TP.HCM: Bổ sung 240 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 27/9, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường trình bày tóm tắt một số nội dung của các tờ trình UBND TP.HCM.
Đối với Nghị quyết bổ sung dự toán thu, chi ngân sách TP năm 2024, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 với 240 tỷ đồng; bổ sung dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024 hơn 109,9 tỷ đồng là khoản chi thuộc nhiệm vụ chi ngân sách TP; phân bổ dự toán chi cho Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm số tiền hơn 109,9 tỷ đồng đối với nội dung chi bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chi phí phục vụ bồi thường hỗ trợ, tái định cư để tiếp tục thực hiện Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ và Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Đối với tờ trình về ban hành Nghị quyết quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TP.HCM quản lý, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương, thực hiện như sau: Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: trích 35% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác; trích 40% số thu được để lại theo quy định với các khoản thu khác ngoài các khoản thu trích 35% nêu trên.
Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên từ 120% trở lên: trích 16% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 120% và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn lại: trích 10% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác.
Đối với tờ trình về quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, hình thành những vùng nuôi chim yến ổn định, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo thu nhập ổn định cho người dân, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị của TP.
Theo đó, vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP bao gồm: TP Thủ Đức có phường Long Phước; huyện Cần Giờ gồm 4 xã: xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn và xã Tam Thôn Hiệp; huyện Củ Chi gồm 9 xã: xã An Nhơn Tây, xã An Phú, xã Bình Mỹ, xã Hòa Phú, xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông, xã Phú Mỹ Hưng, xã Thái Mỹ và xã Trung An; huyện Hóc Môn gồm 6 xã: xã Đông Thạnh, xã Nhị Bình, xã Tân Hiệp, xã Thới Tam Thôn, xã Xuân Thới Sơn và xã Xuân Thới Thượng.