TP.HCM đạt nhiều kết quả khả quan sau một năm thực hiện Nghị quyết 98
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng Phòng Tổng hợp quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, sau một năm triển khai Nghị quyết 98, Thành phố đã giải quyết được nhiều khó khăn nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề.
Ngày 7/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Nghị quyết 98 được ban hành ở thời điểm mà TP.HCM có nhiều thay đổi lớn. Nghị quyết đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đột phá giúp TP.HCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kết nối với các địa phương xung quanh.
Cụ thể, Nghị quyết 98 đã đưa ra 44 cơ chế, chính sách đặc thù. Đến nay, 29 cơ chế, chính sách đã được thành phố áp dụng. Trong đó có 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 9 cơ chế đang trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình triển, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả khả quan, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, thành phố đề xuất các vị trí để áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo trục giao thông), thúc đẩy các dự án PPP (đối tác công tư) trong lĩnh vực y tế - giáo dục, thực hiện dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các tuyến đường hiện hữu, thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế khác trong Nghị quyết 98 cũng gỡ vướng cho lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư nhân, đối tác công tư.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, TP.HCM đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế.
Theo Nghị quyết 98, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ đầu tư tham gia dự án lớn.
"Đơn cử, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có số vốn rất lớn. Do lĩnh vực đặc thù của cảng biển, ngoài đầu tư xây dựng, cảng cần điều chuyển nguồn hàng về theo công suất thiết kế nên cần nhiều thời gian. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thẩm định dự án đã báo cáo với Thủ tướng khó khăn này, việc giải ngân hết tổng vốn trong 5 năm là rất khó khăn và làm giảm tính khả thi của dự án", ông Tuấn Anh cho biết.
Ngoài ra, Nghị quyết 98 cũng cho phép sử dụng ngân sách của TP.HCM để hỗ trợ các địa phương khác đối với dự án liên vùng, các dự án mang tính kết nối. Ví dụ như dự án Vành đai 3, Vành đai 4 và một số dự án đường cao tốc.
Đối với những dự án này, thành phố có thể hỗ trợ một phần ngân sách để thực hiện các hạng mục trong dự án đường vành đai. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục về việc các địa phương khác tiếp nhận, phê duyệt nguồn vốn này còn chưa có hướng dẫn cụ thể, quy định rõ ràng.
Ông Tuấn Anh cho rằng nội dung này còn gây lúng túng cho thành phố và các địa phương khi triển khai. UBND thành phố đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và HĐND kiến nghị Quốc hội cập nhật, bổ sung nội dung này vào Luật Đầu tư công, hoặc sửa đổi, bổ sung, làm rõ thêm trong Nghị quyết 98.