Công nghệ

TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trúc Nhã 13/09/2024 - 22:09

TP.HCM hướng đến mục tiêu đến năm 2025, thành phố đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và đạt tối thiểu 60% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số. Để thực hiện được điều này, TP.HCM đã có nhiều chương trình, giải pháp cũng như chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Ngày 13/9, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND quận Phú Nhuận tổ chức “Hội nghị triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận” dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia hội nghị có ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Minh Tuấn - Vụ Trưởng vụ Kinh tế số và Xã hội số, bà Trần Thị Diệu Thúy - Thành ủy Viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng đại diện các sở, ban, ngành TP.HCM và gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Chuyển đổi số: Yếu tố tạo sự bứt phá

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay: Thành phố đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

z5828056644611_374f30919d52cbef5879e03bba9c1f73.jpg
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết các ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển thành phố như giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội... đang được chú trọng chuyển đổi số.

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 - tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM xác định công nghệ số là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ông Lâm Đình Thắng, cho biết, việc thúc chuyển đổi số (đặc biệt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn; xây dựng nên một hệ thống các biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có của người dân Thành phố thông và hướng đến việc vận dụng hiệu quả chuyển đổi số - kinh tế số.

“Việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025 nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố” - ông Lâm Đình Thắng nhận định.

Tại buổi hội nghị, ông Trần Minh Tuấn - Vụ Trưởng vụ Kinh tế số và Xã hội cho biết, hiện nay tỷ trọng thương mại điện tử/tổng mức bán lẻ ở Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 8% trong khi trung bình ở trên thế giới là 19,4%. Đặc biệt là một số quốc gia như Trung Quốc 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%. Như vậy, không gian thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều.

Trước sự phổ biến và nhu cầu ngày cao càng đối với thương mại điện tử đã giúp giá trị thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng liên tục từ năm 2018-2023 với 25% và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Philippines về quy mô tăng trưởng. Dù duy trì mức tăng trưởng nhiều năm liền, nhưng ông Trần Minh Tuấn cho biết thị trường này vẫn còn gặp nhiều nguy cơ và thách thức.

z5828067392851_0c10f4e63a63b71b202a924b99bb7ef9.jpg
TP.HCM hướng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số - Ảnh minh họa.

“Việc bán buôn, bán lẻ nước ta phải đối mặt với nguy cơ bị thương mại điện tử nước ngoài đã và đang xâm chiếm, an ninh hàng hóa, tài chính còn gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, nguy cơ còn đến từ việc chúng ta thiếu nhiều nền tảng công nghệ kết nối người bán người mua, thúc đẩy bán buôn, bán lẻ giữa các đối tác trên toàn cầu,” - Vụ Trưởng vụ Kinh tế số và Xã hội nhận định.

Từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số”. Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn quận Phú Nhuận, TP.HCM là nơi triển khai thí điểm hoạt động chính của chương trình trước khi tổng kết phổ cập toàn thành phố và toàn quốc.

Quận Phú Nhuận triển khai thí điểm trước khi phổ cập toàn quốc

Trong vòng 1 tháng, quận Phú Nhuận sẽ tiến hành thí điểm, khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ chuyển đổi số với 2.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ hoạt động trên địa bàn. Bên cạnh đó sẽ các định nhu cầu cụ thể, khả năng tiếp cận, thách thức và rào cản mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó tạo nên tiền đề để kết nối giữa các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ với các giải pháp công nghệ, cùng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông bày tỏ: Thông qua hoạt động này sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh, khách quan và chính xác về thực tiễn chuyển đổi số các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn quận Phú Nhuận. Từ đó, xác định những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để đề ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực và hiệu quả tại Phú Nhuận. Qua đó, hoạt động góp phần vào kế hoạch phát triển kinh tế số Thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung.

z5828056652946_969a0daa4cab40996ed0bfa4d2d5bff4.jpg
Hội nghị có sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Đối tượng tham gia chương trình gồm: các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc; các doanh nghiệp nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề rất đáng lo ngại là nguy cơ về thương mại điện tử trên thế giới sẵn sàng tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nếu chúng ta không hành động, không đổi mới, không vươn mình lên nền tảng số, dần dần sẽ mất đi thị trường này.

“Việt nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa cùng 9.000 chợ truyền thống. Hoạt động bán buôn và bán lẻ đóng góp 9,83% vào GDP năm 2023, từ đó cho thấy tầm quan trọng vô cùng lớn của ngành này trong việc phát triển kinh tế và tạo việc làm cho quốc gia. Do vậy, việc hỗ trợ chuyển đổi số cho lĩnh vực bán buôn, bán lẻ là rất cần thiết,” - ông Phạm Đức Long nhận định.

z5828056639178_740877386b2e62b578b28f3241485cd9.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết việc hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ là điều rất cần thiết.

Cũng theo Thứ trưởng, quận Phú Nhuận là địa phương đầu tiên thí điểm và sự thành công trong việc thí điểm chương trình là rất quan trọng. Thông qua việc thí điểm mong rằng sẽ tạo nên sự thay đổi, tạo ra sự phát triển kinh tế số và tạo động cho thành phố và cả nước cùng phát triển.

Phát biểu tiếp thu ý kiến tại chương trình, ông Đỗ Đăng Ái - Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận bày tỏ, việc thí điểm triển khai tại quận Phú Nhuận sẽ tạo nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn được tiếp cận các nội dung chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay tại địa bàn với khoảng 95% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nên rất băn khoăn chuyển đổi số, việc vận hành.

“Đặc biệt tại các khu vực chợ truyền thống trên địa bàn công nghệ chuyển đổi số này còn hạn chế hoặc khả năng tiếp cận không được nhanh. Tôi cũng mong muốn các đơn vị cung cấp giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số hiệu quả hơn, - ông Đỗ Đăng Ái chia sẻ.

z5828054869250_e2969eef5902e2a203955d3aafb5eaf8.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi hội nghị.

Mục tiêu chính của chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số: Lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh. 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh, bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận, tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số. 100% các đơn vị đã tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên toàn quốc được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số. Tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh, bán buôn, bán lẻ trên phạm vi toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO