Giáo dục

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm công tác "Vì lợi ích trăm năm trồng người"

Hoàng Anh 24/07/2024 06:00

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến giáo dục, công tác trồng người vì lợi ích trăm năm của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến công tác giáo dục

Năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó cũng là Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 - 2018. Đây là những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2018, học sinh tiêu biểu, vượt khó trong học tập, rèn luyện và các sinh viên xuất sắc hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2017- 2018.

tbt3.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện niềm vui trong cuộc gặp gỡ với các học sinh, sinh viên tiêu biểu

Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mặc dù nền giáo dục của chúng ta vẫn còn những hạn chế, xã hội vẫn còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ.

Theo Tổng Bí thư, từ một đất nước hơn 90% người dân mù chữ đến nay trong tổng số 94 triệu dân có 24 triệu người đi học. Có nghĩa là cứ 4 người dân lại có một người đi học, không chỉ có học sinh, sinh viên mà người lớn cũng đi học rất nhiều. Trong số 1.000 trường đại học nổi tiếng trên thế giới, Việt Nam đóng góp 2 trường. Trình độ của học sinh, sinh viên bây giờ khác xa ngày xưa, điều kiện trường lớp cũng ngày càng phát triển, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự nghiệp giáo dục của chúng ta đang phát triển rất mạnh và có triển vọng rất tốt.

Tổng Bí thư chia sẻ, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một số phận, mỗi người có thuận lợi khó khăn riêng nhưng các cháu đều có điểm chung là tinh thần nỗ lực, ham học tập, học giỏi, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, có cháu nhặt được 40 triệu đồng đem trả lại người mất, có cháu bao nhiêu năm cõng bạn đi học… Đó là những tấm gương rất sáng để các bạn học tập noi theo.

“Không chỉ ở thủ đô hay các thành phố lớn mà bây giờ ở vùng cao, vùng khó khăn cũng có nhiều học sinh rất giỏi, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên rất tốt”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý tới việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho học sinh, sinh viên. “Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗi lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia. Nhưng các cụ ta nói rồi, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cho nên phải rất chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức”.

Tổng Bí thư khi ấy đã đề nghị ngành Giáo dục chú ý thêm về các mặt giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, trước hết là từ cách ăn, ở, đối nhân xử thế hàng ngày với anh em, bạn bè tới trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang cái tài của mình ra phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước.

Tổng Bí thư cũng lưu ý tới vấn đề nâng cao thể lực cho học sinh, sinh viên Việt Nam. “Các cháu ngồi ở đây tôi thấy bé quá, có những sinh viên năm thứ hai, năm thứ tư, trẻ thì rất trẻ nhưng phải cần to lớn, vạm vỡ hơn. Cần chú ý cả 4 mặt: đức - trí - thể - mĩ, dân tộc Việt Nam ta đã có trí tuệ tốt rồi nhưng cũng phải phát triển về mặt thể lực, sức vóc nữa”.

Trong thư gửi thầy cô và các em học sinh trước năm học 2019-2020, Tổng Bí thư cũng ân cần nhắc nhở các nhà trường tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tổng Bí thư viết: "Tôi mong các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”. Mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Kỷ niệm xúc động, ngưỡng mộ về Tổng Bí thư thăm trường cũ

Đến bây giờ, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (số 27, ngõ 298 Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), vẫn nhớ như in chuyến thăm cuối cùng của Tổng Bí thư là lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường (1950 - 2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Ông Kiên cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu học sinh 1957-1963 của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, từng là lớp trưởng và Bí thư Chi đoàn lớp 9B, 10B. Năm 2020 nhà trường kỷ niệm 70 năm thành lập, ông Kiên khi đó là Hiệu trưởng đã xin gặp trực tiếp gửi thư mời cựu học sinh - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự. Ông rất bất ngờ khi gặp thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi “thầy” và xưng “em”.

“Trước buổi lễ, khi chúng tôi mời ông, Tổng Bí thư nói với chúng tôi rằng: Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng khi về trường, xin phép các thầy cô và nhà trường vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, một cựu học sinh của nhà trường”, ông Kiên chia sẻ. Năm đó, Tổng Bí thư đã về dự với tư cách là cựu học sinh và trong buổi lễ, Tổng bí thư nói “Hôm nay, cho phép em bỏ qua chức tước, về đây với tư cách một học trò để gặp các thầy cô và các bạn”.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-truong-thpt-nguyen-gia-thieu.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng thầy cô Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Theo ông Kiên, Tổng Bí thư rất khiêm nhường và không muốn vì mình là một lãnh đạo cao cấp mà nhà trường cũng như mọi người phải đón tiếp quá trọng thị. Mọi người đều cảm nhận Tổng Bí thư giản dị, mộc mạc nhưng rất tinh tế, là người luôn giữ đạo hiếu của một người trò, nghĩa lễ với các thầy cô, ngay từ việc xưng hô.

“Khi gặp gỡ, mặc dù chúng tôi là thế hệ con cháu, nhưng Tổng Bí thư luôn xưng hô “thầy hiệu trưởng”, “cô hiệu phó” và “em” chứ không dùng bất kỳ một từ khác. Với chúng tôi trạc tuổi con cháu nhưng Tổng Bí thư vẫn rất chỉn chu trong từng câu, từng từ”, ông Kiên bồi hồi nhớ lại.

Ông Kiên bồi hồi nhớ lại, ngày về kỷ niệm 70 năm thành lập trường, cậu học trò cũng không quên tặng hoa cho thầy Lê Đức Giảng, Chủ nhiệm Lớp 10B ngày trước, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ông Kiên chia sẻ thêm, đối với đội ngũ giáo viên và học sinh hiện tại của nhà trường, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ hãy nỗ lực, cố gắng vượt khó để học tốt.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-truong-thpt-nguyen-gia-thieu-2.png
Tổng Bí thư và các học sinh Trường Nguyễn Gia Thiều (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

“Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là tấm gương để học sinh nhà trường noi theo về tinh thần vượt khó. Tôi vẫn nhớ Tổng bí thư từng kể, để đến trường ông phải đi bộ từ thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) từ 5 giờ sáng và phải qua đò. Hồi đó, cả khu vực Gia Lâm và Đông Anh chỉ có Trường Nguyễn Gia Thiều. Vì không có đồng hồ nên có những hôm, ông thức dậy đi học từ 3 giờ sáng, qua đò lúc 4 giờ và đến trường là lúc 5 giờ sáng khi mọi người còn chưa dậy. Đó là những kỷ niệm để lại rất xúc động và ngưỡng mộ đối với thầy và trò của trường chúng tôi”, ông Kiên kể.

Trong phòng truyền thống của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều hiện nay, vẫn còn đó đầy ắp những hình ảnh của cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng.

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn tiếc thương nhớ về vị lãnh đạo sự gần dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân

Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) lặng người vì xúc động. Là người luôn vững tinh thần trước bao thử thách trong chiến tranh nhưng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nước mắt ông trào dâng niềm tiếc thương người lãnh đạo kính mến của Đảng, của Nhân dân.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn đã 3 lần được gặp gỡ, nói chuyện cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở lần thứ 3 (tháng 1/2022), Tổng Bí Thư về thăm Đền Đô, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn vinh dự là người dẫn chương trình, giới thiệu, thuyết minh về di tích. Từng lời giới thiệu, từng câu chuyện ông kể, Tổng Bí thư đều lắng nghe, đồng thời động viên nhà giáo giữ gìn sức khỏe, tiếp tục “giữ lửa” Đền Đô, truyền cảm hứng tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, đất nước cho nhân dân.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-2.jpg
AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn vinh dự được trò chuyện cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn). Ảnh: Báo Bắc Ninh.

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng những hình ảnh, kỷ niệm sâu sắc về Tổng Bí thư vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Chia sẻ trên báo Bắc Ninh, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn cho biết nhớ nhất là lần được ngồi cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên thuyền Rồng, lướt sóng Hồ Tây vào ngày 20/3/2000, trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi ấy, Tổng Bí thư đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

“Với nụ cười hiền cùng giọng nói ấm áp, Tổng Bí thư hỏi tôi: “Chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều việc Hà Nội và cả nước cùng làm, nhà giáo có sáng kiến gì để truyền cảm mạnh mẽ hào khí Thăng Long?”. Khi ấy, tôi thật bất ngờ và hạnh phúc khi cảm nhận được ở vị lãnh đạo sự gần dân, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân.

Lần thứ hai (tháng 1-2009), khi là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và lần thứ 3 (tháng 1-2022), Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Đền Đô. Trong nghi lễ linh thiêng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu và nhân dân dâng hương tưởng nhớ các vị Vua nhà Lý.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm khi về thăm Đền Đô. Ảnh tư liệu: Báo Bắc Ninh.

Khi ấy, NGND Nguyễn Đức Thìn vinh dự là người dẫn chương trình, giới thiệu, thuyết minh về di tích, vô cùng xúc động khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, động viên các cụ trong Ban Quản lý di tích Đền Đô: Cảm ơn các cụ đã cơm nhà, việc Đền, cùng nhân dân và Nhà nước làm nên kỳ tích Đền Đô “thiêng hương khói, ấm nhân tình”. Đây là địa chỉ nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài. Những sự tích, những đám mây ở đây rất là xúc động, rất linh thiêng. Nó như một tín hiệu cho thấy sự lung linh trong truyền thống của dân tộc, vừa sáng chói triển vọng của non sông đất nước. Nó thể hiện bề sâu và sự bền vững văn hóa Việt Nam. Tôi tin chắc đây sẽ là địa chỉ, địa danh chứng minh với thế giới rằng Việt Nam đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử và chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn trong nền văn hóa Việt Nam…”.

Những câu nói ân cần, chân tình, ấm áp, khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Bảo tồn được văn hóa là bảo tồn được dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chạm đến sâu thẳm trái tim người nghe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm công tác "Vì lợi ích trăm năm trồng người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO