TP.HCM hướng tới mức đạt tăng trưởng 10% trong năm 2025
Sáng 10/12, kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa X tiếp tục làm việc ngày thứ hai với phiên thảo luận tại hội trường.
Thông tin tại kỳ họp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết vào cùng thời điểm năm trước, TP.HCM đã thảo luận chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2024. Ban đầu, TP.HCM đề xuất mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7%. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu đặt mục tiêu cao hơn để thúc đẩy nỗ lực. Kết quả, thành phố quyết tâm đặt chỉ tiêu tăng trưởng từ 7,5% đến 8% và cuối cùng đạt 7,17%, gần đạt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2024, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều công văn để rà soát lại các mục tiêu và nhiệm vụ, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể, phân công thực hiện. Theo đó, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị 12 về thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024 và 2025, đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng của năm 2024. Sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức sơ kết 4 tháng thực hiện chỉ thị này và tiếp tục xác định các trọng tâm, giải pháp đột phá cho năm 2025.
Mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM trong năm 2025 là từ 9% đến 10%, nhưng Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu đạt mức tăng trưởng trên 2 con số. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng để đạt được mức tăng trưởng này, tổng đầu tư toàn xã hội của thành phố phải đạt khoảng 500.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 100.000 tỷ đồng từ ngân sách và 400.000 tỷ đồng phải huy động từ xã hội. Do đó, việc tháo gỡ và thúc đẩy các dự án còn tồn đọng là rất quan trọng.
Trong tháng 12, TP.HCM dự kiến triển khai ít nhất 6 dự án từ chương trình này. Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài, phát triển tiêu dùng, xuất khẩu, kinh tế số, và kinh tế xanh.
Năm 2025, TP.HCM dự kiến giải ngân 85.000 tỷ đồng, cộng với 20% vốn từ năm 2024 chuyển sang, tổng số vốn giải ngân dự kiến vào năm 2025 là khoảng 100.000 tỷ đồng. Thành phố sẽ xây dựng đề án giải ngân đầu tư công tư cho năm 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn trung hạn 2026-2030.
Về công tác sắp xếp bộ máy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ nay đến giữa năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và lắng nghe các giải pháp từ chuyên gia, người dân. Mục tiêu là bộ máy sau khi sắp xếp sẽ hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, nội dung nào thuộc trách nhiệm của hệ thống, nội dung nào là dịch vụ công, và nội dung nào thuộc về nền kinh tế - xã hội. Thành phố cũng sẽ kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để việc triển khai thuận lợi, sát thực tiễn và nâng cao hiệu quả công tác.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã họp và phân công Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cùng Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tổng hợp ý kiến của các sở, ngành liên quan đến các nội dung trên. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng Văn phòng UBND TP.HCM và Sở Nội vụ sẽ tiến hành rà soát để đơn giản hóa các quy trình.
Đối với quản lý, sử dụng tài sản công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đã xây dựng kế hoạch rà soát và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản công, bao gồm các vụ việc, vụ án tồn đọng và các dự án dang dở. TP.HCM đang khẩn trương rà soát, phân loại các địa chỉ nhà, đất công. Sau đó, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ vào làm việc với TP.HCM để trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các vấn đề vướng mắc. Đối với các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền TPHCM sẽ được giải quyết theo tinh thần hoàn thiện và trách nhiệm.
Liên quan đến khoảng 1.000 tài sản công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đang tiến hành phân loại và xử lý. Một số tài sản sẽ được đấu giá để thu ngân sách; một số sẽ có đề án để cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới.
Bên cạnh đó, TP.HCM nghiên cứu sắp xếp lại các sở, ngành sẽ sắp xếp, tính toán việc sử dụng các trụ sở công nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài sản công. Việc này không chỉ giúp sử dụng các trụ sở hiệu quả hơn, mà còn tạo thêm nguồn lực để phục vụ sự phát triển của TP.