Sống xanh

TP.HCM dùng flycam, ứng dụng công nghệ để xử lý nạn xả rác

Hoàng Nguyễn 24/08/2023 18:39

Nhiều giải pháp được các đại biểu “hiến kế” cho TP.HCM để xử lý vấn nạn xả rác bừa bãi như: dùng flycam, ứng dụng công nghệ để người dân tố giác hành vi đổ rác trộm,…

Ngày 23/8, Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (UB MTTQ Việt Nam TP.HCM) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2023 – 2025.

Theo các đại biểu, nạn vứt rác bừa bãi ở TP.HCM đã trở thành vấn nạn gần như nan giải. Có nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi là ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, môi trường của một bộ phận không nhỏ các cá nhân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ và tự giác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực đã quy định các chế tài trong công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường (đổ, vứt rác không đúng nơi quy định trên đường, trên kênh rạch, các khu đất trống, các dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng…) còn hạn chế; thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát và xử phạt cũng như chưa có cơ chế chính sách khen thưởng cho các cá nhân tổ chức thực hiện tốt công tác phát giác, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để xử lý nạn vứt rác bừa bãi và tạo môi trường xanh.

tp-thu-duc.jpg
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trình bày tại Hội nghị.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức có 201 điểm rác phát sinh và tái phát sinh trên địa bàn giai đoạn từ năm 2021 và đến nay có 140/201 điểm đã được xử lý sạch; 61/201 điểm được thường xuyên tổng vệ sinh, dọn dẹp nhưng vẫn còn tình trạng tái phát sinh. Do đó, thành phố Thủ Đức đang tích cực triển khai các giải pháp để giải quyết dứt điểm các điểm rác phát sinh, tái phát sinh trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

TP Thủ Đức đã hợp tác với sinh viên của một số trường đại học và lực lượng đoàn viên thanh niên để tiến hành khảo sát thực tế, ghi nhận các điểm rác phát sinh cũng như kết quả xử lý các điểm rác phát sinh trên địa bàn 34 phường; sử dụng Flycam (Drone) để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại các khu vực dự án có diện tích đất trống lớn đồng thời sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh để dễ dàng quản lý và chỉ đạo xử lý kịp thời các điểm rác trên địa bàn.

Tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam TP.HCM cũng cho biết, trong thời gian qua, nhiều cơ sở, tự viện trên địa bàn đã vận động tăng ni, phật tử hưởng ứng, tham gia công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều cơ sở Phật giáo vận động tiết kiệm nhang, đèn (cầy) trong các lễ hội truyền thống, loại bỏ tập tục sử dụng vàng mã trong các lễ tang cũng như các lễ hội tín ngưỡng văn hóa dân gian, nói không với túi nylon,… nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân sinh.

thuong-toa-thich-thien-quy(1).jpg
Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam TP.HCM.

Đơn cử, Chùa Liên Hoa (Quận 11) được biết đến là ngôi chùa suốt 20 năm “nói không” với việc đốt vàng mã và vận động không thắp hương trong cơ sở tự viện, dành những khoản tiền này để giúp đỡ các hộ dân nghèo, học sinh nghèo với số tiền tiết kiệm chăm lo đến nay là gần 18 tỷ đồng. Đích thân Thượng tọa Thích Duy Trấn (trụ trì chùa) cùng tăng chúng đi đầu vận động đồng bào các khu phố xung quanh tự viện thực hiện bảo vệ môi trường thông qua “30 phút vì cộng đồng” dọn vệ sinh, quét rác trên các tuyến đường của khu phố trong khu vực lân cận chùa vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần.

Nhiều vị chức sắc, tu sĩ Phật giáo đã vận động đồng bào Phật tử hưởng ứng tham gia các mô hình tự quản tại khu dân cư; qua đó hình thành các “Khu phố thân thiện môi trường - Khu phố không rác”, “Tuyến đường, tuyến phố, tuyến hẻm văn minh”, “Điểm sáng văn hóa”... Bên cạnh đó, hầu hết, các cơ sở Phật giáo đều quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hưởng ứng các hoạt động trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên cơ sở và xung quanh các tự viện.

nguyen-trong-minh-tgd-crac.jpg
Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Grac chia sẻ tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Grac cũng trình bày giải pháp để giải quyết tình trạng đổ rác thải trộm phần mềm ứng dụng (app) Grac. Theo đó, người dân phát hiện hành vi đổ rác trộm sẽ chụp lại hành vi vi phạm rồi báo cáo bằng cách gửi phản ánh khiếu nại thông qua ứng dụng Grac. Khiếu nại sẽ được gửi về UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết và xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng và bằng điện thoại di động, người dân cũng dễ dàng tra cứu tiền rác và thanh toán hàng tháng, liên hệ trực tiếp với người thu gom rác; dễ dàng bán ve chai, đồng nát, phế liệu, đặt lịch thu gom rác cồng kềnh, tặng đồ cũ,... Chức năng đổi rác - tích điểm - lấy quà giúp nâng cao ý thức phân loại rác của người dân và góp phần bảo vệ môi trường. Phần mềm Grac đã được triển khai thành công tại Quận 3,Gò Vấp, Bình Thạnh, Huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức; đang trong giai đoạn thử nghiệm tại một số quận khác như Quận 1, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Bình Tân và Phú Nhuận.

hoi-nghi-van-dong-nguoi-dan-tphcm-khong-xa-rac-2.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến phát biểu tại Hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến đề nghị MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả đạt được, thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Bà Yến cũng đề nghị tiếp tục phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác bừa bãi; sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. Đồng thời, cần tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM dùng flycam, ứng dụng công nghệ để xử lý nạn xả rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO