Dòng chảy

Giải pháp để TP.HCM bước vào 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'

Võ Liên - Đỗ Phương 27/11/2024 - 15:13

Ngày 27/11, tại TP.HCM, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức tọa đàm "TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

toa-dam-ky-nguyen-vuon-minh-27-11.jpg
Tọa đàm "TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” diễn ra ngày 27/11.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cho biết 25/11, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Trong chuyên đề, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích làm rõ một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; các luận cứ để xác lập mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đã quán triệt những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và những việc cần làm ngay.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Tổng Bí thư đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới. Đây là cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tự định vị mình, xác lập mục tiêu cùng với lộ trình, giải pháp phù hợp để phát triển, đóng góp và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cần vượt bẫy thu nhập trung bình

Theo ông Phát, trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, TP.HCM đều có những mô hình, cách làm mới mang tính đột phá, sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo cho các địa phương khác.

pgs-ts-huynh-tan-phat-giam-doc-hoc-vien-can-bo-27-11.jpg
PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM -phát biểu tại tọa đàm.

Trong giai đoạn hiện nay, có thể kể đến những mô hình, giải pháp mà thành phố đang thực hiện trước cả nước và vì cả nước như: Mô hình chính quyền đô thị; thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, các khu công nghệ cao…

"Thực tế này minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, năng động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM", ông Phát nói.

Tại tọa đàm, ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng cần có nhận thức thống nhất về khái niệm, nội hàm kỷ nguyên vươn mình để từ đó có thể đặt ra những mục tiêu cụ thể. Theo ông Trực, đó có thể là kỷ nguyên để TP.HCM vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến lên nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao,…

TP.HCM cần làm gì để tham gia vào kỷ nguyên vươn mình? Trả lời câu hỏi này, ông Trực cho rằng TP.HCM trước hết cần xử lý 3 điểm nghẽn hiện nay.

Thứ nhất là giao thông đô thị. Cụ thể hơn, ông Trực cho rằng một thành phố có 10 triệu dân cần hướng tới giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Thứ hai là giải quyết rác thải. Thứ ba là giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.

ts-tran-du-lich-27-11.jpg
TS Trần Du Lịch - Nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Còn theo TS Trần Du Lịch - Nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM - nhận định đây là kỷ nguyên mang ý nghĩa một thời kỳ mà dân tộc Việt Nam nỗ lực hết mình nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao có vào năm 2045.

TP.HCM cần làm gì? TS Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24. Bên cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục đổi mới quản lý chính sách kinh tế vĩ mô, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Ông Lịch cũng nhận định, TP.HCM là nơi có điều kiện chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững. Theo ông Lịch, giai đoạn 2026 - 2035 là giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của dân tộc.

Để làm được điều này, ông Lịch cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM ít nhất phải cao hơn trung bình cả nước từ 1,2 - 1,5 lần thì mới thể hiện vai trò dẫn dắt. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế tại TP.HCM phải có tính thị trường cao nhất cả nước, ở ba khía cạnh: tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ công bằng xã hội, phúc lợi cho người dân và bảo vệ môi trường.

TP.HCM phải nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong và ngoài nước, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. "TP.HCM phải nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Ba yếu tố này phải vượt trội", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Phải lượng hóa các chỉ số

Tại tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng thành phố cần xác định các chỉ số phát triển để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM trong kỷ nguyên mới.

ts-truong-minh-huy-vu-vien-phat-trien-nghien-cuu-tphcm-27-11.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM.

TS Vũ dẫn chứng trước năm 2022, TP.HCM gần như không có đường vành đai nào. Tuy nhiên, hiện tại thành phố đã khởi công xây dựng vành đai 3 và trình vành đai 4, khép kín vành đai 2.

"Như vậy, trong vòng 5 năm tới, thành phố có hệ thống vành đai tương đối hoàn chỉnh và có thể vận hành trong 10 năm tới. Vành đai 3 cũng mở ra một quỹ đất hơn 2.000 hecta mà có thể làm TOD, tạo ra quỹ đất và tạo ra không gian đô thị mới thành phố", TS Vũ nhìn nhận.

Thời gian tới, TP.HCM phấn đấu hoàn thành 183 km đường sắt đô thị. TP.HCM cũng đã có kết luận về metro, quyết tâm vận hành Metro số 2 từ nay đến năm 2030. TP.HCM cũng phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 13.000 USD.

TP.HCM phải là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo PGS.TS Phan Tại Huân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, TP.HCM phải đi đầu trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố có nhiều lợi thế như số lượng học sinh, sinh viên được tiếp cận, đào tạo ngoại ngữ tốt gắn liền với hệ thống, công ty, tập đoàn quốc tế lớn nên nguồn nhân lực có thế mạnh cạnh tranh. Bên cạnh đó, các trường đại học ở TP.HCM có nhiều đối tác nước ngoài về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Còn theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, thành phố có 13 triệu người, lực lượng lao động và tri thức công nghệ chuyên gia, chất xám là thế mạnh và phải được ưu tiên phát huy nguồn vốn này. Ông Tuấn nhìn nhận đây là nguồn lực vật chất vừa có khả năng đột phá, vừa là yếu tố căn bản cho phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để TP.HCM bước vào 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO