Kinh doanh

TP.HCM là đầu tàu phát triển thương mại điện tử của cả nước

Võ Liên 12/12/2024 - 21:35

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, chiều 12/12, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định Thành phố đang dần trở thành đầu tàu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam

Cụ thể với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 52%, TP.HCM đang cao hơn mức trung bình của cả nước là 42%. Xét về tổng quy mô doanh, TP.HCM đang dẫn đầu cả nước khi chiếm 33% trong tổng doanh thu thương mại điện tử toàn quốc.

ong-nguyen-minh-hung-so-ct.jpg
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM - phát biểu tại buổi họp báo.

Thành công đến từ đâu?

Theo ông Hùng, sự phát triển của các nền tảng như Shopee, Tiktok Shop, Lazada, Tiki,... cùng các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử, và marketing số đã tạo nên hệ sinh thái thương mại điện tử sôi động bậc nhất cả nước.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ tại TP.HCM cũng thuộc loại tiên tiến, với tổng số thuê bao internet dẫn đầu cả nước, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và mạng lưới viễn thông phát triển mạnh mẽ.

"Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận TMĐT và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh trực tuyến", ông Hùng nhấn mạnh.

Về số lượng website, ứng dụng do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP.HCM sở hữu đã thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương có tỷ lệ nhiều nhất nước. Cụ thể, gồm: 24.829 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 46,95% cả nước), 355 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 47,72% cả nước), 305 ứng dụng thương mại điện tử bán hàng (chiếm 45,32% cả nước), 165 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,31% cả nước).

Về quy mô tên miền “.vn”, TP.HCM là địa phương có số lượng tổ chức, cá nhân sở hữu tên miền ".vn" đông nhất nước, đạt 206.932/628.230 tên miền (tỷ lệ 32,9%). Trong đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ của tên miền có website hoạt động khoảng 106.569 tên miền (tỷ lệ 51,5%), ước tính website TMĐT chiếm khoảng 40.496 website (tỷ lệ 38%).

Để có được những thành công trong thương mại điện tử, trong năm qua, Sở Công Thương TP đã có nhiều hoạt động như ký biên bản ghi nhớ hợp tác các nội dung trong lĩnh vực thương mại điện tử, an toàn giao dịch điện tử và cung cấp nội dung trên mạng Internet với Sở Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức 6 hội nghị kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba, Amazon và hệ thống siêu thị MM Mega Market, Winmart, Tập đoàn Central Retail Việt Nam và chuỗi siêu thị Kohnan Nhật Bản.

Đặc biệt, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị quản lý đa kênh MCN (Multi-Channel Network) mời các KOLs, nhà sáng tạo nội dung có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội tham gia vào các phiên livestream bán hàng trực tuyến gặt hái được nhiều thành công.

Ông Hùng dẫn chứng, hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024 tổ chức chiến dịch "Siêu live hàng Việt", với 24,5 triệu lượt xem trực tuyến và gần 7.600 đơn hàng, chiến dịch đã giúp đưa hơn 300 sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng khắp cả nước.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Tuần lễ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền”, từ đó đạt được thành công lớn với hơn 100 nhà bán sản phẩm sản phẩm OCOP; phối hợp với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ tại Bình Định tổ chức Chương trình "Yêu hàng Việt – Tự hào hàng Việt"…

Hướng tới phát triển hơn nữa vào 2025

Trong năm 2025, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và logistics cũng như tăng cường các hoạt động tuyên truyền.

Đặc biệt, Sở sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Thứ nhất, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường, thương mại số cho doanh nghiệp, tập trung cung cấp thông tin chi tiết về ngành hàng, sản phẩm, cũng như các giải pháp công nghệ sẵn có nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các đối tác phù hợp; tích hợp các giải pháp thương mại điện tử và công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, từ sản xuất, kho vận đến phân phối hàng hóa, giúp doanh nghiệp quản lý vận hành hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Trong đó, xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng thương mại điện tử, kỹ năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghệ số, xây dựng website thương mại điện tử, sử dụng các nền tảng quản lý bán hàng trực tuyến và các giải pháp liên quan đến logistics và thanh toán điện tử,…

Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, phối hợp với các trường đại học và trung tâm đào tạo để xây dựng các khóa học chuyên sâu về thương mại điện tử, bao gồm quản trị nền tảng số, quản lý chuỗi cung ứng số, kỹ năng phân tích dữ liệu, marketing số…

Thứ tư, hợp tác quốc tế và kết nối khu vực, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố với các thị trường khu vực và toàn cầu thông qua các hội chợ thương mại điện tử, triển lãm trực tuyến toàn cầu, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM là đầu tàu phát triển thương mại điện tử của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO