động của các đơn vị, phòng, khoa, trung tâm và các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, nhà trường thành lập Ban Công tác giáo dục Chính trị Tư tưởng (Ban CTGDCTTT) mỗi năm học. Cơ cấu Ban CTGDCTTT gồm trưởng ban là Hiệu trưởng, phó ban và các ủy viên là Trưởng hoặc Phó các bộ phận như: Phòng Công tác Chính trị - HSSV, Phòng Thanh tra pháp chế, Phòng Tổ chức - Nhân sự, Phòng Hành chính – Tổng hợp; thành phần còn có Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Bí thư Đoàn Thanh Niên, Chủ tịch Hội sinh viên. Nhiệm vụ của Ban là xây dựng kế hoạch, lịch hoạt động năm học, theo dõi, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và các hoạt động chính trị của đất nước, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, thái độ sống tích cực cho toàn thể CB-GV-NV và HS-SV nhà trường.

Các buổi sinh hoạt chuyên đề, báo cáo thời sự cũng như bồi dưỡng chính trị hè cho CBGVNV nhà trường được triển khai đều đặn hàng năm đảm bảo CBGVNV và HSSV tiếp cận các nội dung trọng tâm là những vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ TP.HCM, Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo và Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

“Một số hoạt động tổ chức hiệu quả, thành công và tạo ấn tượng tốt trong nhà trường và cấp trên như: Cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh "Tầm nhìn xuyên thế kỷ", Liên hoan tiếng hát HSSV toàn trường - Hội thao HSSV toàn trường, Ngày hội chào Tân Sinh viên, Ngày hội Sinh viên TDC với Quốc phòng toàn dân, Cuộc thi Đại sứ sinh viên TDC, Ngày hội Sinh viên TDC với Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngày hội Sinh viên TDC với chuyển đổi số...” - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thông tin.

toa-dam-5.jpg
Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, phát biểu tại tọa đàm.

Ở khối tiểu học, bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 nêu ra 5 giải pháp triển khai hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng gồm: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa đơn vị dựa trên nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện cho đội ngũ viên chức trẻ năng động sáng tạo, đổi mới trong thực hiện hoạt động giáo dục; kiểm tra, giám sát, động viên và khen thưởng kịp thời và giáo dục kế thừa, duy trì các giải pháp hiệu quả, mạnh dạn phê và tự phê, sửa đổi lối làm việc.

“Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được chú trọng, nhằm phát huy các giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động giáo dục, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả. Mục tiêu của các giải pháp hướng đến việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên nhà trường. Việc thực hiện các giải pháp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc theo định hướng giáo dục của Bộ GD&ĐT nói chung, Sở GD&ĐT TP.HCM nói riêng...” - bà Đỗ Ngọc Chi chia sẻ.

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị

Tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trình bày tham luận “Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh, sinh viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo ông Nguyễn Minh Hải, với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp với mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, tinh thần "tôn sư trọng đạo" không được thể hiện rõ nét; vị trí người thầy trong giềng mối "quân - sư - phụ" theo quan niệm truyền thống bị thay đổi sâu sắc. Lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn là mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi... Những điều đó diễn ra từng ngày từng giờ; công luận, xã hội lên án nhưng biện pháp ngăn chặn thực sự hữu hiệu vẫn còn thiếu.

toa-dam-6a.jpg
Ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa coi trọng các kỹ năng mềm. Việc lạm dụng mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt trong một số bộ phận học sinh, sinh viên cũng rất đáng báo động...

Theo ông Nguyễn Minh Hải, có ý kiến cho rằng có vẻ như nhà trường còn dạy thiếu cái gì đó, cách đánh giá về trình độ học sinh còn khiếm khuyết gì đó, dường như do mải trang bị năng lực mà bỏ qua trang bị cho học sinh quyết tâm và cách tìm cơ hội. Hiện tượng đó cho thấy ở góc độ văn hóa, đạo đức, phải chăng sinh viên, học sinh nước ta chưa được trang bị một nền tảng văn hóa, đạo đức cần thiết, vững vàng để ít nhiều tự chủ được cuộc sống của mình?

Một trong các nguyên nhân của những biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống của thanh niên là do chúng ta chưa thật sự quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Hình thức giáo dục đạo đức, lối sống còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn nhiều hạn chế...

“Do đó, việc tiếp tục giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, thuyết phục hơn trong nhà trường càng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đó là cách để thực hiện công tác chính trị tư tưởng một cách thiết thực, có ý nghĩa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trong điều kiện hiện nay...” - ông Nguyễn Minh Hải chia sẻ.

Ở góc độ giảng dạy, TS. Hoàng Thùy Linh, Giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang cho biết hiện nay, trong khi giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng là chủ yếu, thuyết trình, độc thoại, nêu vấn đề, thầy giảng, trò ghi chép; thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu… Do đó chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học với nền lý thuyết khô khan, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Điều đó làm cho sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy. Đồng thời, nhiều sinh viên coi đây là môn học phụ, môn học “chính trị” bắt buộc nên mục đích học tập của sinh viên mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học…

“Để khắc phục thực trạng trên và những hạn chế, khó khăn trong việc dạy và học môn Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, cần cấp thiết phải đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện dạy học tích cực. Điều đó càng trở nên đặc biệt cần kíp với khối trường ngoài công lập bởi tính đặc thù riêng. Do vậy, với khối trường ngoài công lập, quá trình đổi mới phương pháp cần chú trọng nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy để môn học trở nên thú vị, hấp dẫn và gần gũi hơn với người học...” - TS Hoàng Thùy Linh nêu ý kiến .

Phát biểu kết luận tọa đàm, TS. Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đánh giá cao những tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm.

toa-dam-1a.jpg
TS. Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm.

TS. Lê Hồng Sơn đề nghị, các cấp ủy đảng cần tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện thật hiệu quả 9 nhóm vấn đề trọng tâm được nêu tại Tọa đàm: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và công nhân viên ở các cơ sở giáo dục; Đổi mới phương thức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, Thành ủy trong các cơ sở giáo dục; Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục, trường học; Sinh hoạt chính trị tư tưởng của các đảng bộ, chi bộ và các đoàn thể trong nhà trường; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên chính trị, giảng viên dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục công dân; cải tiến nội dung giáo trình và phương pháp giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục các môn lý luận chính trị; công tác cung cấp thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho giáo viên, học sinh, sinh viên…

“Đặc biệt, về công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, giảng viên và sinh viên; công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên…” - TS. Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO